Nguy cơ 'ô nhiễm trắng' lan rộng

Dù đã có nhiều giải pháp, song đến nay vẫn chỉ có khoảng 11- 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Ảnh: Nam Anh.

Mối lo ô nhiễm thường trực

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong số rác thải nhựa kể trên thì có 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam nêu thực tế, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa, đồng thời sản xuất trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn. Như vậy, nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa nguyên sinh ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn. Đây là một con số rất lớn. Trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD.

Theo ông Vượng, với lượng tiêu thụ tăng mạnh, lượng rác thải nhựa ra môi trường là rất lớn và tăng hàng ngày. Lượng rác thải nhựa này một phần (nhựa có giá trị) đang được thu gom, tái chế ở các làng nghề trên cả nước. Tuy nhiên, còn một lượng lớn rác thải nhựa khó tái chế, giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần… không được tái chế, đổ ra bãi rác chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,2 triệu tấn nhựa. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa thải ra rất lớn cần phải xử lý.

Trước thực trạng trên, nhằm tăng cường nhận thức cho người dân đặc biệt là giới trẻ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam đã ký hợp tác về việc triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững; giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng.

Theo đó, chương trình hợp tác tập trung trọng điểm vào việc xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn 2024 - 2030 nhằm khơi dậy tiềm năng, đam mê, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa. Chương trình giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng được thiết kế với các hoạt động: nâng cao nhận thức về rác thải nhựa thông qua các tiết học xanh; học sinh được hướng dẫn và thực hành phân loại rác tại trường; trải nghiệm trực tiếp quy trình tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm…

Cần giải pháp kịp thời

“Ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc tăng cường truyền thông giúp thế hệ trẻ có những trải nghiệm trực tiếp về quy trình tái chế rác thải nhựa rất có ý nghĩa. Từ đó góp phần hình thành thói quen không sử dụng sản phầm đồ nhựa và phân loại rác ngay từ đầu nguồn” - ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giảm thiểu rác thải nhựa đòi hỏi những giải pháp toàn diện. Việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là chìa khóa quan trọng. Cần phải thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Trước đó, ngày 9/6/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Từ đó, những hành động nhỏ nhưng thiết thực của cộng đồng đã diễn ra khắp nơi, góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.

Sau khi Thủ tướng chính phủ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ nhưng thiết thực của cộng đồng đã diễn ra khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp. Cụ thể, các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh bằng những việc làm cụ thể như: không dùng giấy nilon bọc sách, vở; vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa tại hội nghị, hội thảo.

Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với nhiều chương trình, mô hình mới, sáng tạo nhằm lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường.

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-o-nhiem-trang-lan-rong-10276057.html