Nhiệm vụ không dễ dàng đối với tân Tổng thống Tunisia K.Saied
Tân Tổng thống Tunisia Kais Saied vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức sau khi giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vòng hai hôm 13.10 vừa qua.
Trong bối cảnh Tunisia đang gặp không ít khó khăn kể từ sau làn sóng “Mùa xuân Arab” năm 2011 làm chấn động các nước Trung Đông-Bắc Phi, nhiệm vụ lèo lái “con thuyền” Tunisia vượt qua cơn sóng dữ đối với người kế nhiệm cố Tổng thống Beji Caid Essebsi được dự báo sẽ rất chông gai.
Kỳ vọng về một “Mùa xuân mới”
Cách đây 8 năm, ngày 14-1-2011, làn sóng “Mùa xuân Arab” đã lật đổ 23 năm thống trị của chính quyền Tổng thống Zine El-Abidine Ben Ali, buộc ông phải bỏ trốn và sống lưu vong ở nước ngoài. Sau làn sóng nổi dậy trong khu vực, Tunisia được cho là quốc gia duy nhất xây dựng thành công nền dân chủ mà không dẫn đến bạo lực.
Người dân Tunisia bắt đầu hy vọng về giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn của đất nước, khi Chính phủ mới sẽ tạo ra nhiều việc làm, trợ cấp, an sinh xã hội và kéo theo nhiều yếu tố tích cực khác.
Tuy nhiên, 8 năm đã trôi qua, cùng với việc trải qua 6 chính phủ khác nhau song “Mùa xuân Arab” vẫn chưa thực sự đem lại điều mà người dân quốc gia Bắc Phi hằng mong muốn.
Một thực tế là, từ năm 2011, tình trạng kinh tế của Tunisia ngày càng trở nên tồi tệ. GDP tăng trưởng chậm, nợ công từ mức tương đương 39,2% GDP trong năm 2010 đã lên tới 60,6% vào năm 2016. Đồng nội tệ dinar giảm 40% giá trị so với đồng USD.
Tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức đáng báo động, nhất là trong giới trẻ (ước tính ở vào khoảng 35%), tỷ lệ lạm phát cao trong khi tình trạng mù chữ ngày càng tăng và ngày càng nhiều khu vực bị gạt ra khỏi sự phát triển của xã hội.
Viện Thống kê Quốc gia của Tunisia cho biết, thâm hụt thương mại ở nước này trong tháng 1.-2017 đã tăng lên mức kỷ lục là 6,25 tỷ USD. Trong khi đó, giá nhiên liệu và giá cả các loại hàng hóa cũng như dịch vụ cơ bản đã tăng gần 1/3.
Ngân sách năm 2018 cũng gia tăng thuế hải quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu, còn chính phủ cắt giảm tiền lương ở những bộ phận công.
Người dân Tunisia thuộc mọi tầng lớp đều phàn nàn rằng, điều kiện sinh hoạt của họ ngày càng đi xuống và thậm chí họ còn không thể thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu hàng tháng.
Cùng với khó khăn về kinh tế, an ninh cũng là vấn đề gây quan ngại tại Tunisia. Kể từ cuộc nổi dậy năm 2011, các phần tử thánh chiến đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Tunisia, trong đó có vụ tấn công khủng bố tại khu nghỉ mát Sousse và viện bảo tàng Bardo khiến 60 người thiệt mạng.
Các vụ tấn công khủng bố cũng khiến các nhà đầu tư ngần ngại đặt chân tới quốc gia này và khiến du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia Bắc Phi bị ảnh hưởng nặng nề.
Những khó khăn về đời sống kinh tế xã hội, tình trạng bất ổn an ninh là nguyên nhân chính kích động các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn trên khắp đất nước Tunisia hồi tháng 1.2018.
Những người biểu tình cho rằng, 6 chính phủ cầm quyền tại Tunisia kể từ sau làn sóng “Mùa xuân Arab” năm 2011 đã làm tiêu tan những hy vọng của người dân về công bằng xã hội và kinh tế, và khiến họ cảm thấy bị phản bội.
Không chỉ vậy, việc chính phủ thông qua luật tài chính - chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2018 càng đổ thêm dầu vào lửa.
Luật đã được thông qua từ cuối năm 2017 và vấn đề này cũng đã nhiều lần được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, song không mấy được dư luận quan tâm.
Chỉ tới khi giá cả hàng hóa leo thang do tác động từ luật mới, người dân mới bắt đầu cảm nhận được những ảnh hưởng nghiêm trọng trong đời sống kinh tế xã hội mà họ phải gánh chịu.
Đáng quan ngại hơn, một số chính đảng tại Tunisia đã lợi dụng sự tức giận của người dân để giành lấy quyền lực với nhiều hứa hẹn, để rồi thất bại trong giải quyết vấn đề kinh tế. Vòng luẩn quẩn tiếp diễn, đẩy Tunisia tiếp tục lún sâu vào bất ổn.
Nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của người biểu tình trước đạo luật tài chính mới, ngày 13.1.2018, Chính phủ Tunisia đã công bố một loạt cải cách xã hội, trong đó bao gồm kế hoạch tăng hỗ trợ cho các gia đình nghèo, cung cấp nhà ở cho những gia đình khó khăn cũng như cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế.
Các nhà tài trợ quốc tế (gồm Ngân hàng Thế giới-WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF, Ngân hàng Đầu tư châu Âu-EIB, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu-EBRD…) cũng đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 5,5 tỷ euro, giúp Tunisia ổn định nền kinh tế và hoàn thành tiến trình cải cách thế chế dân chủ.
Trong khi đó, Tổng thống Tunisia Béji Caïd Essebsi đã yêu cầu các nhà tài trợ quốc tế tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Tunisia trong bối cảnh tình hình phục hồi kinh tế còn khá mong manh, đặc biệt là trước mối đe dọa khủng bố. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy khủng hoảng tại quốc gia này được lắng dịu.
Ngay từ năm 2018, nhiều người dân Tunisia đã hướng về cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 với hy vọng tìm kiếm một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm, đưa quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng. Trong bối cảnh Tunisia cho tới nay vẫn chưa giải quyết được các thách thức kinh tế, an ninh từ làn sóng "Mùa Xuân Arab" năm 2011, cuộc bầu cử tổng thống lần này được kỳ vọng mang lại “mùa xuân” mới cho đất nước.
Nhiệm vụ không dễ dàng
Ngày 15.9, các cử tri Tunisia đã đi bỏ phiếu để lựa chọn người kế nhiệm cố Tổng thống Beji Caid Essebsi qua đời hôm 25.7 vừa qua. Trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một này, giáo sư luật Kais Saied và doanh nhân, ông trùm truyền thông Nabil Karoui dẫn đầu với số phiếu giành được lần lượt là 18,4% và 15,6%. Với việc không có ứng viên đạt được đa số quá bán, ông Saied và Karoui được xác định là 2 ứng cử viên bước vào vòng bỏ phiếu thứ 2.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Tunisia vòng 2 diễn ra ngày 13-10, ông Saied, ứng cử viên độc lập đã giành chiến thắng áp đảo với 72,71% phiếu bầu, so với 27,29% của doanh nhân, ông trùm ngành truyền thông Karoui.
Ông Saied, giáo sư luật đã nghỉ hưu, có quan điểm bảo thủ và “khắc khổ” đã giành chiến thắng nhờ được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ vốn rất ấn tượng với tư tưởng cải cách của ông.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông khẳng định sẽ mang lại cho người dân những giá trị thực sự của những thay đổi. Theo ước tính của viện Sigma, khoảng 90% thanh niên từ 18 - 25 tuổi đã bỏ phiếu cho ông Saied, so với mức 49,2% của các cử tri trên 60 tuổi.
Việc lựa chọn ông Saied, người cam kết cải tổ hệ thống chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và trao thêm quyền lực cho các cơ quan địa phương, cho thấy người dân đã quá thất vọng với tình trạng kinh tế trì trệ và cuộc sống ngày càng khó khăn.
Theo quy định của pháp luật Tunisia, các ứng cử viên có quyền đệ đơn phản đối kết quả bỏ phiếu trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, kể từ khi kết quả bầu cử được chính thức công bố, các bên liên quan không có bất cứ khiếu nại nào.
Và ngày 23.10, tân Tổng thống Tunisia Kais Saied, 61 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức trước các thành viên quốc hội và các cơ quan nhà nước hàng đầu khác.
Ông cũng có bài phát biểu quan trọng trước toàn dân Tunisia. Với lễ tuyên thệ này, ông Saied đã chính thức trở thành tổng thống thứ 8 của nước Cộng hòa Tunisia kể từ khi giành độc lập năm 1956 và là nhà lãnh đạo được bầu trực tiếp thứ hai kể từ khi cuộc chính biến Mùa xuân Arab nổ ra năm 2011.
Với hàng loạt khó khăn mà Tunisia đang phải đối mặt, nhiệm kỳ tới được dự báo sẽ là bài toán nan giải dành cho tân Tổng thống Kais Saied.
Thách thức hàng đầu với tổng thống thứ 8 của nước Cộng hòa Tunisia kể từ khi giành độc lập năm 1956 hiện nay là sẽ phải vượt qua rào cản về lập trường chính trị hay đảng phái để xây dựng một Chính phủ liên minh mạnh và bền vững, dẫn dắt đất nước qua cơn bĩ cực.
Cùng với đó là phục hồi tăng trưởng kinh tế, giải quyết tình trạng khó khăn nhằm đem lại cuộc sống ổn định như kỳ vọng của người dân Tunisia.
Trong khi đó, tình hình khu vực, đặc biệt là các quốc gia láng giềng, tiếp tục diễn biến khó lường, đòi hỏi Tunisia phải có ứng biến hợp lý nhằm bảo toàn lợi ích quốc gia.
Hiện chiến sự tại Libya nóng lên từng ngày; giao tranh giữa Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) tại Tripoli, ngay sát biên giới phía Đông của Tunisia, luôn được Tunis theo dõi sát sao.
Còn nước láng giềng phía Tây của Tunisia là Algeria lại đối mặt với bất ổn chính trị kéo dài.
Ngày 16.9, với sự hậu thuẫn của quân đội, Tổng thống tạm quyền Algeria Abdelkader Bensalah đã ấn định thời điểm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 12.12 tới và khẳng định đây là cách duy nhất giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Tuy nhiên, quyết định này đã bị người dân phản đối kịch liệt, khẳng định sẽ tẩy chay bỏ phiếu chừng nào các quan chức tham nhũng và giới tinh hoa chưa bị xét xử.
Hiện các cuộc biểu tình kéo dài từ khi cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức đã bước sang tuần thứ 30 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực trạng này sẽ buộc nhà lãnh đạo mới của Tunisia phải có chính sách đối ngoại khéo léo để xử lý mối quan hệ với láng giềng, cải thiện vị thế quốc tế.
Đây sẽ là cách để chứng minh sau “Mùa xuân Arab”, Tunisia có thể mang đến “hoa thơm trái ngọt” cho chính đất nước mình.