Nguy cơ trẻ đuối nước ngày càng gia tăng

Cứ mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, dù đã được cảnh báo thường xuyên nhưng số lượng trẻ bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước ngày càng gia tăng do độ tuổi hiếu động, sự bất cẩn của trẻ và sự thiếu cảnh giác, chủ quan của người lớn.

Liên tiếp các vụ trẻ đuối nước thương tâm

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Mặc dù vậy, tình trạng trẻ tắm sông, tắm trong ao hồ diễn ra rất phổ biến.

Một sự việc đau lòng xảy ra ngày 16/6, tại bãi sông Dâu, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khoảng 18 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Đức B., thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn cùng cháu nội Nguyễn Đức M. (12 tuổi) và cháu ngoại Nguyễn Huỳnh H. (8 tuổi) ra sông Dâu tắm. Tuy nhiên, trong quá trình tắm cả 3 ông cháu không may bị trượt chân dẫn đến đuối nước. Nghe tiếng kêu cứu, người dân địa phương đã tới cứu vớt. Dù được các y, bác sĩ hết lòng cứu chữa, tuy nhiên, do bị ngạt nước quá lâu, cả 3 ông cháu đều đã tử vong.

Trước đó, tại Thanh Hóa, 3 em nhỏ đi tắm ở bãi biển phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn không may bị nước biển cuối trôi dẫn tới đuối nước thương tâm. Được biết, nghỉ hè, 3 em nhỏ được gia đình cho về quê ngoại ở xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn chơi. Khi các em ra biển tắm thì xảy ra sự cố đáng tiếc kể trên.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023, liên tiếp các vụ tử vong do đuối nước ở trẻ như: Đồng Tháp, Nghệ An, Bình Thuận, Đắk Lắk.

Bé C.T. (6 tuổi, ở Hà Nội) rơi vào tình trạng nguy kịch khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 6 ngày (từ ngày 30/5 - 4/6), khoa Điều trị tích cực Nội khoa của bệnh viện đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ, nhiều trẻ di chứng thần kinh nặng nề. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.

Điều đáng nói, trong số 7 trẻ chỉ có duy nhất 1 trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều cấp cứu sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng không được kịp thời hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim), vô tình làm mất đi “thời điểm vàng” để cứu sống trẻ.

Cuối tháng 5 vừa qua, bé C.T. (6 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình cho đến chơi ở một bể bơi. Tại đây, bé bị đuối nước, được đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, bé C.T. được đưa đến cấp cứu ở một bệnh viện cách nơi gặp nạn khoảng 5 phút di chuyển và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa của bệnh viện, sau khi được điều trị, bé đã tỉnh, tự thở nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh có thể xảy ra.

Tương tự, bé B.M. (20 tháng tuổi, Ninh Binh) cũng trong thời gian điều trị tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa của bệnh viện vì đuối nước, tuy nhiên bé B.M không may mắn như bé C.T. Sau khi phát hiện đuối nước, bé B.M. không được cấp cứu ban đầu mà bị vác ngược chạy vòng quanh. Khi không hiệu quả, trẻ được đưa đi cấp cứu nhưng thời gian di chuyển đến bệnh viện tỉnh quá dài, trên 30 phút.

Vì vậy, dù trẻ có nhịp tim trở lại sau 15 phút cấp cứu ở tuyến dưới song khi áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.

Biện pháp phòng tránh đuối nước

Theo TS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổng thư ký Hội Nhi Khoa Việt Nam, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.

Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước cần áp dụng phối hợp rất nhiều các biện pháp hồi sức tích cực.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động, dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, chỉ định và hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim và trẻ có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không. Trường hợp trẻ ngừng tim kéo dài nhưng trong suốt khoảng thời gian đó trẻ được hồi sức tim phổi tốt thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn.

Trẻ bị đuối nước được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngược lại, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5-7 phút thôi nhưng lại không được xử lý cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan bằng.

“Mùa hè với thời tiết nắng nóng và kỳ nghỉ kéo dài là thời điểm trẻ em thường xuyên tham gia hoạt động bơi lội hoặc đi chơi, du lịch ở những địa điểm có hồ nước, sông, suối, biển,… Do đó, nguy cơ bị đuối nước sẽ càng tăng cao” - TS Phan Hữu Phúc cảnh báo.

Để phòng tránh đuối nước, TS Phan Hữu Phúc khuyến cáo, cần giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước (cho trẻ từ lớp 1) và dạy trẻ bơi an toàn. Đồng thời, tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi, phổ biến các biện pháp phòng ngừa, cấp cứu ban đầu cho người dân.

Đặc biệt, tại các khu vực bơi công cộng phải có sự giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện kỹ thuật cứu hộ. Còn tại các khu vực như: ao, hồ, sông ngòi... phải có biển cảnh báo. Với các dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy…

Đồng quan điểm, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho rằng, mùa hè nóng nực, trẻ thường được cha mẹ cho đi tắm hồ bơi. Quá trình tắm, trẻ có thể sặc nước, chuột rút, ngộp… Mặc dù, hồ bơi có nhân viên cứu hộ nhưng khó có thể bao quát toàn bộ hoặc ứng cứu kịp thời.

Vì thế, phụ huynh phải liên tục để mắt đến con, cho trẻ bơi ở hồ bơi phù hợp, không cho trẻ nhỏ sang hồ bơi của người lớn. Bên cạnh đó, nếu xung quanh nhà có sông hồ, cần giám sát trẻ chặt chẽ, luôn đặt con trong tầm mắt, đặc biệt là trẻ nhỏ đang chập chững tập đi. Với trẻ dưới 3 tuổi, phụ huynh cần cẩn thận với các dụng cụ đựng nước trong nhà như thau, chậu, lu vại.

“Dù có biện pháp đề phòng nhưng tai nạn vẫn có nguy cơ xảy ra. Do đó, cần nắm chắc nguyên tắc sơ cứu đúng, giúp quyết định sự sống còn và nguy cơ di chứng não ở trẻ” - bác sĩ Đinh Tấn Phương lưu ý.

Theo các chuyên gia y tế, những sai lầm phổ biến của phụ huynh khi xử trí trẻ ngạt nước đó là bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước, hơ lửa, đuổi cha mẹ của trẻ đi khỏi khu vực trẻ bị tai nạn. Thực tế, động tác dốc ngược trẻ không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít.

Để hạn chế tai nạn đuối nước, ngạt nước, các chuyên gia lưu ý, phụ huynh không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà, không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ tập bơi và khi đi hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, người lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là người lớn phải cùng bơi chung với trẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguy-co-tre-duoi-nuoc-ngay-cang-gia-tang.html