Nhà trong hẻm nhỏ phải thiết kế lối thoát hiểm ra sao?

Với nhà dạng ống trong hẻm nhỏ, người dân cần bố trí lối thoát hiểm từ cửa chính, ban công, sân thượng...

Mới đây, vụ cháy nhà trọ 5 tầng ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng đã khiến cho những người dân sống trong các con hẻm nhỏ càng thêm lo lắng về rủi ro cháy nổ và cách thoát hiểm trong khu vực chật hẹp.

Trao đổi với PLO, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Truyền, Giám đốc công ty Cát Mộc Group, cho biết thông thường để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nhà ở, các chủ đầu tư (chủ nhà-PV) phải có tính toán xây dựng ngay từ ban đầu. Chưa kể nguyên tắc trong khu dân cư phải đảm bảo được diện tích khoảng trống để xe cứu hỏa có thể di chuyển được.

Tuy nhiên thực tế tại TP.HCM, nhất là nhà trong hẻm hầu như không đáp ứng được chỉ tiêu này.

"Hơn 20 năm trong nghề, tôi nhận thấy rất ít chủ đầu tư khi xây dựng nhà ở có sự quan tâm tới thiết kế PCCC”- KTS Truyền chia sẻ khi bàn về vấn đề thiết kế lối thoát hiểm tại nhà ở hiện nay.

Trước câu hỏi, trong các trường hợp nhà đã xây sẵn, nhất là ở trong hẻm nhỏ, chỉ có 1 lối ra thì nên cải tạo ra sao để đảm bảo an toàn PCCC, KTS Truyền cho biết: Cần phải căn cứ vào hiện trạng thực tế của nhà ở và khu vực xây dựng thì mới có phương án cải tạo phù hợp nhất.

Dù vậy, nguyên tắc chung là mỗi nhà ở cần có hai lối thoát hiểm, ở trước và sau nhà.

Nếu không thoát ra được từ cửa chính thì cần có lối thoát hiểm đằng sau/bên hông nhà hoặc trên ban công, sân thượng hay cửa sổ...

Đối với cửa chính nên bố trí loại cánh mở ra ngoài, để khi có hỏa hoạn thì có thể thoát ra ngoài dễ dàng. Đối với cửa số, ban công cần bố trí các hệ thống thang, đặt ở vị trí thuận tiện để có thể thoát ra ngoài hoặc nhảy qua nhà hàng xóm khi cần thiết.

 Một mô hình hay về xây dựng các thang tự động thoát hiểm tại vị trí ban công ở chung cư Hàn Quốc được KTS Thanh Truyền chia sẻ. Ảnh: KTS Thanh Truyền

Một mô hình hay về xây dựng các thang tự động thoát hiểm tại vị trí ban công ở chung cư Hàn Quốc được KTS Thanh Truyền chia sẻ. Ảnh: KTS Thanh Truyền

Tương tự, KTS Trương Thành Trung, Công ty TNHH tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T, cũng nhận định tùy vào công trình dân sinh mà chúng ta đưa ra các phương án khác nhau về xây dựng lối thoát hiểm.

Về tư vấn chung, đối với các công trình dân sinh nhà dạng ống cao tầng (dưới 5 tầng) đã xây dựng sẵn từ trước, chỉ có một mặt thoáng, tức một lối thoát hiểm duy nhất thì KTS Trung cho rằng người dân cần lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, phải đảm bảo lối thoát hiểm chính như cửa chính có độ mở dễ dàng nhất. Với loại nhà ống cao tầng, KTS Trung khuyên người dân không nên sử dụng các loại cửa có chốt hãm cố định, hoặc loại cửa có khung sắt kiên cố, cửa chính không nên lắp chìa khóa phức tạp hoặc lắp phụ kiện cần nhiều sức để mở.

Với dạng nhà này, khi có hỏa hoạn người dân cần lưu ý các lối thoát hiểm khác như cửa sổ, ban công. Bố trí hệ thống thang dây, mặt nạ phòng chống khói độc ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà, sao cho tất cả các thành viên đều biết và dễ lấy nhất.

“Với những vị trí quan trọng như cửa chính, cửa sổ... có thể bố trí thêm các dụng cụ hỗ trợ như búa phá kính”- KTS Trung lưu ý thêm.

Ngoài ra, với trường hợp ban công được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, rào kín thì phải thiết kế cửa mở, lối thoát hiểm tiện nhất. Đồng thời trang bị hệ thống thang cứng, thang dây… sao cho khi có hỏa hoạn chúng ta có thể thoát sang các công trình lân cận khác.

 Các vị trí được khoanh tròn là thang thoát hiểm thông giữa các tầng tại 1 chung cư ở Hàn Quốc

Các vị trí được khoanh tròn là thang thoát hiểm thông giữa các tầng tại 1 chung cư ở Hàn Quốc

Trường hợp thứ hai là nhà ở có nhiều hơn một mặt thoáng, có diện tích rộng thì chủ nhà có thể bố trí thêm các cửa thoát hiểm phía sau hoặc bên hông nhà. Mỗi tầng cần tính toán việc thiết kế hai lối thoát hiểm, một lối thoát hiểm ra cầu thang, một lối thoát hiểm ra cửa sổ, ban công…

“Nếu có điều kiện nên lắp các hệ thống báo cháy, báo khói trong nhà tại những vị trí có nguy cơ cao dẫn đến cháy nổ như bếp, nhà xe”- KTS Trung gợi ý.

Đối với dạng căn hộ chung cư, KTS khuyến nghị gia chủ nên tự trang bị các thiết bị thoát hiểm. Ngoài ra, chúng ta có thể thỏa thuận với các căn hộ liền kề phía trên và dưới để bố trí đặt thang tại các miệng cửa thoát hiểm ở phía dưới ban công của mỗi nhà, phòng khi có sự cố xảy ra.

Theo KTS Phạm Thanh Truyền, điều cần thiết hiện nay là tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò của thiết kế lối thoát hiểm trong gia đình thay vì tập trung vào việc làm sao để mở rộng diện tích nhà, tận dụng diện tích ở nhất có thể mà vô tình "khóa" luôn lối thoát hiểm của mình.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-trong-hem-nho-phai-thiet-ke-loi-thoat-hiem-ra-sao-post792373.html