Nhật Bản thuê công nhân nước ngoài dọn rác hạt nhân

Dọn dẹp lò phản ứng hạt nhân sau sự cố năm 2011 nhưng thiếu người, Nhật Bản phải thuê người nước ngoài.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ ở Fukushima mới đây đã phải ra thông báo rằng sẽ chấp nhận cả các công nhân nước ngoài để dọn dẹp nhiên liệu hạt nhân.

Thiếu nhân lực, Nhật phải thuê công nhân nước ngoài để dọn rác hạt nhân. Ảnh minh họa: Daily Mail

TEPCO trước đây từng sử dụng kỹ sư nước ngoài trình độ cao tại Fukushima nhưng lại không chấp nhận lao động từ nước khác để dọn dẹp nhiên liệu hạt nhân. Một trong số lý do là công việc này cần phải hiểu rõ hướng dẫn kỹ thuật và do đó, yêu cầu tiếng Nhật thành thạo.

Trước nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng, Nhật Bản đã mở chương trình visa mới, mở rộng cơ hội cho người nước ngoài với trình độ tiếng Nhật tốt để bổ sung nhân lực vào 14 lĩnh vực.

Nữ phát ngôn viên TEPCO Mayumi Sugahara trả lời truyền thông Pháp: “Chương trình visa mới được thiết kế nhắm vào những lao động có tay nghề cụ thể và năng lực ngôn ngữ nhất định. Chúng tôi sẽ chấp nhận người nước ngoài nếu họ đáp ứng đủ yêu cầu”.

Cô Sugahara không nói rằng TEPCO đang thiếu nhân lực. Hiện, luôn có khoảng 7.200 người làm việc tại các nhà máy Fukushima.

Năm ngoái, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã phản ánh rằng, nhiều thực tập sinh Việt Nam bị các công ty môi giới lừa đảo đến dọn dẹp rác phóng xạ tại Fukushima Daiichi.

Thông tin được đưa ra sau khi một thực tập sinh Việt Nam tố cáo công ty xây dựng ở tỉnh Iwate đã lừa anh này hàng chục lần đến khu vực dân cư tại thành phố Koriyama thuộc Fukushima để làm công việc tẩy xạ.

Theo Liên đoàn Lao động Zentouitsu, chuyên hỗ trợ các thực tập sinh nước ngoài, ba thanh niên Việt Nam đến Nhật Bản vào tháng 7/2015 theo diện thực tập sinh của công ty xây dựng có trụ sở ở thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima, đã làm công việc tẩy xạ ở tỉnh này từ 2016 đến 2018.

Hợp đồng lao động chỉ miêu tả công việc của ba người là lắp đặt khung kết cấu và gia cố khung thép. Và công ty xây dựng không giải thích chi tiết nội dung công việc tẩy xạ với các lao động Việt Nam.

Sau khi sụ vụ bị phanh phui, Bộ Tư pháp Nhật cùng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã ra thông cáo chính thức tuyên bố rằng công việc tẩy xạ không phù hợp với mục đích của Chương trình Học viên Thực tập Kỹ thuật (TITP) dành cho lao động nước ngoài vì các thực tập sinh nước ngoài đến Nhật để tập trung học kỹ năng nghề, trong khi đó, công việc tẩy xạ không phải là một nghề phổ biến ở Nhật. Cơ quan này kết luận, bắt đầu từ bây giờ, sẽ yêu cầu các công ty phải cam kết không thuê lao động nước ngoài làm công việc tẩy xạ.

Hiện tại, hoạt động dọn dẹp, xử lý rò rỉ hạt nhân đang được TEPCO tiến hành bình thường.

Hôm 15/4, các công nhân bắt đầu di dời những thanh nhiên liệu hạt nhân khỏi bể chứa gần lò phản ứng số ba tại nhà máy điện Fukushima Daiichi. Sau đó, họ sẽ di dời nhiên liệu hạt nhân bị nóng chảy nằm sâu bên trong.

Quá trình dọn dẹp dự kiến đến năm 2021 mới hoàn tất.

TEPCO đồng thời lên kế hoạch di dời nhiên liệu từ phòng chứa lò phản ứng số một và hai vào năm 2023.

Trung tuần tháng 2 vừa qua, cơ quan chức năng Nhật Bản đã bắt đầu hoạt động kiểm tra nhiên liệu phóng xạ tại Fukushima. Đây là hoạt động chủ chốt trong nỗ lực thu dọn sau sự cố hạt nhân.

Các robot đã được đưa vào bên trong lò phản ứng để các chuyên gia đánh giá tình trạng nhiên liệu phóng xạ bị tan chảy, qua đó xác định nhiên liệu có đủ ổn định để dọn đi hay có thể nát vụn khi có tiếp xúc.

Thiếu hụt lao động trở thành vấn đề cấp thiết ở Nhật Bản.

Ngành xây dựng của Nhật Bản nói chung từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng dù Chính phủ đã nới lỏng các yêu cầu thị thực cho người lao động nước ngoài.

Thêm vào khủng hoảng lao động, Tokyo hiện đang trải qua một sự bùng nổ xây dựng trước Thế vận hội Olympic 2020.

Chính phủ hy vọng sẽ thu hút khoảng 350.000 lao động nước ngoài trong 14 lĩnh vực được lựa chọn trong năm năm tới.

Hệ thống thị thực mới được coi là một sự thay đổi chính sách khỏi chương trình nhập cư nghiêm ngặt truyền thống của Nhật Bản.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nhat-ban-thue-cong-nhan-nuoc-ngoai-don-rac-hat-nhan-3378500/