Nhà vi khuẩn học nổi tiếng thế giới tới Việt Nam làm nông nghiệp

Trong nửa thế kỷ Yersin sống tại Nha Trang, một số loài cây trồng mang lại cho ông thu nhập đáng kể.

Yersin, nhà chăn nuôi, nhà nông học

Ngay khi trở lại Nha Trang năm 1895, Yersin được giao nhiệm vụ thành lập Viện Pasteur thứ hai tại đây để điều chế huyết thanh và vắc-xin. Sau đó, ông bắt đầu chăn nuôi gia súc và ngựa trên quy mô lớn để có thể sản xuất đủ liều lượng cần thiết.

Và khi những con vật này chết hàng loạt do nhiều dịch bệnh khác nhau, ông cũng tập trung nghiên cứu về dịch bệnh ở động vật nói chung, bệnh than ở bò, bệnh surra ở ngựa (tác nhân truyền bệnh này là một loại ruồi ngủ), bệnh dịch tả ở gia cầm, v.v... Ông đã chiến đấu thành công với tất cả những bệnh này.

Năm sau, ông được nhượng 500 héc-ta đất ở Suối Giao, cách Nha Trang khoảng hai mươi ki lô mét về phía tây, tại đây ông chăn nuôi gia súc và sản xuất thức ăn cho chúng.

Với tinh thần ham học hỏi và dám nghĩ dám làm, Yersin sau đó bắt đầu tìm kiếm nguồn tài chính nhằm tài trợ cho công việc khoa học của mình. Năm 1896, ông lập đồn điền trồng cà phê, sau đó là trồng cây ca cao, thảo dược; tiếp theo là lúa, tiêu, vani, nhục đậu khấu, thuốc lá, dầu cọ và thậm chí cả coca, từ đó chiết xuất cô-ca-in được sử dụng trong các hiệu thuốc.

Trong nửa thế kỷ Yersin sống tại Nha Trang, một số loài cây trồng mang lại cho ông thu nhập đáng kể, số khác bị bỏ hoang vì cho năng suất không cao. Đặc biệt, có hai loại hình khai thác đã làm nên tài sản của Yersin và Viện Pasteur Nha Trang.

Trước hết là cây cao su (gốc Brazil) được Yersin đưa vào Đông Dương năm 1898; sáng kiến này là khởi nguồn của một ngành công nghiệp sẽ sản xuất hơn sáu mươi lăm ngàn tấn cao su (thời điểm trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai). Sau đó là cây canh-ki-na mà Yersin bắt đầu trồng vào năm 1917, khi Đông Dương đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc kí ninh trầm trọng, do hậu quả của cuộc Đại chiến.

Khởi đầu, ông trồng trên đỉnh núi Hòn Bà có độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển, cách Suối Giao (nay là Suối Dầu) khoảng hai mươi ki lô mét về hướng tây nam. Hai năm sau, thất vọng vì kết quả không như ý, ông chuyển đồn điền đến Dran, một ngọn đồi chỉ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển và có đất phù hợp hơn với nhu cầu của cây canh-ki-na.

Từ cuối những năm 1920, cây bắt đầu sinh lợi và trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các đồn điền của ông đã cung cấp đủ số lượng cần thiết cho toàn bộ Đông Dương thuộc Pháp.

Yersin cũng tỏ ra là người có gu thẩm mỹ và rất yêu thích phong lan, cây cối và các loài hoa kiểng, và ông đã say mê trồng chúng trong khu vườn nhiệt đới của mình.

Cuộc đời Yersin gắn bó với Việt Nam. Ảnh: Substack.

Yersin, một con người độc đáo

Trong một bức thư gửi cho mẹ vào tháng 12 năm 1888, Yersin tự mô tả mình như “một con gấu”... Suốt đời, ông vẫn là một nhân vật không điển hình, coi thường các quy ước xã hội, chức tước, danh dự và những sự trọng vọng khác.

Là người có tinh thần phi vật chất, độc đáo, ham học hỏi, ông luôn thể hiện những sở thích có chọn lọc. Năm 1900, ông mua được chiếc ôtô Serpollet đầu tiên ở Đông Dương, giúp ông bước đầu tìm hiểu về cơ khí, một niềm đam mê khác của ông.

Các phương tiện khác - xe máy, tàu hơi nước và xe ba bánh chạy bằng cồn... sẽ theo sau; và trước Thế chiến thứ Nhất, nếu ông từ bỏ ý định mua máy bay riêng, đó là do Đông Dương thiếu đường băng!

Từ khi mở đường bay giữa Đông Dương và Pháp vào đầu những năm 1930, ông đã trở thành khách hàng thường xuyên của các chuyến bay chỉ mất tám ngày, thay vì đi tàu thủy thì mất gần một tháng. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, khi kết thúc chuyến thăm Pháp lần cuối, ông rời Paris trên chuyến bay cuối cùng của hãng Air France đến Sài Gòn, ngay trước khi đường bay này ngưng hoạt động...

Yersin cũng sở hữu một trong những máy thu thanh đầu tiên ở Đông Dương, cho phép ông biết tin tức trước bất kỳ ai khác. Vào đầu những năm hai mươi, ông đã lắp đặt mạng điện báo không dây giữa các địa điểm Nha Trang, Suối Giao và Hòn Bà. Để có thể giao tiếp dễ dàng hơn, ông học mã Morse.

Nhu cầu dự báo thời tiết cho các hoạt động nông nghiệp của ông cũng khiến ông tìm hiểu về khí tượng và thiên văn học. Năm 1908, một đài quan sát được xây dựng trên mái nhà của ông, có trang bị kính viễn vọng thiên văn, máy đo thiên văn lăng trụ và những dụng cụ tinh vi khác. Đối với các nhà phát minh ra chúng, Yersin gửi những nhận xét và đề xuất cải tiến. Những quan sát của ông được công bố trên các tạp chí uy tín.

Từ năm 1929, ông bắt đầu quan tâm đến điện khí quyển và trang bị cho mình một máy đo điện kế có các phép đo được ghi chép cẩn thận.

Cuối đời, ông vẫn say mê quan sát thủy triều và không rời Nha Trang cho đến khi qua đời năm 1943.

Alexandre Yersin/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-vi-khuan-hoc-noi-tieng-the-gioi-toi-viet-nam-lam-nong-nghiep-post1460335.html