Nhiều đại gia Việt dính hồ sơ Paradise; 500 khách hàng 'sập bẫy' địa ốc Alibaba

Rò rỉ hồ sơ Paradise liên quan tới Việt Nam

Ngày 5/11/2017, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã chia sẻ một phần của bộ "Hồ sơ Paradise". Đây là tập hợp 13,4 triệu tài liệu liên quan đến đầu tư offshore (đầu tư ở hải ngoại, thường là qua những công ty tài chính môi giới) đã được tiết lộ qua báo Süddeutsche Zeitung của Đức.

Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu được công bố đến ngày 21/11/2017 trên trang web của ICIJ, kết quả tìm kiếm với từ khóa "Vietnam" hiển thị 13 thực thể (Offshore entities), 25 cá nhân (Officers) và 20 địa chỉ (Addresses) được nhắc đến trong "Hồ sơ Paradise" (còn được gọi là "Hồ sơ Thiên đường").

Các công ty chủ yếu được đặt tại các "thiên đường thuế" Bermuda, quần đảo Cayman Islands và quần đảo British Virgin thuộc Vương quốc Anh.

Một số công ty được cho là có liên quan đến người Việt Nam vì chứa các từ khóa như: Phú Quốc, Hội An, Việt Nam... Trong số các cá nhân có tên trong Hồ sơ Paradise có một số tên giống tên một số doanh nhân Việt như: Scriven - Dominic Tymothy Charles, Lam - Don Di, Nguyen - Louis T...

Nhiều đại gia BĐS dính sai phạm

Theo kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội giai đoạn 2002-2014, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, lạm dụng chủ trương xây nhà ở xã hội, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở... của các dự án bất động sản tại Hà Nội.

Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là hơn 1.500 tỷ đồng.

Một số cái tên đáng chú ý được nêu ra gồm: Dự án Khu nhà ở tại số 628 đường Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) do Công ty Vinaconex 2 làm chủ đầu tư; Dự án thành phố giao lưu của công ty Cổ phần đầu tư xây dựng quốc tế Vigeba; Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế 2 do công ty TNHH một thành viên kinh doanh nhà Hà Nội (Handi Resco) làm chủ đầu tư.

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số chủ đầu tư khác như công ty CP Tập đoàn Hà Đô không phải chủ đầu tư dự án, khi xây dựng xong tòa nhà chung cư cao tầng có ký hiệu NO-10 thuộc khu đô thị mới Dịch Vọng đã tự ý ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cho 341 khách hàng.

Uber, Grab vào tầm ngắm thanh tra thuế 2018

Uber, Grab sẽ vào tầm ngắm thanh tra thuế năm 2018.

Tổng cục Thuế vừa có văn bản đề nghị các cục Thuế trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra năm 2018, lưu ý tập trung một số một số ngành, lĩnh vực doanh nghiệp có dư địa thu lớn như: dầu khí, xăng, dầu, bệnh viện, hàng không, các tổ chức tín dụng, dược phẩm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, casino, công ty xổ số, xây dựng, bất động sản...

Đặc biệt, cần chú trọng thanh kiểm tra thuế với các doanh nghiệp hoạt động ở những ngành nghề kinh doanh mới, có đặc thù phải kê khai thuế như: hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải Grab, Uber; kinh doanh qua mạng...

Bộ Công an vào cuộc điều tra hoạt động của địa ốc Alibaba

Trước thông tin cảnh báo của hàng loạt cơ quan chức năng tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu về hoạt động rao bán dự án bất động sản trái pháp luật của địa ốc Alibaba, bộ Công an đã tổ chức một tổ công tác phối hợp cùng các đơn vị sở, ngành tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để làm rõ hoạt động của công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM và công ty CP địa ốc Alibaba.

Trụ sở chính của 2 công ty trên đặt tại số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chi nhánh 2 của công ty đặt tại số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Khoảng đất trống nơi công ty Alibaba thường tổ chức dẫn khách tham quan.

Bộ Công an vào cuộc điều tra tại 3 địa phương trên bởi ở đây có các dự án được công ty trực thuộc hệ thống của Alibaba giới thiệu, rao bán.

Làm việc với bộ Công an, đại diện ủy quyền của công ty địa ốc Alibaba cho biết đã nhận đăng ký đặt chỗ của gần 500 khách hàng với tổng số tiền hơn 16,6 tỷ đồng trong dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, TPHCM.

Đại gia nghìn tỷ trước lựa chọn "sếp nhà băng hay sếp doanh nghiệp"

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng (TCTD) không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên Ban kiểm soát của TCTD khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.

Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Đại gia nghìn tỷ trước lựa chọn "sếp nhà băng hay sếp doanh nghiệp".

Trong khi đó hiện nay, nhiều sếp ngân hàng đang đồng thời là chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc ở các doanh nghiệp.

Có thể dễ dàng điểm danh như ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank hiện cũng là Chủ tịch của Công ty CP Him Lam; Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS; Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT của Doji Group; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group...

Và như vậy, khi luật có hiệu lực, thị trường sẽ chứng kiến một loạt thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của ngân hàng.

Bùi Hương (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dai-gia-viet-dinh-ho-so-paradise500-khach-sap-bay-dia-oc-alibaba-a348668.html