Nhà văn - nhà biên kịch Lê Phương: Trọn một đời yêu
Ông ra đi ở tuổi 90, cái tuổi dường như biết hết chuyện tri thiên mệnh của kiếp người. Sự ra đi của nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương đã để lại trong lòng bè bạn, các thế hệ học trò, những người yêu mến ông một nỗi nhớ thương khôn nguôi. Và trên hết, ông ra đi để lại một khoảng trống vô bờ bến trong lòng người vợ, người bạn đời thủy chung, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.
“Cha đẻ” kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”
Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương sinh năm 1933 với tên gọi lúc khai sinh là Nguyễn Văn Tiến, tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Mồ côi cha từ khi mới 2 tháng tuổi trong bụng mẹ, 3 tuổi mẹ đi bước nữa… Nguyễn Văn Tiến lớn lên trong sự đùm bọc vừa ân cần vừa nghiêm khắc của đại gia đình, họ hàng… 16 tuổi ông nhập ngũ, 20 tuổi tham gia đơn vị khảo sát chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, 23 tuổi lại hoạt động trong vai trò một chiến sĩ thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng… Nguyễn Văn Tiến, lúc này đã lấy bí danh Lê Phương, khi bắt đầu lập được chiến công trong quân ngũ thì ông lại rời quân ngũ để về với bút nghiên.
Ông tiếp tục với truyện ký "Thử lửa" viết về chính công việc mà ông đảm nhận: chỉ huy đội Thanh niên xung phong. Năm 1963, tiểu thuyết "Bất khuất" - tiểu thuyết đầu tay của ông viết về phong trào công nhân đấu tranh chống Pháp từ năm 1930 - mới ra đời, nhưng trước đó ông đã viết rất nhiều truyện ký gây ấn tượng mạnh với bạn đọc đương thời.
Với cương vị của một nhà văn làm việc tại Nhà xuất bản Lao Động từ năm 1958 đến 1977, Lê Phương đã thực sự là một nhà văn viết về công nhân với tất cả sự yêu mến, kính trọng mà ông dành cho giai cấp tiên phong cách mạng này. Trong thời gian từ năm 1963-1978, 15 năm dành cho văn học, Lê Phương đã cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết về đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như “Pháo đài 44” (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); “Thung lũng Cô Tan” (địa chất, 1973); “Bạch Đàn” (lâm nghiệp, 1975); “Ngã ba thời gian” (thủy lợi, 1978); “Bông mai mùa lạnh”, “Vết xích đường mòn”…
Các tác phẩm văn học của nhà văn Lê Phương không chỉ để lại dấu ấn bởi kiến thức sâu sắc về chuyên ngành mà ông khai thác, mà còn bởi thứ văn chương nghiêm túc, cẩn trọng mà ông sử dụng. Ông từng nói, "cái thú vày vò chữ nghĩa" là đam mê không bao giờ vơi cạn. Nhưng ông cũng từng nói "cái khó nhất của nhà văn là biết dừng lại khi không còn cảm hứng nữa". Với một ý nghĩa nào đó, với văn chương có lẽ ông đã "dừng lại" một cách quyết liệt và chủ động từ năm 1978. Nhưng sự nghiệp sáng tác thì không như ông tuyên ngôn.
Năm 1977, do một cơ duyên, nhà văn Lê Phương bước sang lĩnh vực điện ảnh. Những bộ phim do ông viết kịch bản như “Nơi gặp của tình yêu” (2 tập), “Câu lạc bộ không tên”, “Cơn lốc biển” hay “Biệt động Sài gòn” (4 tập, cùng với Nguyễn Thanh)… là những thước phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sau này, nhà văn Lê Phương lại là tác giả của kịch bản phim truyện truyền hình dài tập: "Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ", "Sống mãi với thủ đô", "Ngã ba thời gian", "Con nhện xanh"… lần lượt ra đời để lại dấu ấn sâu đậm trong công chúng yêu phim.
Mối duyên trời định
Đến với điện ảnh, nhà văn Lê Phương không chỉ là tác giả của những kịch bản phim kinh điển mà điện ảnh còn mang lại cho ông một mối duyên tình đẹp như cổ tích. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã vốn là dân ngữ văn "xịn".
Chị tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1983. Sau khi tốt nghiệp, chị lại thi và trúng tuyển vào khoa Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, chuyên ngành Biên kịch. Dường như bén duyên với kịch bản phim, chị viết kịch bản đầu tay là một phim nhựa, cũng chính là tác phẩm tốt nghiệp, mang tên "Truyện cổ tích cho tuổi 17". Phim kể về An, một cô bé 17 tuổi đầy mộng mơ yêu một chiến sĩ ngoài mặt trận tên Thái chưa một lần gặp mặt mà chỉ nhặt được lá thư rơi của anh gửi về cho gia đình. Tình cờ An gặp được mẹ của Thái và được nghe bà kể chuyện anh.
Từ những câu chuyện của mẹ Thái, An đã gửi cho Thái những bức thư đầy tình cảm. Tuy chưa một lần gặp mặt, nhưng dường như An đã yêu Thái với tất cả tình yêu trong sáng, lãng mạng của tuổi 17. Với lối kể chuyện giàu cảm xúc, vừa thơ mộng trữ tình, vừa mang màu sắc cổ tích lãng mạn, "Truyện cổ tích cho tuổi 17" đã như một làn gió mát thổi vào điện ảnh Việt Nam, một bộ phim về chiến tranh không có khói súng. Bộ phim đã giành được giải thưởng Bông sen Vàng lần thứ VIII (1988) với 4 giải vàng dành cho kịch bản phim, đạo diễn phim, quay phim và họa sĩ thiết kế. Đây cũng là bộ phim giúp diễn viên chính Lê Vi có một khởi đầu ấn tượng với điện ảnh và trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng sau đó.
Cái duyên với điện ảnh, đã mang đến cho nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và người biên tập đầu tiên của chị, nhà văn - nhà biên kịch Lê Phương, một người thầy, một người anh cực kỳ khó tính và nghiêm khắc, luôn đòi hỏi sự hoàn mỹ trong nghề nghiệp, một mối duyên trời định. Mối duyên ấy, đã theo họ đi suốt cả cuộc đời, như là định mệnh mà ông trời sắp đặt. Như có lần chị thú nhận, rằng sự uyên bác và tính nghiêm khắc của ông đã "gột" nên một Trịnh Thanh Nhã của ngày nay.
Có lần chị Nhã kể vui: "Ông ấy (nhà văn Lê Phương) lười đến mức, có mỗi việc chan canh, bát canh thì để gần sát ông, nhưng cũng giơ bát cơm lên để vợ chan canh vào. Đến giờ là gọi vợ, dù không nhớ số điện thoại của vợ đâu. Các con đặt cho tên vợ có biểu tượng trái tim, thế là cứ biểu tượng ấy mà gọi, cũng như cứ có biểu tượng ấy gọi đến là biết chắc vợ gọi. Yêu lắm. Đi đâu cũng phải vợ đi cùng, dắt đi thì mới chịu. Giờ trí não xử lý các vấn đề chậm rồi, nên xung quanh, các con cháu hay bạn bè mà nói nhiều, nói việc nọ ông chưa kịp xử lý để hiểu đã sang việc kia thì ông cũng cười, rồi rỉ tai vợ bảo: "Chúng nó nói chuyện như thần kinh ấy, chả hiểu chuyện gì ra chuyện gì". Đấy, yêu lắm!".
Người ta bảo, duyên số là do ông trời sắp đặt, thì hoàn toàn đúng với trường hợp của hai vợ chồng chị Nhã. Chị ở vào độ tuổi con gái đẹp rạng ngời thì gặp nhà văn Lê Phương. Cuộc tình định mệnh ấy đã gắn hai người lại với nhau, sau khi nhà biên kịch Lê Phương chỉ còn có một mình, ôm sự cô đơn, trống vắng. Chị đến như một dòng nước mát, trong lành an ủi, vỗ về ông. Họ không có con chung, nhưng chị coi trọng các con cháu của chồng, và ngược lại, họ cũng kính trọng chị hết mực.
Dù biết rằng, nếu được tròn vẹn và đủ đầy thì tốt hơn biết bao nhiêu, song chị luôn tự an ủi rằng, mọi việc ở đời là do ông trời sắp đặt, nên người đàn bà đầy nội lực, chu toàn ấy vẫn cặm cụi bếp núc, cặm cụi những món ngon, tinh tế để phục vụ người chồng kỹ tính của mình. Cho đến những ngày cuối cùng trong căn phòng của hai vợ chồng chị, xung quanh vẫn ngập tràn hoa và những lời chúc hóm hỉnh của chị dành cho người chồng yêu thương vượt qua bệnh tật tuổi tác… Nhưng cuộc đời không ai có thể cưỡng lại được số phận, nhà văn Lê Phương đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của vợ, của gia đình, cháu con, bè bạn.
Ông đã sống một cuộc đời thật đẹp, thật ý nghĩa, thật lớn lao và ông cũng đã là điểm tựa vững chắc, là bờ vai để người vợ yêu thương dựa vào trong những tháng năm cuộc đời. Chắc chắn tất cả những gì nhà văn Lê Phương để lại trong lòng người hậu thế, sẽ là những câu chuyện thật lạc quan, vui vẻ, bởi cảm hứng sống mà ông truyền lại luôn là sự vui vẻ khoáng đạt, sự thẳng thắn và độ lượng, ông luôn thấu hiểu mọi lẽ đời, an nhiên trước mọi chuyện, và luôn hài lòng với những gì mình đã có…