Nhà xe tự ý tăng giá vé ngày Tết, bị xử phạt ra sao?
Vào những ngày cận Tết, không ít nhà xe tự ý tăng giá vé, bán vé giá cao hơn nhiều so với giá in trên vé xe. Hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào?
Hỏi: Do nhu cầu đi lại của người dân những ngày cận Tết tăng cao nên không ít nhà xe tự ý tăng giá vé, bán vé giá cao hơn nhiều so với giá in trên vé xe. Hành vi này có bị xử phạt không?
Độc giả Trần Kim Chiến
Ảnh minh họa
Trả lời: Về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VPLS Interla, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Nhìn chung, vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Lợi dụng tình trạng này, rất nhiều nhà xe tự ý tăng giá vé so với giá đã niêm yết, bắt khách dọc đường “nhồi nhét” khách vào các ghế đã kín chỗ, dải ghế nhựa cho khách ngồi ở giữa sàn xe… mặc cho hành khách bức xúc để kiếm thêm lợi nhuận
Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT đã ràng buộc các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện niêm yết giá tại bến xe (hoặc đại lý bán vé) và niêm yết tại quầy bán vé của tuyến do bến xe (hoặc đại lý bán vé) nhận ủy thác. Nhưng trên thực tế, các nhà xe đã tự ý tăng giá vé đột ngột mà không niêm yết, gây nhiều khó khăn cho người dân. Với hành vi thu tiền vé cao hơn quy định, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đề ra 02 mức xử phạt hành chính tương ứng với 02 đối tượng sau:
Người điều khiển xe ô tô chở hành khách: sẽ bị phạt cao nhất đến 800.000 đồng:
Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ
3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
l) Điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định.
Nhân viên phục vụ trên xe ô tô chở hành khách: sẽ bị phạt cao nhất 400.000 đồng:
Điều 31. Xử phạt nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông
3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định thực hiện hành vi: Thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách; thu tiền vé cao hơn quy định.
Như vậy, nếu tài xế hoặc nhân viên trên xe tự ý thu tiền vé cao hơn mức giá niêm yết thì sẽ bị phạt theo đến 400.000 đồng đối với nhân viên và 800.000 đồng đối với tài xế.