Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Vượt qua thử thách với 'Tiệm sách của nàng'

Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là nhà văn 'giữ lời hứa' nhất đối với độc giả. Ông từng đưa ra lời hẹn, mỗi năm sẽ ra mắt một đầu sách mới để không phụ lòng bạn đọc yêu mến, đợi chờ. Thế là sau cuốn 'Mùa hè không tên' ra mắt năm 2023, trước thềm Giáng sinh năm nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục ra mắt cuốn 'Tiệm sách của nàng'.

Thực ra, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn đều đặn được tái bản. Mấy chục tựa sách cho bạn đọc tuổi học đường như “Kính vạn hoa”, “Mắt biếc”, “Trại hoa vàng”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Tôi là Bê tô”… xuất bản từ những năm 1990-2000 vẫn được thế hệ bạn đọc mới lớn hôm nay tìm đọc, cho thấy sức hút văn chương của nhà văn sinh năm 1955, quê ở Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam này.

Cái duyên văn chương của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được nhiều nhà nghiên cứu văn chương phân tích, bình luận. Điều quan trọng hơn, có lẽ là bản thân Nguyễn Nhật Ánh cũng không ngừng làm mới mình, giữ cho cái duyên văn ấy không ngừng được vun bồi, lấp lánh.

Giữ lời hứa với độc giả như vừa nói ở phần trên, là một trong rất nhiều “động tác” để giữ độc giả ở lại với mình, thu hút độc giả mới đến với mình. Điều này, không phải nhà văn nào cũng làm được.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt tác phẩm “Tiệm sách của nàng”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt tác phẩm “Tiệm sách của nàng”

Quan sát văn đàn, thấy không ít nhà văn đã tạo nên những “cơn sốt” văn chương. Lúc ấy, độc giả cũng ùn ùn kéo đến. Tuy nhiên, đó chỉ là những “cơn sốt” tức thời, mau qua, bởi chỉ sau một thời gian ngắn, nhà văn không còn đủ duyên văn, không đủ sức hút, nói cách khác, nhà văn không có tác phẩm mới đủ hấp dẫn, thì công chúng văn chương cũng rời đi, tìm cho mình những tác giả mới, hấp dẫn hơn.

Trở lại với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông cho thấy là người lao động chữ nghĩa nghiêm cẩn và trách nhiệm. Mỗi tác phẩm, là một lần ông phải vượt qua chính mình, vượt qua những thân quen thân thuộc, thậm chí vượt qua cả sở thích của độc giả để cố gắng tìm cái mới, dẫn độc giả đi theo câu chuyện mới, vùng “khí quyển” mới mà mình tạo ra.

Ông cũng là nhà văn có thể nói là “sống khỏe” bằng nghề. Nhuận bút sách tái bản hàng tháng đã giúp ông không chỉ sống khỏe mà còn dư dả. Riêng cuốn “Tiệm sách của nàng” vừa ra mắt được NXB Trẻ ấn hành lần đầu 80 nghìn bản (trong đó 60 nghìn bản bìa mềm, 20 nghìn bản bìa cứng). Tính ra, nhuận bút đơn vị xuất bản phải trả cho nhà văn khoảng 1 tỷ đồng. Với con số xuất bản 80 nghìn bản cho lần in đầu, đây thực sự là một kỷ lục xuất bản ở Việt Nam trong năm 2024.

Trong buổi ra mắt cuốn sách “Tiệm sách của nàng” mới đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ, hồi học sinh, ông yêu văn chương, thích đọc những tác phẩm của nhiều nhà văn. Những cuốn sách như “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, “Không gia đình” của Hector Malot, “Đường rừng” của Lan Khai... đã giúp ông khơi dậy niềm đam mê văn chương. “Tôi đã ước mơ trở thành một nhà văn để có thể viết được những tác phẩm lôi cuốn như vậy. Tôi tự nhủ nếu như khi lớn lên không thể trở thành nhà văn thì ít nhất cũng phải mở được một tiệm sách. Và tôi đã mở được một tiệm sách mang tên Kính Vạn Hoa như ý nguyện”, nhà văn tâm sự. Ký ức, cảm xúc về những lần bước vào hiệu sách đã giúp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có cảm hứng viết “Tiệm sách của nàng”.

Với cuốn sách này, ông không chỉ cho thấy sức làm việc bền bỉ, trách nhiệm và có tính chuyên nghiệp cao, mà còn tự đặt ra những thách thức mới. Thách thức không chỉ cho chính bản thân nhà văn, mà còn thách thức với cả bạn đọc. “Tôi nghĩ tác phẩm lần này không chỉ thử thách thói quen viết của người viết mà còn thử thách thói quen đọc của người đọc. Đây là tác phẩm “3 trong 1” mà tôi muốn thực hiện từ lâu, dù biết cấu trúc kiểu này dễ ngắt mạch cảm xúc”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Tác phẩm “3 trong 1” được diễn giải là 3 câu chuyện cùng được kể song song “Tiệm sách của nàng”, “Trước tuổi mười lăm” và “Bên kia đồi Quạ”, với kết cấu “truyện trong truyện”. Độc giả sẽ theo dõi cùng lúc 3 câu chuyện với bối cảnh khác nhau, nhân vật ở những đoạn thời gian khác nhau.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, cấu trúc “truyện trong truyện” ông từng thử sức trong các tác phẩm trước đây như “Lá nằm trong lá” hay “Cảm ơn người lớn”. Ở tác phẩm thứ nhất, ông đã lồng câu chuyện “Chàng chăn ngựa của nhà vua” trong mạch truyện chính. Ở tác phẩm thứ hai, ông kể chuyện “Con dê Tuyết Trắng và con cọp Tai Tròn” song song với truyện “Cảm ơn người lớn”. Nhưng cấu trúc “3 trong 1” phức tạp hơn “2 trong 1”, chưa kể ở tác phẩm này, nhân vật Quyến tham dự trong cả 3 câu chuyện, như một chất keo dán để kết nối cả 3 tuyến lại với nhau trong một mạch thống nhất.

Vì vậy, khi viết “Tiệm sách của nàng”, nhà văn phải dụng công và vất vả hơn nhiều tác phẩm khác. Mỗi câu chuyện có bút pháp, văn phong riêng, đồng thời phải nhuần nhuyễn tạo thành một mạch tổng thể hợp lý. “Tuy vậy trong cuốn sách này, tôi vẫn cố gắng dung hòa cả 2 lối viết và bạn đọc vẫn có thể nhận ra “dấu tay” của tác giả trên từng trang sách”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho hay.

Ở tuổi 70, đặt ra một thử thách và ép mình phải vượt qua, là một sự cố gắng lớn không phải người viết nào cũng làm được. Nguyễn Nhật Ánh nói, ông lựa chọn này phát xuất từ nhu cầu làm mới mình, khám phá giới hạn bản thân của người viết.

Tuy vậy, theo nhà văn, ở tác phẩm mới này, độc giả vẫn bắt gặp một “đặc trưng” xuyên suốt những tác phẩm của ông, đó là tinh thần đề cao sự tử tế và tính nhân văn. Trong cuốn sách này, những nhân vật, vốn là những người bình thường như bao người, không tránh được mắc phải lầm lỗi. Nhưng sau cùng, họ luôn biết nhìn lại, hối cải. Hình ảnh những người mẹ tảo tần hi sinh cũng được tác giả khéo léo lồng ghép trong câu chuyện. Chính nhờ tình yêu thương và lòng bao dung của những người xung quanh mà mỗi người có thể mở lòng và hòa nhập lại với cuộc sống sau những tổn thương, biến cố.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông không để thời gian đuổi kịp mình, không có chuyện nghỉ hưu với một nhà văn. Bản thân ông luôn cọ xát chữ nghĩa, tắm mình trong chữ nghĩa, đây là thói quen và niềm vui lao động của nhà văn. “Nếu đó là công việc mình hứng thú, yêu thích thì sẽ không còn là nghĩa vụ, mà trở thành thói quen lao động”, nhà văn nhấn mạnh.

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nha-van-nguyen-nhat-anh-vuot-qua-thu-thach-voi-tiem-sach-cua-nang-158699.html