Nhân rộng mô hình truyền thanh thông minh
PTĐT - Không cần cột ăng ten thu phát, không cần đăng ký tần số FM, chỉ cần một máy tính kết nối internet hay điện thoại di động, một bộ thu phát có lắp sim 3G/4G,...
Anh Đỗ Trường Thọ hướng dẫn cho đoàn viên thanh niên cách thức vận hành đài truyền thanh thông minh.
PTĐT - Không cần cột ăng ten thu phát, không cần đăng ký tần số FM, chỉ cần một máy tính kết nối internet hay điện thoại di động, một bộ thu phát có lắp sim 3G/4G, loa là hệ thống truyền thanh từ xã đến các khu dân cư đã được kích hoạt với chất lượng âm thanh đảm bảo, đường truyền ổn định tới từng hộ dân.
Nhiều ưu điểm vượt trội
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 225 đài truyền thanh xã, hơn 95% khu dân cư, thôn, bản có cụm loa truyền thanh. Tuy nhiên, trên 95% số đài truyền thanh cơ sở này là đài FM và có dây - loại hình vẫn còn nhiều hạn chế như: Hệ thống dây kéo chằng chịt gây mất mỹ quan, dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; vùng phát thanh bị giới hạn (trong phạm vi 3km - 5km đối với FM hữu tuyến và 10km - 15km đối với FM vô tuyến); không lắp đặt được các cụm loa ở vùng sâu, vùng xa do dây dẫn không thể kéo đến nơi hoặc địa hình đồi núi chia cắt; chất lượng âm thanh chập chờn, khó nghe, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết và phụ thuộc vào công suất máy tăng âm; hệ thống không phân cấp tới từng cụm loa, có thể bị chèn sóng, phát thông tin không mong muốn. Ngoài ra, phát thanh viên phải có mặt tại trụ sở đặt bộ thu phát để vận hành hệ thống khi đến giờ phát sóng; tốn chi phí, nhân lực bảo dưỡng, duy tu…
Từ thực tế đó, mô hình đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) hay còn gọi là truyền thanh thông minh được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây đã ra đời nhằm thay thế và khắc phục hoàn toàn những khuyết điểm của các giải pháp truyền thống.
Việc phát bản tin linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, đặt lịch phát thanh theo giờ, ngày hoặc tuần. Chỉ cần một bộ thu phát có lắp sim 3G/4G và loa, người sử dụng có thể dùng thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại điều khiển mọi thao tác mà không cần đến tận nơi đặt bộ thu phát. Ngoài ra, mô hình truyền thanh thông minh có thể tiếp sóng trực tiếp các đài phát thanh từ Trung ương đến địa phương đã được số hóa; đặc biệt cho phép thay thế phát thanh viên bằng công nghệ text-to-speech - công nghệ trí tuệ nhân tạo AI tự động nhận dạng và chuyển văn bản trực tiếp thành giọng nói với các lựa chọn giọng nam, giọng nữ của các vùng miền để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm.
Khuyến khích đầu tư, nhân rộng
Ngày 31/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5944/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tiếp tục duy trì các đài truyền thanh cơ sở hiện có, từng bước chuyển đổi các cụm đài truyền thanh có dây và đài truyền thanh không dây FM đã hư hỏng, xuống cấp không có khả năng sửa chữa sang đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 29 đài truyền thanh xã thuộc 6 huyện, thành phố là Lâm Thao, Tam Nông, Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Ba và thành phố Việt Trì được đầu tư ứng dụng CNTT-VT. Hệ thống này sau một thời gian được đầu tư và đi vào hoạt động đã thể hiện rõ tính ưu việt, bước đầu phát huy hiệu quả tuyên truyền; góp phần nâng cao chất lượng thông tin truyền thông ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
Anh Đỗ Trường Thọ - Phó Bí thư Đoàn thanh niên phụ trách đài truyền thanh xã Cao Xá, huyện Lâm Thao cho biết: Hệ thống truyền thanh thông minh của xã là mô hình thí điểm đầu tiên của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Đến năm 2020, mô hình tiếp tục được đầu tư nâng cấp để phục vụ cho công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đến nay, hệ thống đã cho thấy hiệu quả tuyên truyền được nâng cao rõ rệt. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được cập nhật đến từng người dân, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền nhanh, kịp thời.
Tại huyện Hạ Hòa, sau hơn một tháng vận hành hệ thống truyền thanh thông minh tại 6 xã sáp nhập là: Hiền Lương, Xuân Áng, Đan Thượng, Tứ Hiệp, Vĩnh Chân, và Yên Kỳ, nhận thấy hiệu quả tuyên truyền được nâng cao rõ rệt, huyện đã tiếp tục cho lắp đặt tại 8 xã mới để kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 và đặc biệt là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.
Nhân viên kỹ thuật đang chuẩn bị lắp đặt các hệ thống truyền thanh thông minh tại thị trấn Hạ Hòa.
Ông Nguyễn Hồng Thao – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hạ Hòa cho biết: “Đến nay, huyện đã rà soát và ưu tiên lắp đặt đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại 6 xã sáp nhập, bởi đây là những xã được sáp nhập từ 19 xã cũ nên địa bàn rất rộng lớn, địa hình phức tạp, hệ thống truyền thanh cơ sở đã xuống cấp, công tác thông tin tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, hiệu quả mang lại rõ rệt”.
Với những ưu điểm và hiệu quả thực tiễn, mô hình đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cần được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Việc triển khai mô hình truyền thanh thông minh sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, là bước tiến trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh và cũng là giải pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong tình hình mới.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202105/nhan-rong-mo-hinh-truyen-thanh-thong-minh-177179