'Nguyên tắc' vì dân
Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV vừa bế mạc và 'nguyên tắc' vì dân đã được bày tỏ đến tận phiên thảo luận cuối cùng.
Đó là khi Quốc hội thảo luận một số nội dung về ngân sách, gồm cả đề xuất bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỷ đồng, trong đó phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19 là 11.360,4 tỷ đồng.
Về nguyên tắc, Quốc hội có trách nhiệm cao nhất trong chi tiêu ngân sách. Trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang rất hạn hẹp, thì trách nhiệm này lại càng phải cao hơn.
Thế nên, việc có đến 4 nội dung về ngân sách cần điều chỉnh, bổ sung, chuyển nguồn.... tất nhiên không thể không khiến các vị đại diện cho nhân dân phải “soi” cho kỹ.
Giải trình của người đứng đầu ngành tài chính, nghe ra đều hợp lý. Một trong những lý do phải điều chỉnh, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc là vì trong bối cảnh dịch Covid -19 đang hoành hành dữ dội, thì ngành tài chính có những lúc rất “bị động”.
Nhưng “vì dân, cho nên có những lúc phải bất chấp nguyên tắc”.
Ví dụ rất cụ thể là thời điểm đỉnh dịch, khi TP.HCM rất nhiều người thiệt mạng vì Covid -19, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phải yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan thành phố này nếu không cho ngành y tế nhận thiết bị y tế, kit test và vắc - xin vừa được tài trợ (chưa đủ thủ tục) thì “trả chức cho Bộ”.
Vị Cục trưởng đó, lúc đầu, trực tiếp Thứ trưởng Bộ Công an đến nhận, cũng không cho thông quan khi chưa đủ thủ tục, là đúng nguyên tắc. Nhưng có những “nguyên tắc” vượt lên trên mọi nguyên tắc, đó là “nguyên tắc” vì dân. Dù sau khi “bất chấp nguyên tắc” thì chính Bộ trưởng cũng không khỏi lo lắng “sau này quyết toán không đầy đủ có khi mình lại phải chịu trách nhiệm”.
Người lãnh đạo vì dân là cần mạnh dạn vượt lên các quy định lạc hậu để quyết đáp những việc cấp bách, có lợi cho dân. Và không chỉ đến khi có đại dịch Covid -19 mới xuất hiện những vị lãnh đạo như thế. Đặc biệt, những tháng ngày cả nước gồng mình chiến đấu với đại dịch, không phải chỉ có mình ngành tài chính mới thực hiện “nguyên tắc” đó.
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để có nhiều hơn những người dám bất chấp nguyên tắc để vì dân và quan trọng hơn nữa là những người ấy phải được bảo vệ bởi một hành lang pháp lý đủ vững chắc.
Hai năm, tổ chức thêm hai kỳ họp bất thường, quyết định những cơ chế đặc thù, đặc biệt được ví như “thượng phương bảo kiếm”, đó chính là tinh thần vì dân của Quốc hội. Nhưng Quốc hội là tập thể, còn những người thực thi quyết sách của Quốc hội phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Ngày từ Kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 (Nghị quyết 30) cho phép thực hiện biện pháp ngoài luật, đặc cách, đặc biệt, đặc thù, chưa từng có tiền lệ. Thế nhưng, ngay tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai này, đại biểu đã phải lên tiếng, bởi qua thực tế giám sát thì “khi thanh tra, kiểm toán vào họ chỉ căn cứ theo pháp luật hiện hành thôi, chẳng có căn cứ vào Nghị quyết 30 gì cả”.
Thế nên, nếu như câu chuyện “bất chấp nguyên tắc” của Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ được lắng nghe thôi thì chưa đủ. Không phải vô cớ, mà trước khi bấm nút thông qua việc cho phép kéo dài một số chính sách tại Nghị quyết 30, một số đại biểu đề nghị bổ sung một điều quy định: nếu trong quá trình tổ chức thực hiện có tư lợi, vụ lợi thì xử lý, nhưng làm vì mục tiêu chung, vì sức khỏe cộng đồng, vì sức khỏe người dân trong thời điểm nguy cấp, không có tiền lệ, thì phải xem xét cho thấu tình đạt lý.
Thật may, kiến nghị này đã được tiếp thu. Tại Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid -19 được thông qua trước phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã yêu cầu: “Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo đúng các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15”.
“Nguyên tắc” vì dân dường như đã có thêm chỗ dựa, trong khi chờ đợi một hành lang pháp lý toàn diện hơn để mọi cán bộ, công chức đều hoàn toàn yên tâm khi hành động vượt ra khỏi các nguyên tắc thông thường, vì lợi ích chung.
Đó vẫn lại là trách nhiệm của Quốc hội, ở cả khâu lập pháp và giám sát.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguyen-tac-vi-dan-d181975.html