Nhanh xanh hóa phương tiện giao thông công cộng
Việc chuyển đổi phương tiện công cộng sang năng lượng xanh là xu hướng tất yếu nhằm giảm ô nhiễm môi trường và TP HCM đang hội tụ các điều kiện cần và đủ
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban MTTQ TP HCM cùng các sở ngành, doanh nghiệp, hiệp hội vận tải... lấy ý kiến xây dựng nghị quyết của HĐND TP về ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.
Hỗ trợ tốt nhất việc chuyển đổi
Theo Sở GTVT, xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP HCM là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan đã được Chính phủ giao triển khai tại các thành phố lớn.
Sở GTVT đã hoàn thiện đề án giai đoạn 1, theo đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện đề án mở rộng kiểm soát khí thải, trong đó xem xét phương án lựa chọn huyện Cần Giờ thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông dùng năng lượng điện.
Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng 2.200 xe buýt, trong đó 546 xe điện, xe CNG, còn lại là xe sử dụng dầu diesel; phát thải khí CO2 của khối xe buýt năm 2024 khoảng 553.300 tấn. Dự kiến đến năm 2030 các tuyến mới được mở nâng tổng số phương tiện lên trên 3.300 xe.
"Nếu không kịp thời có kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang năng lượng xanh thì tình hình ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông của TP HCM càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây thiệt hại kinh tế - xã hội của thành phố" - đại diện Sở GTVT cho hay. Cũng theo đại diện, để bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ xe buýt TP sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh, đề án xây dựng cơ chế, chính sách với mức hỗ trợ tốt nhất, giúp nhà đầu tư chủ động và yên tâm khi triển khai.
Doanh nghiệp sẵn sàng
Dẫn nhiều mô hình trên thế giới, PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TP HCM, khẳng định chuyển đổi năng lượng xanh cho phương tiện công cộng là xu hướng tất yếu. Trong đó, xe buýt điện tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ và sự ưa chuộng ngày càng tăng từ người tiêu dùng và các thành phố lớn.
Về kinh phí thực hiện đề án, dự kiến từ năm 2025 đến 2030 cần khoảng 3.521 tỉ đồng, trung bình 5.667 tỉ đồng/năm. Trong đó hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện là 2.094 tỉ đồng, hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm sạc là 1.347 tỉ đồng, còn lại đầu tư trạm cung cấp điện.
Để phát triển loại phương tiện này, theo PGS Phạm Xuân Mai, nhà nước cần phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như trạm sạc, hạ tầng giao thông… và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời thay cho điện lưới để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Khánh, Trưởng Phòng Điều hành Công ty Cổ phần Xe khách Sài Gòn (Saigonbus), chia sẻ giá thành đầu vào xe buýt điện khá cao, hơn 6 tỉ đồng/xe. Để khuyến khích chuyển đổi xe điện, ngoài chính sách hỗ trợ lãi vay, doanh nghiệp rất cần định mức chi phí trợ giá cho xe buýt điện rõ ràng. "Nếu định mức chi phí ban hành dễ thở, doanh nghiệp hoạt động có lãi thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư" - ông Khánh nói.
Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang, thông tin đơn vị từng kiến nghị lãnh đạo thành phố đưa xe buýt thuần điện vào phục vụ khách với những tuyến đấu thầu mới. Ông Ánh nói hiện nay công ty đã có phương án nguồn phương tiện, nếu chính sách hỗ trợ được HĐND thành phố thông qua, doanh nghiệp sẽ tham gia đấu thầu, đưa xe buýt điện vào phục vụ hành khách góp phần giảm ô nhiễm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cho hệ thống xe buýt.
Thuận lợi triển khai tại Cần Giờ
PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức), đại diện nhóm nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ, cho biết phát triển giao thông xanh ở Cần Giờ có tính khả thi cao.
Đầu tiên, Cần Giờ là một đảo, quy mô dân số ít nên khả năng triển khai không phức tạp. Tiếp đến, đặc điểm dân số phân bố dọc trục đường xương sống rừng Sác, địa điểm làm việc hay du lịch đều bám xung quanh trục đường này nên thuận lợi khi tổ chức giao thông công cộng…
Dẫn thêm một số lý do và điều kiện cho thí điểm thành công, PGS-TS Vũ Anh Tuấn dự liệu tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng ở Cần Giờ tăng từ 10% lên 40%, phát thải ô nhiễm giảm một nửa từ 9.600 tấn xuống còn 4.800 tấn. "Khi thí điểm thành công thì có thể giảm lượng phát thải đáng kể, ngoài ra còn là bước đệm để có thể đo lường, tiến hành thương mại hóa tín chỉ carbon" - ông Tuấn cho biết.
Ngọc Quý
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhanh-xanh-hoa-phuong-tien-giao-thong-cong-cong-196240913204440281.htm