Nhiều điểm sáng cho bức tranh thế giới 2021
Thế giới năm 2021 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều thay đổi sâu rộng về kinh tế và chính trị. các thay đổi này hứa hẹn sẽ đem tới nhiều điều tích cực, thay cho một năm 2020 ảm đạm.
Toàn thế giới đang chuẩn bị bước sang năm mới sau một năm 2020 đầy khó khăn với sự xuất hiện của hàng loạt thách thức mang tính toàn cầu. Dù một số ý kiến cho rằng năm 2021 sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực của năm cũ vì nếu nhìn toàn cảnh thì còn nhiều vấn đề nghiêm trọng của năm cũ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, song tựu trung người dân các nước hầu hết đều kỳ vọng năm 2021 sẽ mang lại một khởi đầu mới nhiều triển vọng hơn.
Họ đã nói
Thế giới đã dũng cảm đối diện với một năm đầy khó khăn, cùng nhau vượt qua và trở nên mạnh mẽ từ những trải nghiệm đó. Việc năm 2021 có tốt hơn hay không phụ thuộc vào quyết tâm và nỗ lực của toàn thể chúng ta.
Tổng biên tập tờ The Republic - ông JON GABRIEL
Cuộc chiến chống COVID-19 khởi sắc
Nhìn lại năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 là vấn đề nghiêm trọng đáng lưu tâm hàng đầu, số ca tử vong tính đến thời điểm hiện tại vẫn tăng lên hằng ngày. Việc Mỹ cùng một số nước phương Tây khác tuyên bố thử nghiệm thành công vaccine và bắt đầu tiến hành tiêm chủng hàng loạt mở ra hy vọng con người có thể chặn đứng đại dịch trong quý I-2021 hoặc chậm nhất là đầu quý II. Dĩ nhiên các biện pháp phong tỏa và hạn chế khác vẫn rất cần thiết khi quá trình tiêm chủng đang diễn ra. Một điểm đáng lưu ý là với lượng người nhiễm bệnh hiện có, một số vùng dịch lớn trên thế giới có thể đã bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng, qua đó hỗ trợ kiềm chế đại dịch nhanh hơn và không lây lan sang những khu vực khác.
Thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ lo ngại trước thông tin giới chuyên gia Anh và Nam Phi phát hiện ra hai biến thể mới của virus gây dịch SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu chính thức nào chứng minh hai biến thể mới có độc tính cao hơn chủng cũ. Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc họp báo tuần trước cũng kỳ vọng các vaccine đã bào chế thành công sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới.
Chờ nhiệm kỳ của ông Joe Biden
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chọn cách tiếp cận đối đầu gay gắt với Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quốc phòng, chính thức xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Bối cảnh quan hệ quốc tế của năm 2020 chìm trong căng thẳng sinh ra từ mối quan hệ trượt dốc không phanh này, biểu hiện qua những động thái như leo thang chiến tranh thương mại hay việc Mỹ gửi công hàm bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông lên Liên Hợp Quốc.
Trước tình hình trên, việc ông Joe Biden sẽ thay thế ông Trump làm tổng thống Mỹ vào năm nay được kỳ vọng sẽ mở đường cho một giai đoạn mới hòa bình và ổn định hơn. Nhiều người cho rằng ông Biden sẽ đảo ngược những chính sách đậm màu lợi ích quốc gia của ông Trump, quay về với hình ảnh một nước Mỹ gần gũi hơn với đồng minh và cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, theo tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR), ông Biden cũng có thể sẽ nhanh chóng quay lại các cam kết về vấn đề y tế và môi trường như đưa Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và WHO. Điều này giúp đảm bảo sự hiện diện của Mỹ trong quá trình hỗ trợ những quốc gia khác trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Tương tự, giới quan sát cũng sẽ tập trung vào các phản ứng của Trung Quốc trong năm 2021. Thời gian qua, Bắc Kinh tỏ ra không nhân nhượng trong những bất đồng với phương Tây trên các phương diện liên quan đến nước này như biểu tình Hong Kong, vấn đề Đài Loan, căng thẳng biên giới với Ấn Độ, tranh cãi về điều tra nguồn gốc virus và tranh chấp Biển Đông. Hậu quả của sự quyết đoán này là phần còn lại của thế giới ngày càng xa lánh Trung Quốc. Do vậy, mục tiêu duy trì hình ảnh tích cực quốc tế sẽ là động lực để Trung Quốc hành xử đúng chuẩn mực hơn và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Triển vọng kinh tế năm 2021
Trong bài viết mới đây của hãng tin Bloomberg, một số ngân hàng và tổ chức tài chính của Mỹ đã đưa ra báo cáo dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm 2021. Trong số này, báo cáo của Ngân hàng Morgan Stanley là tích cực hơn cả với kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mức tăng trưởng mạnh theo hình chữ V trong 2021, đạt mức 6,4% và đến quý II sẽ trở lại với mức tăng trưởng như trước đại dịch.
Các nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ cùng giữ vai trò động lực trong giai đoạn tiếp theo do nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ làm gia tăng tỉ lệ lạm phát, song không gây ảnh hưởng quá đáng kể.
Trong khi đó, Ngân hàng JPMorgan Chase đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm sau là 5,8%. Các chuyên gia ở đây cho rằng thời gian đầu của năm 2021 kinh tế thế giới sẽ suy giảm nhẹ nhưng sẽ bắt đầu đi lên khi ngày càng nhiều nước được tiếp cận vaccine COVID-19 và tổ chức tiêm chủng và những nước châu Âu dừng các lệnh phong tỏa hay hạn chế đi lại. Các nền kinh tế ở châu Á được dự báo sẽ là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2021 nhờ kiểm soát dịch thành công và nhanh chóng tìm kiếm được động lực tăng trưởng kinh tế và thương mại mới.•
Các diễn biến cần theo dõi trong năm 2021
Theo CFR, trong năm 2021 sẽ xuất hiện năm điểm nóng đáng chú ý, có thể thay đổi cục diện chính trị toàn cầu.
Đầu tiên, cuộc chạy đua công nghệ 5G giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt khi Bắc Kinh hôm 28-12-2020, cho biết sẽ xây dựng thêm 600.000 trạm phát 5G vào năm 2021. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ đối diện thử thách lớn trong việc phát triển mạng thế hệ mới này trong bối cảnh không chỉ ông Trump mà cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ đều đã xem các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei hay ZTE là những mối đe dọa tiềm tàng tới an ninh mạng quốc gia và vận động các đồng minh cấm cửa công ty Trung Quốc.
Thứ hai, tình hình Biển Đông năm sau sẽ thu hút sự quan tâm lớn hơn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sau kết quả đạt được từ cuộc chiến công hàm của năm 2020. Các nước phương Tây đã vào cuộc với những thông điệp bác yêu sách của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Trong năm 2021, tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ tiếp tục và được xem là một trong những giải pháp xử lý tranh chấp hữu hiệu.
Thứ ba, sức ép dành cho chính phủ các nước về vấn đề môi trường đã tăng lên đáng kể trong nhiều năm gần đây. Liên minh châu Âu (EU) hiện là bên duy nhất tỏ ra quan tâm tới vấn đề này và nhiều khả năng sẽ tiếp tục kèm thêm các điều khoản liên quan đến môi trường vào bất kỳ thỏa thuận nào của khối này với đối tác, đồng minh.
Thứ tư, CFR cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sớm tìm cách bắn tín hiệu cho Mỹ về thỏa thuận hạt nhân dang dở bằng các động thái thử tên lửa đạn đạo. Tương tự, số phận thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) cũng đang chuẩn bị được đặt lên bàn cân khi Tổng thống tân cử Joe Biden cam kết nối lại đàm phán.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nhieu-diem-sang-cho-buc-tranh-the-gioi-2021-959241.html