Nguy cơ sạt lở cao ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa mưa 2018

Hai vụ sạt lở liên tiếp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua cho thấy diễn biến phức tạp của hiện tượng này, nó khiến cuộc sống của người dân khu vực ven sông, kênh, rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn ở trạng thái bất ổn, lo lắng.

Sạt lở thiệt hại về nhà cửa ở Hậu Giang đầu tháng 5/2018

(Nguồn: Báo Hậu Giang)

Vào đêm khuya ngày 4/5, một vụ sạt lở đã xảy ra trên địa bàn ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, tại hiện trường vụ sạt lở, một đoạn dài khoảng 28m đất ven tuyến sông Cái Côn bị sụp đổ, kéo theo phần đường đi và mái nhà của người dân rơi xuống lòng sông. Chính quyền địa phương thống kê có 5 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Vụ sạt lở nói trên còn làm sụp một đoạn kè vừa mới thi công sau vụ sạt lở vào tháng 7/2017. Hiện nguy cơ sạt lở vẫn còn cao, đe dọa đời sống người dân khu vực này.

Tiếp đó, vào sáng 11/5, tại ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang lại xảy ra một vụ sạt lở đất ven bờ sông Ba Láng. Vụ việc gây ảnh hưởng trực tiếp 4 hộ dân và làm sụp đoạn đường bê tông khoảng 20m khiến hoạt động lưu thông của người dân địa phương bị gián đoạn. Ước tính ban đầu thiệt hại khoảng 150 triệu đồng, bao gồm phần đường bê tông và phần kè do người dân tự làm để chống xói mòn đất. Được biết, đây là một trong 9 điểm nguy cơ cao về sạt lở trên địa bàn xã này. Hiện tại, hoạt động đi lại của người dân khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân nơi đây hết sức lo lắng, bởi vẫn còn những vết nứt sau sự cố. Một số gia đình đã phải tạm thời di dời đồ đạc đến nhà người thân ở nhờ. Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, cho cắm biển cảnh báo, lưu ý phương tiện thủy tránh quay đầu tại khu vực này.

Hiện nay đang là thời điểm giao giữa mùa khô và mùa mưa, tuy nhiên tình hình sạt lở đất đã diễn biến hết sức phức tạp. Ngành chức năng nhận định sạt lở năm 2018 nhiều khả năng sẽ diễn biến phức tạp hơn năm trước. Có thể thấy, những năm gần đây, tình hình sạt lở ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, trong đó có Hậu Giang. Trong khi đó, tình hình sạt lở ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bến Tre… vẫn thường xảy ra, nhất là những khu vực ven sông, ven biển. Tại An Giang, những tháng đầu năm 2018, ngoài những địa bàn từng bị sạt lở như An Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu, Châu Phú, sạt lở nghiêm trọng còn xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Khánh, thuộc địa bàn TP.Long Xuyên, sạt lở lấn sâu vào hơn 1/2 tuyến giao thông huyết mạch của xã nông thôn mới này. Các cơ quan chức năng phải di dời khẩn cấp hàng chục căn nhà. Ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, kết quả quan trắc đợt 2 năm 2017 để cảnh báo mùa khô năm 2018 cho thấy, có tổng số 51 đoạn sông với tổng chiều dài 162.550m có nguy cơ sạt lở.

Còn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cách đây không lâu, khu vực tổ 7 và 8, ấp Phú Đa, huyện Chợ Lách đã xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Riêng tại Cồn Bửng thuộc địa bàn huyện Thạnh Phú, mỗi năm sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 8 đến 10m. Tại Cà Mau, qua khảo sát cho thấy đê biển Tây trên địa bàn tỉnh này có 3 đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 3.600m, tập trung ở 2 xã Khánh Bình Tây và Khánh Hải. Riêng tại Đồng Tháp, sạt lở diễn ra liên tục khiến người dân, chính quyền địa phương không kịp ứng phó…

Hiện nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổng kinh phí cần đầu tư vào khoảng 6.990 tỷ đồng. Để hạn chế ảnh hưởng sạt lở bờ sông, các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư, trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ cao.

Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn, thủy lợi…quy hoạch phải dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài đầu tư của Trung ương, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cụm, tuyến dân cư phòng, tránh sạt lở lâu dài, ưu đãi các khoản thuế, tiền sử dụng đất… từ các công trình đầu tư công để sớm di dời dân cư vào vùng an toàn tránh sạt lở trong điều kiện khó khăn về ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh này cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng kết quả tính toán các mô hình của dự án đo đạc và dự báo diễn biến lòng dẫn các đoạn sông xói lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc khai thác khoáng sản, nạo vét khai thông luồng, chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở.

Để phòng chống sạt lở có hiệu quả tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt như các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khai thác cát sỏi các dòng sông, không quy hoạch, cấp phép quá mức. Chú trọng biện pháp trồng rừng giữ đất, nhất là cây đước, sú vẹt, nghiên cứu làm phong điện để đất bồi đắp. Phải quy hoạch lại dân cư, tái định cư và quy hoạch lại sản xuất.

Đồng thời phải thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực trong việc điều tiết dòng chảy, nhất là vào mùa khô. Các biện pháp công trình phải làm tổng hợp chứ không chỉ có kè cứng là duy nhất. Bên cạnh đó, cần tiến hành xã hội hóa nguồn lực, nhất là làm đê mềm để mở rộng đất đai, mặt nước, ngăn mặn, chống sạt lở kết hợp phát triển kinh tế. Song song với đó cần phải tập trung nghiên cứu căn bản việc phân lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, không để lưu lượng quá lớn kéo xuống sông Tiền, sông Hậu; nghiên cứu gấp đập Tha La - Trà Sư ở tỉnh An Giang mà vừa qua các nhà khoa học đề xuất./..

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/nguy-co-sat-lo-cao-o-dong-bang-song-cuu-long-trong-mua-mua-2018-484116.html