Nguy cơ lớn từ những hồ chứa nhỏ

Vụ vỡ hồ nước nhân tạo làm 18 người chết ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa) mới đây đã gióng thêm lời cảnh báo về bảo vệ sự an toàn cho người dân sống dưới các chân núi có hồ, đập, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan.

Hiện trường vụ sạt lở khiến hàng chục căn nhà đổ sập, nhiều người chết và mất tích.

Nỗi đau nơi xóm núi Nha Trang

Hơn 10 căn nhà dân đã bị phá hủy, san bằng hoàn toàn trong buổi sáng 18-11. Vụ sạt lở kinh hoàng đã làm 18 người chết, 2 người mất tích, 31 người bị thương.

Theo nhiều người dân ở tổ dân phố Hòa Tây, thì do trời mưa lớn, khiến hồ nước nhân tạo trên đỉnh núi (ở độ cao hơn 50 mét so với khu dân cư bên dưới, nằm trong khu vực dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú, do Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư) bị vỡ. Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa cho biết: “Khu vực này đất núi chủ yếu là đá tảng. Ngay cả mưa lớn như năm 2016 cũng không xảy ra sạt lở. Quan sát hình thể nước đổ xuống khu dân cư vừa rồi, tôi cho rằng đó không phải do sạt lở”. Ông cho biết thêm, các cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường để làm rõ, trách nhiệm của ai sẽ phải xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhận định: Vụ việc nghiêm trọng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn kỷ lục tại Nha Trang trong 20 năm qua. Dữ liệu ghi được cho thấy, mưa cục bộ quá lớn tại Nha Trang (trong 12 giờ lượng mưa vượt hơn 300 mm). Đây là tình trạng mưa cực đoan, tập trung với lượng lớn tại khu vực hẹp và dốc, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Ông Sơn nhấn mạnh: Phát triển kinh tế - xã hội nếu không lồng ghép với giảm rủi ro thiên tai sẽ dẫn đến rủi ro thiên tai mới. Ngoài ra, theo ông Sơn, công tác dự báo định lượng mưa hiện còn hạn chế, từ đó cảnh báo cho người dân và chính quyền về nguy cơ xảy ra ở phạm vi hẹp rất khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đây không phải lần đầu một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở TP Nha Trang. Cách đây gần hai năm, sáng 20-12-2016 từng xảy ra vụ sạt lở tại khu vực dưới chân núi Xanh ở thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, làm chết bốn người. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, còn rất nhiều nhà dân, xây dựng từ nhiều năm trước đây, đang sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở. Vì thế, trong các chỉ đạo về công tác phòng, chống bão lụt của tỉnh luôn giao cho các địa phương chú ý rà soát, di dân kịp thời ở vùng có nguy cơ sạt lở hay lũ ống, lũ quét gây nguy hiểm cho dân cư.

Vậy nhưng, thảm họa vẫn xảy ra, để lại những nỗi đau lớn cho nhiều gia đình.

Tháo ngòi “bom nước”

Có nhiều lý giải cho nguyên nhân của vụ việc đau lòng này, tuy nhiên, vụ sạt lở nghiêm trọng ấy đã gióng lên lời cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ mất an toàn hồ đập. Không chỉ Khánh Hòa, nhiều địa phương trong cả nước cũng cần phải có những động thái tích cực và chủ động, kiên quyết để có thể phòng tránh thảm họa do những “quả bom nước” treo cao đối với các khu dân cư.

Hiện nay, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với dung tích trữ khoảng 13,5 tỷ m3, phân bổ tại 45/63 địa phương; trong đó, có 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Phần lớn các đập tạo hồ chứa nhỏ là đập đất được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước tác động của biến đổi khí hậu cùng với những tác động khác cho thấy nguy cơ mất an toàn hồ, đập có thể xảy ra ở mọi nơi. Vì mưa có cường độ cực đoan trên thực tiễn đã diễn ra gần đây, nhất là ở miền núi phía bắc nước ta. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường tất cả các giải pháp quản lý để có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp có thể xảy ra.

Theo ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), để bảo đảm an toàn hồ, đập cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với Luật Thủy lợi. Rà soát, nâng cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật đã có thành Tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về an toàn hồ, đập. Còn ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho rằng, các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn và các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để chủ động lập kế hoạch, triển khai phương án vận hành hồ chứa... Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố vỡ hồ chứa, các mô hình dự báo, quan trắc diễn biến mưa và dòng chảy cho cả mùa khô và mùa lũ trong năm.

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, theo ông Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam), hiện nay, các hồ chứa lớn do Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương quản lý được giám sát an toàn tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với các hồ chứa nhỏ thì thật sự đáng lo ngại. Thực tế các hồ chứa nhỏ hiện đều do địa phương quản lý, nhiều hồ chứa chưa được xây dựng quy trình vận hành, trong khi kinh nghiệm cũng như kiến thức về bảo đảm an toàn hồ chứa của các địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Mối lo thậm chí còn lớn hơn đối với các hồ chứa nhỏ do các doanh nghiệp đầu tư, vận hành. Vì lợi nhuận, họ có thể sẵn sàng thực hiện với chi phí được tiết giảm tối đa, từ khâu tư vấn, thiết kế, đánh giá tác động môi trường đến quá trình xây dựng…

Điều này dẫn tới những nguy cơ mất an toàn hồ đập khi các công trình đi vào vận hành.

Vì vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục giám sát chặt chẽ an toàn các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý và công tác đầu tư các thủy điện nhỏ do doanh nghiệp thực hiện. Trong quá trình xây dựng dự án, cần phải có đánh giá tác động môi trường, rà soát khả năng ảnh hưởng tới vùng dân cư lân cận công trình để chủ động xây dựng phương án ứng phó, bao gồm cả di dân.

HIẾU DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/38346302-nguy-co-lon-tu-nhung-ho-chua-nho.html