Nhà ở kết hợp kinh doanh: Khi hàng hóa bịt kín lối thoát sinh tử

Chuyên gia của Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, phần lớn các nhà ở kết hợp kinh doanh đều tập kết hàng hóa tại tầng 1 và lối đi lại nên lúc xảy ra cháy nạn nhân khó thoát ra bên ngoài.

Rạng sáng ngày 24/5, vụ cháy xảy ra tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 14 người.

Theo báo cáo, căn nhà được xây dựng trên khu đất rộng hơn 200m2, nằm sâu trong ngõ cách mặt phố khoảng 200m. Trên khu đất được xây nhà 2 tầng, một tum và 3 tầng để gia chủ ở kết hợp cho thuê trọ. Tại phần sân rộng khoảng 55m2 và tầng 1 được dùng để sửa chữa xe điện.

Nhiều xe để trong sân và tầng 1 của căn nhà bị thiêu rụi

Người dân thuê trọ tại đây cho biết, nhiều thời điểm, ở sân và tầng 1 có nhiều xe cộ, bình ắc quy và các dụng cụ để sửa xe để kín lối đi.

Ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia của Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, hình ảnh hiện trường vụ cháy cho thấy, xe của người thuê trọ và của cửa hàng sửa xe đã để kín sân, chặn hết lối thoát nạn bên dưới cũng là duy nhất của ngôi nhà trọ.

"Thông tin ban đầu, đám cháy xuất phát từ chính nơi để xe này với ngọn lửa rất lớn, khói đen dày đặc khiến cho người trong nhà không thể thoát ra ngoài qua cửa chính ở tầng 1. Mặt khác, đám cháy cũng chặn luôn lối vào cứu nạn của lực lượng Cảnh sát PCCC, gây khó khăn rất lớn cho công tác chữa cháy và CNCH. Bởi họ phải thực hiện việc chữa cháy trước, dập tắt đám cháy rồi mới tiếp cận vào bên trong để cứu người bên trong", ông Bùi Xuân Thái đánh giá.

Lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Đình Hiếu

Lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Đình Hiếu

Cũng theo vị chuyên gia của Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, không chỉ tại căn nhà trọ xảy ra hỏa hoạn mà phần lớn các nhà ở kết hợp kinh doanh hiện nay đều có đặc điểm này.

"Đặc trưng nhà ở kết hợp kinh doanh tại nhiều khu đô thị lớn ở nước ta là được xây dựng dạng nhà ống, có 1 lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính tại tầng 1. Tuy nhiên nhiều chủ nhà lại sắp xếp hàng hóa kín lối đi hoặc tầng 1", đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH phân tích.

Ông Bùi Xuân Thái cũng cho rằng, vì các đặc điểm trên mà loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì thương vong rất lớn.

Lối thoát nạn thứ hai, mở đường sinh tử

Theo ông Thái, để đảm bảo các điều kiện về PCCC và thoát nạn tại loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam khuyến cáo, người dân cần lưu ý các vấn đề khi xây dựng và bố trí đồ đạc sinh hoạt.

"Cần đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm: cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên, như lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái...", ông nhấn mạnh.

Đồng thời, hệ thống điện trong nhà cần giám sát để thi công đúng thiết kế, sử dụng vật tư như: dây dẫn điện, công tắc điện, ổ cắm điện, phích cắm điện... và thiết bị điện đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.

Người dân cần chuẩn bị trước các dụng cụ thoát nạn như thang dây, bình chữa cháy...

Người dân cần chuẩn bị trước các dụng cụ thoát nạn như thang dây, bình chữa cháy...

Vị đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH cho rằng, cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo. Nếu có điều kiện thì trang bị hệ thống báo cháy sớm, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà.

"Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ trong nhà, không để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bố trí đồ đạc, vật dụng trong nhà một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn trong nhà", ông Thái khuyến cáo.

Đình Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-o-ket-hop-kinh-doanh-khi-hang-hoa-bit-kin-loi-thoat-sinh-tu-2284246.html