Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Đi, yêu và viết!

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), nhà báo kỳ cựu Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt tập hồi ký Đi, yêu và viết kể lại những tác nghiệp, tác phẩm và câu chuyện nghiệp vụ của ông trong 40 năm làm báo.

Hồi ký Đi, Yêu và Viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Trong cuộc trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết cuốn hồi ký 600 trang là dịp để ông tiết lộ, bật mí “nhiều điều chưa kể” chuyện hậu trường sau những bài báo và cả những khó khăn ít ai biết của nghề báo.

40 năm “nước mắt nụ cười”

* Những câu chuyện, kỷ niệm nào ông tâm đắc trong hồi ký?

- Thời làm báo, ít phóng viên nào có dịp kể về hoạt động tác nghiệp hoặc những kỷ niệm đặc biệt trong nghề của mình. Tôi bắt đầu chính thức làm báo từ tháng 6-1983 và cuốn sách này giúp tôi nhớ lại quãng thời gian làm báo tròn 40 năm của mình.

Nói theo như danh hài Charlie Chaplin là 40 năm “có cả nụ cười và nước mắt”. Có thể đó là khi tôi thực hiện các phóng sự Vết xe lăn trên cát Long Hải nói về thương binh. Bài Hai giờ dưới lòng đất về việc chui xuống lòng đất 100m để viết bài. Bài Chết hụt khi đi viết về tai nạn máy bay rơi. Bài Ngoài ấy là Trường Sa viết về chủ quyền biển đảo. Bài Chuyện tế nhị thường ngày nói về bảo vệ môi trường. Hay bài cứu một đàn voi 11 con bị lọt xuống hố bom ở tỉnh Đồng Nai…

Bấy giờ các bài đều có hiệu ứng cao, được giải báo chí hoặc được bạn đọc phản hồi khen ngợi. Câu chuyện tác nghiệp chuyện hậu trường khi tôi thực hiện những phóng sự này thật là đáng nhớ. Đó thực sự là một Huỳnh Dũng Nhân của “đi, yêu và viết”.

* Cảm nghĩ của ông về việc bây giờ thể loại phóng sự điều tra có vẻ ít được phóng viên chọn vì rất tốn kém thời gian, công sức thực hiện?

- Theo tôi nhà báo điều tra phải nắm vững pháp luật, phải có bản lĩnh, tác nghiệp giỏi và phải có cái tâm. Viết điều tra tốn vừa thời gian, vừa có thể phải theo… kiện cáo liên miên, trách nhiệm rất nặng nề.

Tôi không nhớ được mình đã điều tra bao nhiêu vụ, chỉ nhớ đó là những vụ khá căng thẳng. Có nhiều vụ điều tra thành công song cũng có những vụ chưa được như mong muốn. Nhưng khi mình làm đúng, trong sáng và có một tập thể mạnh đằng sau thì việc thất bại ít xảy ra. Tôi vẫn còn được đi, yêu và viết cho đến tận ngày hôm nay là nhờ thế.

Cần tinh thần cống hiến

* Là giảng viên thỉnh giảng của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, ông đánh giá gì về thế hệ sinh viên truyền thông báo chí, phóng viên trẻ ngày nay?

- Điểm mạnh của các bạn sinh viên báo chí truyền thông ngày nay là thông minh, học giỏi ngoại ngữ, nắm bắt công nghệ thông tin. Nhưng các bạn cần nhiều đam mê nghề nghiệp báo chí. Theo tôi, các phóng viên trẻ muốn nuôi dưỡng lửa nghề thì phải có tinh thần cống hiến, lòng yêu nghề và ý chí muốn tự khẳng định mình!

* Dù về hưu, phải lo ổn định sức khỏe song gần đây ông vẫn đi đó đi đây rất nhiều. Đi đó đi đây có ý nghĩa như thế nào đối với một người làm báo như ông?

- Tôi đang thực hiện chương trình “Xin một tuổi” - tức là dành một năm “chống gậy” đi thăm lại những nơi đã từng sống và làm việc, gặp lại những bạn bè, người thân, nhân vật mình từng viết bài. Tôi đặt chỉ tiêu cho mình một tháng đi được 2-3 tỉnh, thành.

Trong một năm vừa qua, tôi đi được 25 tỉnh, thành. Có khi là đi dạy, có khi đi giao lưu, rồi đi theo nguyện vọng riêng như thăm nơi sinh ra, nơi sinh sống thuở nhỏ cũng có. Mới đây, tôi đi thăm những nhà báo đồng nghiệp như về Đồng Nai thăm nhà báo Mai Sông Bé...

* Thời gian qua, ông vẽ khá nhiều - từ chân dung đồng nghiệp, văn nghệ sĩ đến các nhân vật theo dòng thời sự… được bạn hữu yêu thích trên mạng xã hội. Nhiều báo đăng lại các tác phẩm. Vậy theo ông, vẽ có phải là một hoạt động báo chí?

- Để kỷ niệm tuổi 68 của mình sau khi tạm phục hồi sau cơn tai biến 2 năm về trước, tôi tập vẽ chân dung như một dự án mới, một “cuộc rong chơi với sắc màu” bên cạnh làm thơ, viết truyện ngắn. Tôi đã vẽ cả ngàn tấm chân dung bạn bè văn nghệ sĩ, nhà báo… cùng một số tranh tĩnh vật, tranh minh họa, tranh cổ động.

Tôi vẽ khi còn đang bị co cơ chân và tay trái, phải ngồi nhà chữa bệnh. Thế nên vẽ như một biện pháp chống trầm cảm, vẽ để phục hồi sức khỏe, cho vui vẻ và để kỷ niệm là chính. Rất vui khi tranh của tôi được sử dụng trong các đợt tuyên truyền phòng, chống đại dịch Covid-19, triển lãm ở bảo tàng, được nhà thiết kế Minh Hạnh đưa vào bộ sưu tập thời trang áo dài…

Tôi nghĩ khi các báo sử dụng tranh của tôi giới thiệu với bạn đọc thì cũng là một hình thức tham gia vào góc nhỏ của hoạt động báo chí.

Xin cảm ơn ông và kính chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục có những chuyến “đi, yêu, viết, vẽ” sung sức, thỏa chí tang bồng.

Báo điện tử và các nền tảng thông tin trên mạng lên ngôi trong xu hướng chuyển đổi số rất rõ rệt. Ông nghĩ đây là thách thức hay thuận lợi cho các cơ quan đơn vị báo chí hôm nay?

- Chúng ta thấy dòng chảy lịch sử không thể đảo ngược: khi truyền hình ra đời thì phát thanh bị chia thị phần; khi báo điện tử xuất hiện thì đến lượt báo in bị đe dọa. Tôi nghĩ tất cả đều sẽ thay đổi theo xu thế tiến bộ của thời đại.

Các loại hình báo chí cũ lẫn mới, truyền thống và hiện đại sẽ sống chung với nhau một thời gian khá dài trước khi có những thay đổi mang tính cách mạng.

Thời chúng tôi làm báo trước đây có nhiều khó khăn vì chưa có internet và mạng xã hội, công nghệ chưa phát triển. Còn bây giờ làm báo… khó khăn phần nào cũng vì có internet, mạng xã hội và công nghệ. Theo tôi, cái gì mới xuất hiện cũng đều có sự thách thức nhưng sau thách thức sẽ đến thuận lợi. Vấn đề luôn là con người có thích nghi được hay không mà thôi.

Trung Nghĩa (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/ky-niem-98-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-21-6-nha-bao-huynh-dung-nhan-di-yeu-va-viet-3169061/