Nguyên nhân khiến chiếc máy bay lớn nhất thế giới bị phá hủy
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã cáo buộc 3 nhân viên tại sân bay quan trọng gần Kiev đã ngăn chặn nỗ lực củng cố cơ sở này trước cuộc tấn công tiềm tàng của Nga, khiến chiếc máy bay lớn nhất thế giới bị phá hủy.
Theo đài RT (Nga), SBU cho rằng sự cố nghiêm trọng này đã khiến siêu vận tải cơ An-225 Mriya bị phá hủy. An-225 có tên gọi là Mriya (tiếng Ukraine có nghĩa là Giấc mơ) từng lập kỷ lục Guinness là chiếc máy bay lớn nhất thế giới.
An-225 Mriya do Liên Xô sản xuất, được mệnh danh là “quái vật trên không”, có khả năng vận chuyển khoảng 250 tấn hàng hóa. Chiếc máy bay này hạ cánh tại sân bay gần thành phố Gostomel ở vùng Kiev, cách ngoại ô phía Tây Bắc của thủ đô Ukraine khoảng 10 km. An-225 Mriya do công ty con của Tập đoàn chế tạo máy bay Antonov điều hành.
Theo cáo buộc của SBU, hồi tháng 1 và tháng 2/2022, ông Sergey Bychckov, Giám đốc điều hành của Antonov vào thời điểm đó, cùng một số cấp dưới, đã lên kế hoạch ngăn chặn Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine chuẩn bị địa điểm phòng thủ trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.
Sân bay Gostomel là một trong những mục tiêu chính của Quân đội Nga trong những ngày đầu tiên tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái. Moskva đã kiểm soát cơ sở này trong cuộc tấn công chớp nhoáng của Lực lượng Đổ bộ đường không Nga. Khi Ukraine cố gắng giành lại cơ sở này, chiếc An-225 trong nhà chứa máy bay đã bị phá hủy. Chiếc máy bay này đã bị pháo binh Ukraine bắn trúng trong cuộc chiến.
Vào thời điểm đó, sau khi đạt tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình, Quân đội Nga đã rút khỏi Kiev vào tháng 3/2022.
Giám đốc SBU Vasyl Malyuk cáo buộc các nghi phạm “trên thực tế đã giúp đối phương phá hủy một trong những biểu tượng của Ukraine” và cam kết cơ quan này sẽ làm mọi cách để buộc họ phải chịu trách nhiệm.
Hôm 10/3, cơ quan an ninh Ukraine báo cáo giới chức đã bắt giữ 2 nghi phạm. Nghi phạm thứ 3 – người chịu trách nhiệm an ninh sân bay – vẫn đang chạy trốn. Các nghi phạm sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm.
Được chế tạo từ những năm 1980, An-225 là một trong những thành tựu ấn tượng nhất của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô. Chiếc mày bay này được thiết kế để vận chuyển tàu con thoi Buran từ ngoại ô thủ đô Moskva đến sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Tuy nhiên, sự thất bại của tàu vũ trụ tái sử dụng của Liên Xô đã hạn chế vai trò của An-225.
Năm 2009, sách kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận An-225 Mriya có khả năng nâng được vật nặng nhất so với bất kỳ máy bay nào khác: một máy phát điện nặng 187,6 tấn. Ngoài ra, máy bay này còn nắm giữ một số kỷ lục như máy bay duy nhất có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 600 tấn, máy bay có sải cánh rộng nhất.
Dù đạt vô số kỷ lục thế giới nhưng máy bay hiếm khi cất cánh do chi phí vận hành tốn kém. Ước tính, mỗi giờ bay của An-225 Mriya tốn hơn 20 tấn nhiên liệu, tương đương 6.700 USD.
An-225 Mriya chỉ được sử dụng để thực hiện những sứ mệnh đòi hỏi yêu cầu khắt khe nhất. Từng có thời gian chiếc máy bay phải “đắp chiếu” trong nhà chứa suốt 7 năm khiến nhiều phần bị rỉ sét, trước khi được đại tu vào năm 2001.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố nước này sẽ sản xuất một loại máy bay mới có thiết kế tương tự. Ông Malyuk nói: “Giống như Ukraine, Mriya không thể bị phá hủy”.