Nguyên nhân khiến nhiều người hụt hơi, mệt mỏi sau khi khỏi Covid-19

Với một số bệnh nhân Covid-19, hoạt động gắng sức, tập thể dục hay bước lên bậc cầu thang cũng khiến họ hụt hơi, khó thở.

Khi Natalie Hollabaugh, 31 tuổi, sống ở Portland, Oregon, Mỹ, có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV vào tháng 3/2020. 18 tháng sau, nữ bệnh nhân vẫn phải chống chọi với hàng loạt triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau đầu, đau khớp.

Natalie Hollabaugh gặp bác sĩ tim mạch và chuyên gia về phổi. Họ không tìm ra nguyên nhân nào khác và cho rằng các hiện tượng này đến từ việc Natalie tăng cân. Họ khuyên cô luyện tập thể dục thường xuyên, đạp xe, chạy bộ trên máy và dắt chó đi dạo.

Nhưng những bài tập khiến tình trạng của Natalie càng trở nên tồi tệ. Người phụ nữ này cho biết: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy tệ hơn, quá mệt mỏi, đến mức tôi không thể tập trung được”.

Và Natalie không đơn độc, chị là một trong hàng trăm nghìn người khác mắc hội chứng Long Covid sau khi khỏi bệnh, phải sống nhiều tháng với những triệu chứng dai dẳng.

Di chứng phổ biến

Nhà khoa học Natalie Lambert, Trường Y Đại học Indiana, Mỹ, đã thu thập dữ liệu tự báo cáo từ hơn một triệu bệnh nhân Covid-19. Theo vị chuyên gia, các bệnh nhân cho biết họ thường được bác sĩ khuyên nên tập thể dục, song, điều này chỉ làm mọi việc thêm tồi tệ.

“Nghiên cứu mà tôi thực hiện chỉ ra rằng triệu chứng phổ biến nhất của người mắc hội chứng Long Covid là không thể tập thể dục. Một số người chỉ đơn giản là quá mệt khi phải tập luyện. Trong khi những người khác trải qua hàng loạt triệu chứng suy nhược như mệt mỏi gia tăng, sương mù não, đau cơ. Tình trạng này tồi tệ hơn sau khi bệnh nhân tham gia các hoạt động thể chất, đôi khi chỉ là hơi gắng sức” - vị chuyên gia trả lời phỏng vấn của New York Times.

Hội chứng Long Covid khiến nhiều F0 mệt mỏi dù chỉ làm những hoạt động thường ngày như đi cầu thang, tập thể dục nhẹ nhàng. Ảnh: iStock.

Trong khảo sát trực tuyến thực hiện trên 3.762 người gặp di chứng hậu Covid-19, các chuyên gia phát hiện 89% báo cáo về tình trạng khó chịu khi phải làm việc gì đó gắng sức.

Song, những vấn đề do tập thể dục gây ra không đơn giản là tác dụng phụ của tình trạng mất cân đối. Theo TS David Systrom, Bệnh viện Brigham và Bệnh viện Phụ nữ ở Boston, Mỹ, chúng không phải chỉ là kết quả của chấn thương phổi, tim.

Trong nghiên cứu mới được công bố hồi tháng 1, TS Systrom và cộng sự so sánh 10 F0 gặp khó khăn khi tập thể dục và 10 người không mắc Covid-19 nhưng bị khó thở không rõ nguyên nhân sau khi tập thể dục.

Họ phát hiện không ai có kết quả chụp CT ngực bất thường, thiếu máu hoặc các vấn đề chức năng tim, phổi. Điều này cho thấy nguyên nhân gây ra triệu chứng không phải chấn thương nội tạng. Tuy nhiên, khi những bệnh nhân từng mắc Covid-19 đạp xe trong thời gian dài, TS Systrom nhận thấy một số tĩnh mạch và động mạch hoạt động bất thường, ngăn cản oxy đến các cơ.

Bất thường trong mạch máu

Không ai rõ vì sao những vấn đề này xuất hiện. Song, theo TS Systrom, nghiên cứu khác của ông cho thấy những bệnh nhân bị hội chứng Long Covid gặp tổn thương dây thần kinh liên quan các cơ quan, mạch máu. Đây có thể là nguyên nhân khiến các mạch máu hoạt động bất thường.

Trong nghiên cứu khác được công bố vào tháng 11/2021, nhóm chuyên gia từ Đại học Indiana, Mỹ, phân tích dữ liệu của 29 phụ nữ mắc Covid-19. Khi họ đi bộ trong 6 phút, nhịp tim của họ không đập nhanh như nhóm không mắc bệnh. Theo TS Stephen J. Carter, Trường Y tế Công cộng Bloomington thuộc Đại học Indiana, tác giả chính của nghiên cứu: “Rõ ràng, có gì đó đang cản trở những phản ứng thông thường”.

TS Lambert cho hay một số bệnh nhân bị Long Covid cũng có chẩn đoán mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) - rối loạn ảnh hưởng lưu lượng máu. Ở những người này, hệ thống thần kinh không thể tự điều chỉnh các yếu tố như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi, thân nhiệt. Đây đều là những yếu tố mà ở người bình thường, hệ thống thần kinh vốn tự kiểm soát rất tốt.

Nguyên nhân khiến các F0 bị hụt hơi, mệt mỏi hậu Covid-19 có thể do bất thường từ hệ thần kinh, rối loạn mạch máu. Ảnh: iStock.

Một số bác sĩ cũng chỉ ra điểm tương đồng giữa người mắc Long Covid với nhóm bị hội chứng mệt mỏi mạn tính (viêm cơ tủy myalgic hay ME/CFS). Họ thường mệt mỏi nghiêm trọng và gặp nhiều vấn đề về trí nhớ, nhận thức, kèm theo đau cơ, khớp. Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ đã khuyên những bệnh nhân bị mệt mỏi mạn tính nên tập thể dục để cải thiện triệu chứng. Song, với nhiều người, luyện tập chỉ càng khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ. Vì vậy, phương pháp này không còn được khuyến khích.

Năm 2021, TS Systrom và cộng sự nghiên cứu 160 bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính và phát hiện khi tập thể dục, họ gặp phải nhiều vấn đề về mạch máu tương tự nhóm bị Long Covid.

Và tất cả điều này dẫn tới một câu hỏi: Những F0 gặp khó khăn khi tập thể dục có nên luyện tập thể chất không? Vấn đề này cũng thu hút nhiều quan điểm trái chiều. Không ít bệnh nhân và bác sĩ phản đối kịch liệt việc tập thể dục. Trong khi đó, TS Systrom cho rằng việc tập luyện rất có lợi cho bệnh nhân Covid-19 và cần có sự tư vấn kỹ về cường độ cho từng người.

Sẽ rất khó để có một khuyến cáo, hướng dẫn chung cho tất cả bệnh nhân. Do đó, bác sĩ và người bệnh cần điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu, khả năng của bản thân.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-khien-nhieu-nguoi-hut-hoi-met-moi-sau-khi-khoi-covid-19-post1295976.html