Nhân viên giỏi nghề đang rời đi, du lịch sẽ ra sao sau đại dịch?Nhân viên giỏi nghề đang rời đi, du lịch sẽ ra sao sau đại dịch?

Việc hàng loạt nhân viên du lịch nghỉ việc trong 5 tháng qua đã trở thành vấn đề đau đầu của các nhà điều hành doanh nghiệp. Ban lãnh đạo các đơn vị du lịch lo lắng trong giai đoạn sắp tới phải tốn rất nhiều chi phí cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự mà chưa chắc đã có nguồn nhân lực đạt yêu cầu để quay lại thương trường.

Thực trạng kể trên không những ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của điểm đến trong thời gian tới.

 Nhân viên, hướng dẫn viên du lịch trong một buổi bán hàng do Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM tổ chứ. Ảnh: Đào Loan

Nhân viên, hướng dẫn viên du lịch trong một buổi bán hàng do Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM tổ chứ. Ảnh: Đào Loan

Cho nghỉ đợt 1, đợt 2 và...

Đầu tháng Năm vừa rồi, tổng quản lý của một khách sạn cao cấp ở Nha Trang đã nghỉ việc sau khoảng ba tháng khách sạn vắng khách vì Covid-19. Dù chủ đầu tư không nói trực tiếp về chuyện sa thải nhưng nhà điều hành nhiều kinh nghiệm này thấy rằng đã đến lúc phải rời đi để ông chủ có thể thuê người điều hành địa phương với chi phí thấp hơn.

"Dầu gì trong giai đoạn này cũng không có việc gì để làm cho nên khách sạn cũng không cần phải thuê người có kinh nghiệm", ông nói.

Theo ông, cũng như nhiều khách sạn khác, số nhân viên nghỉ việc ở đây tăng dần theo đà suy giảm khách. Nhiều nhân viên bình thường đã phải nghỉ ngay đợt đầu suy giảm khách hồi đầu năm, kế đến là những người có tay nghề hơn và nay đến cả cấp trưởng, phó bộ phận cũng phải nghỉ.

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp ở Nha Trang và các địa phương khác cũng cho thấy thông tin tương tự. Số lượng nhân viên lữ hành, khách sạn, nhà hàng đang phải bỏ nghề ngày một nhiều hơn.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HG Group, cho biết dù đã cố gắng giữ người, chuyển nhân viên từ các mảng khác sang các mảng đang có thể làm ăn tương đối trong giai đoạn này như mảng công nghệ (đại lý du lịch trực tuyến) nhưng tập đoàn cũng không thể giữ nổi nguồn nhân lực trước "bão" Covid-19.

"Chỉ riêng mảng du lịch quốc tế, 60% nhân viên của chúng tôi đã phải nghỉ việc", ông nói và cho biết, hiện chưa thể đảm bảo đây là cuối cùng vì khó khăn của mảng du lịch sẽ còn suy giảm hơn trong những tháng tới, đặc biệt là khi mùa du lịch hè kết thúc.

HG Group là tập đoàn kinh doanh nhiều lĩnh vực như dịch vụ hàng không, lữ hành, khách sạn, du thuyền. Vài tháng trước, những người điều hành tập đoàn kỳ vọng có thể đón khách quốc tế trở lại vào cuối năm nay và chuẩn bị các kế hoạch nhân sự cho giai đoạn phục hồi nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.

"Có thể đến cuối năm sau mảng du lịch quốc tế mới có thể dần phục hồi. Thị trường sẽ tiếp tục có những đợt sa thải mới vì không công ty nào có thể giữ người cho đến thời điểm đó ", ông Đức nói.

Hồi tháng Tư, khi du lịch chưa khủng hoảng sâu như hiện tại, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cùng một số đơn vị như Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Grant Thornton Việt Nam đã thực hiện khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch đến doanh nghiệp trong ngành du lịch.

Kết quả khảo sát đã cho thấy thông tin đáng lo ngại về nguồn nhân lực. Theo đó, 18% doanh nghiệp số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho một nửa nhân viên nghỉ.

Lo ngại khủng hoảng nguồn nhân lực sau dịch

TAB dẫn số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế cho biết, số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam lên đến 4,9 triệu người, chưa kể những người làm việc trong những mảng có liên quan đến du lịch.Sự suy giảm của ngành du lịch đã làm hàng triệu người lao động lao đao và cũng làm doanh nghiệp lo lắng.

"Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực sau dịch. Chi phí tuyển dụng cao, chi phí đào tạo cao sẽ làm cho việc quay lại thị trường càng khó khăn hơn", ông Đức của HG Group nói.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, rất nhiều người làm du lịch hiện đang kiếm sống bằng các nghề khác. Thời gian khủng hoảng càng dài thì việc quay trở lại nghề cũ lại càng khó khăn và có thể sau dịch bệnh, ngành du lịch phải đón nguồn nhân lực chưa được đào tạo.

Doanh nhân này đã làm một khảo sát nho nhỏ với các đồng nghiệp, nhân viên du lịch về chuyện quay lại với nghề. Kết quả là nhiều người bỏ ngỏ khả năng quay lại.

Trong đó, một số cho biết chưa chắc chắn vì không biết đến khi nào mới có khách trở lại. Số khác cho biết đang dần quen với công việc mới và có những người chưa chắc quay lại vì lo ngành du lịch quá nhạy cảm với những thay đổi bên ngoài nên có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác trong tương lai.

"Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để đào tạo những nhân viên du lịch có thể làm việc được, nếu những người nay không quay lại thì biết đến bao giờ du lịch mới có nguồn nhân lực tốt", ông nói.

Ông Đức của HG Group cũng có ý kiến tương tự, cho rằng người làm du lịch cần được thực hành và đào tạo lại liên tục để bảo đảm chất lượng phục vụ. Vì thế, việc hàng loạt lao động phải nghỉ việc như hiện nay sẽ không chỉ tác động đến khả năng quay lại thị trường của từng doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và tốc độ phục hồi của cả điểm đến.

"Cạnh tranh thu hút khách sau dịch sẽ hết sức căng thẳng. Điểm đến Việt Nam sẽ khó thu h út khách nếu không đủ nguồn nhân lực tốt để tạo ra chất lượng phục vụ vượt trội", ông nói.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/305215/nhan-vien-gioi-nghe-dang-roi-di-du-lich-se-ra-sao-sau-dai-dich.html