Nhà hàng, quán ăn vật lộn tìm cách 'sống sót'
Nhà hàng liên tục tổ chức các chương trình khuyến mại, thậm chí tặng khẩu trang cho khách check-in, đẩy mạnh giao hàng tận nhà.
Quán nhậu MP nằm trên tuyến đường nội bộ của khu dân cư Nam Hòa, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM. Nơi đây tập hợp hơn chục quán ăn, trở thành khu ẩm thực đông đúc.
Hương, chủ quán MP dù mới mở quán hơn năm nay, chưa bao giờ chứng kiến cảnh khách vắng tới một nửa như hiện giờ.
"Các tháng trước, doanh thu trung bình của quán 500-600 triệu đồng/tháng, nhưng kể từ khi có Nghị định 100, tiếp đến là dịch corona, doanh thu chỉ còn 200-300 triệu", Hương nói và cho biết chỉ riêng chi phí mặt bằng, nhân viên, mỗi ngày đã hết 3 triệu đồng. Nhưng có những hôm, doanh thu không nổi chục triệu, trong khi giá nguyên liệu liên tục tăng.
"Thịt bò lên tới 4 giá, heo mọi từ 100.000 đồng/kg thịt hơi nay lên tới 180.000-200.000 đồng. Để giữ khách, tôi không thể tăng giá bán, nhưng thu gọn thực đơn lại, chuyển sang chỉ bán phần ăn lớn, bởi phần nhỏ dành cho 1-2 người như trước đây chủ yếu kiếm lời theo số lượng khách đông", Hương nói và cho hay, ngoài ra trong suốt 1 tháng dịch bệnh, cô kiếm doanh thu thêm từ việc tổ chức tiệc nhỏ tại gia và giao đồ ăn tận nơi mà không thu tiền vận chuyển.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 hầu như tác động đến mọi doanh nghiệp trong ngành F&B, kể cả các chuỗi lớn, buộc các doanh nghiệp này phải nhanh chóng chuyển động để đối phó.
"Ngay khi bùng phát dịch, lượng khách giảm nghiêm trọng khoảng 50-70%, đặc biệt với những nhà hàng trong các trung tâm thương mại. Tuy nhiên đến nay, tình trạng vắng bóng khách hầu như không có, chúng tôi duy trì được mức 60-70% lượng khách so với trước đây", anh Oanh - đại diện hệ thống nhà hàng và siêu thị Thế giới hải sản (Hà Nội và TP.HCM) chia sẻ với Zing.vn.
Theo anh Oanh, đây là kết quả của chương trình chăm sóc sức khỏe cho khách hàng và nhân viên trong mùa dịch bệnh, chủ yếu là trang bị nước rửa tay, khẩu trang, tiến hành đo thân nhiệt và vệ sinh các bề mặt liên tục.
"Chi phí cho cơ sở vật chất thấp hơn nhiều so với chi phí truyền thông, nhưng bù lại chúng tôi đã kéo được khách quay trở lại", anh nói.
Tương tự, hầu hết hàng quán đang cố duy trì hoạt động đều tổ chức khuyến mại và tặng quà hấp dẫn để thu hút khách hàng. Từ cuối tuần trước, chuỗi nhà hàng Zoozoo Seafood ở TP.HCM triển khai tặng 5 khẩu trang y tế cho các bàn tiệc check-in trên Facebook.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng kết hợp với một thương hiệu bia nổi tiếng để tổ chức vòng quay may mắn, có cơ hội trúng khẩu trang y tế cho các khách hàng uống 6 chai bia.
Đối với các chuỗi nhà hàng mang thương hiệu quốc tế, biện pháp phổ biến là đẩy mạnh giao hàng tận nơi. Tokyo Deli mới đây triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí với toàn bộ menu; còn hệ thống Golden Gate gồm các thương hiệu GoGi, Manwah, Ashima, Hutong, Kichi-Kichi cũng truyền thông mạnh mẽ về các chương trình khuyến mại và dịch vụ giao hàng trong vòng 60 phút.
Trong giai đoạn này, hệ thống Thế giới hải sản cũng đã nâng tỷ trọng doanh thu từ phục vụ tiệc bên ngoài lên gấp đôi, đạt khoảng 18-20%.
Trong khi đó, tại chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, chị Nguyễn Thị Hoài Trang (quản lý) cho biết, lượng đơn hàng online tăng mạnh giúp ổn định tình hình kinh doanh toàn hệ thống. Thậm chí, tại một số thời điểm, sức mua tăng cao gây khó khăn cho đơn vị về vấn đề nhân sự.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hạ nhiệt, chuỗi này đẩy mạnh cung ứng các mặt hàng thực phẩm hữu cơ và nhóm hàng tăng sức đề kháng như sả, chanh, mật ong, tinh bột nghệ, tỏi đen...
Chị Hoài Trang chia sẻ, các mặt hàng như sả, chanh và mật ong, trước đây chỉ được bán làm gia vị với số lượng hạn chế, nhưng nay sản lượng tiêu thụ tăng gấp nhiều lần, có khi nhà vườn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nha-hang-quan-an-vat-lon-tim-cach-song-sot-post1052053.html