Nhiều cổ phiếu đã có mức giá hợp lý với yếu tố cơ bản, thị trường cần thời gian tạo vùng giá cân bằng

Hiện tại, nhiều mã, nhóm mã đã có vùng giá tương đối hợp lý so với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường cần có thời gian tạo vùng giá cân bằng mới khi các yếu tố cơ bản đang thay đổi, suy yếu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán mới đây, SHS nhấn mạnh: Thống kê cho thấy những phiên tăng mạnh nhất thường xảy ra ngay sau những đợt giảm sâu – mà nếu đứng ngoài thị trường vì tin vào "Sell in May", nhà đầu tư dễ bỏ lỡ cơ hội vàng.

Dữ liệu lịch sử gần đây cho thấy mùa hè không phải lúc nào cũng "xấu": lợi suất trung bình giai đoạn này vẫn khoảng 4,2%, với 74% số năm ghi nhận tăng trưởng.

Ngày nay, toàn cầu hóa, giao dịch điện tử, cùng sự trỗi dậy của các quỹ đầu tư xuyên biên giới đã làm thay đổi bộ mặt thị trường. Nhà đầu tư không còn bị giới hạn bởi địa lý hay mùa nghỉ lễ: dòng vốn di chuyển 24/7, thanh khoản được duy trì quanh năm. Thậm chí, nếu ai cũng tin rằng tháng Năm nên bán, thì người nhanh chân sẽ hành động từ tháng Tư, khiến mọi mô típ mùa vụ bị triệt tiêu trong chính sự vận động hiệu quả của thị trường.

Bên cạnh đó, yếu tố vĩ mô ngày càng lấn át hiệu ứng mùa vụ. Những sự kiện như khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch COVID-19 hay các thay đổi chính sách tiền tệ đều có thể khuấy động thị trường bất kể mùa nào. Chẳng hạn, mùa hè 2020 không những không giảm mà còn chứng kiến một đợt phục hồi ngoạn mục, nhờ các gói cứu trợ quy mô lớn.

Chúng ta cũng cần tỉnh táo trước sự cám dỗ của chiến lược "né mùa hè". Thống kê cho thấy những phiên tăng mạnh nhất thường xảy ra ngay sau những đợt giảm sâu – mà nếu đứng ngoài thị trường vì tin vào "Sell in May", nhà đầu tư dễ bỏ lỡ cơ hội vàng.

VN-Index đã kết thúc tháng 4/2025, cập nhật tình hình, kết quả kinh doanh quí I/2025 của doanh nghiệp. Thị trường bắt đầu tháng 5 với giai đoạn đàm phán thương mại, thuế quan với Mỹ. Theo SHS, dù kết quả như thế nào thì mức thuế quan cũng sẽ được áp đặt, cán cân thương mại thặng dư với Mỹ sẽ chịu áp lực mạnh. Điều này ảnh hướng lớn đến các cân đối vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện tại, thị trường vẫn đang vận động dưới ảnh hưởng một số yếu tố chính: Diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục bất định trước áp đặt thuế quan của Mỹ. Rủi ro suy thoái kinh tế có thể xảy ra trên diện rộng. Trong đó Việt Nam đang là tâm điểm, với rủi ro thuộc nhóm cao nhất trong các nước.

Nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Lãi suất duy trì ổn định trên nền thấp. Nhưng đối mặt áp lực rất lớn từ bên ngoài khi độ mở nền kinh tế rất cao. Quá trình đàm phán đang diễn ra, tuy nhiên kết quả như thế nào thì mức thuế quan cũng sẽ được áp đặt. Ảnh hướng lớn đến các cân đối vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Kỳ vọng nâng hạng thị trường vào tháng 9/2025; Định giá thị trường vừa có đợt giảm mạnh về quanh vùng định giá cuối năm 2022 ở quanh mức PE 11.x lần, mở ra những cơ hội đầu tư giá trị.

Trong tháng 4, hành động áp thuế được xem là sự kiện “rất bất ngờ” đối với nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam, dẫn đến áp lực bán mạnh trên diện rộng khi các yếu tố cơ bản đang thay đổi, suy yếu. VN-Index giảm mạnh từ vùng giá 1.340 điểm về vùng giá 1.080 điểm với nhịp giảm điểm mạnh mới phục hồi trở lại.

Hiện tại, nhiều mã, nhóm mã đã có vùng giá tương đối hợp lý so với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường cần có thời gian tạo vùng giá cân bằng mới khi các yếu tố cơ bản đang thay đổi, suy yếu. Bên cạnh chờ đợi những thông tin về đàm phán thuế quan trong thời gian 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng, cũng như đánh giá triển vọng tăng trưởng mới, Vn-Index có thể sẽ tích lũy kéo dài trong biên độ hẹp trên vùng hỗ trợ 1150-1180 và kháng cự 1250-1270.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-co-phieu-da-co-muc-gia-hop-ly-voi-yeu-to-co-ban-thi-truong-can-thoi-gian-tao-vung-gia-can-bang.htm