Nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật
Sáng 12/11, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo 'Tài năng trẻ-Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật'.
Tham gia hội thảo, hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu lý luận, nhà văn, nghệ sĩ cùng các đại diện đến từ các viện nghiên cứu, trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật; các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và các địa phương...
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh: Tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều tài năng văn hóa, nghệ thuật không đợi tuổi, đã bộc lộ, phát tiết trước tuổi trưởng thành. Nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, những tài năng trẻ sẽ thăng hoa, tỏa sáng. Trái lại, nếu không có chính sách thỏa đáng, tài năng trẻ không có điều kiện phát triển, thậm chí phai nhạt, thui chột.
Thời gian qua, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Chủ trương, chính sách đối với phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật được coi trọng. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phát triển. Chế độ, chính sách cho nghệ sĩ, diễn viên, chế độ nhuận bút, thù lao cho người viết, sáng tác; cơ chế thu hút người trẻ tham gia các hoạt động thực hành văn hóa, nghệ thuật; vấn đề huy động các nguồn lực xã hội hóa… còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Tham luận tại hội thảo về phát triển tài năng trẻ nghệ thuật, GS, TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ngày càng đánh giá cao sức mạnh mềm của văn hóa nghệ thuật, coi trọng vai trò của lực lượng nghệ sĩ, tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật hoạt động hiệu quả; công tác đào tạo tài năng nghệ thuật trẻ được quan tâm hơn. Tuy nhiên, tài năng là tố chất đặc biệt, có tư chất bẩm sinh, nhưng năng khiếu bẩm sinh chưa đủ. Để tài năng phát triển đúng hướng và đạt tới trình độ điêu luyện, các "mầm non" nghệ thuật cần được đào tạo bài bản trong môi trường văn hóa, nghệ thuật. Môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước; cơ chế sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật, sự công nhận của công chúng... là bệ đỡ, chất xúc tác giúp tài năng nở rộ.
Bên cạnh những yếu tố tích cực trong đào tạo và phát triển tài năng trẻ nghệ thuật hiện nay, công tác đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận chuyên ngành nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức. Công việc giảng dạy các ngành nghệ thuật có một số đặc thù về phương pháp truyền nghề, đầu tư công sức, không giống công việc của giáo viên ở các môi trường đào tạo khác. Tuy nhiên, chế độ thù lao giờ giảng rất thấp, chưa tương xứng với loại hình đào tạo đặc thù.
Chia sẻ ý kiến về thực trạng phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: Tài năng không đợi tuổi. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục và tổ chức văn hóa đã chú trọng đến việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ. Nhiều chương trình và khoa học chuyên sâu được thiết kế để phát triển kỹ năng cho tài năng trẻ, giúp họ tiếp cận với kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật đối mặt với không ít thách thức. Việc phát hiện tài năng thiếu một hệ thống đánh giá đồng bộ và khoa học, thiếu định hướng rõ ràng để phát triển tài năng có tính lâu dài. Có những tài năng trẻ không được tạo điều kiện thực hành và thể hiện khả năng do thiếu cơ hội và môi trường hỗ trợ.
Cũng trong hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá vai trò của tài năng trẻ đối với phát triển văn hóa, nghệ thuật; thực trạng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, những người trẻ đang thực hiện sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế; vấn đề đặt ra từ thực tiễn; bài học kinh nghiệm trong phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng tài năng trẻ; đề xuất giải pháp phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ tài năng trong văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Với nhiều góc nhìn từ kinh nghiệm thực tế, nhận định tâm huyết về vai trò của tài năng trẻ trong thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, hội thảo thu nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp tạo nguồn nhân lực trẻ trong văn hóa, nghệ thuật, cụ thể về cơ chế thu hút người trẻ, tài năng trẻ tham gia các hoạt động sáng tạo và thực hành văn hóa, nghệ thuật; chính sách hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sỹ trẻ tham gia các hoạt động phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, công bố tác phẩm và giao lưu văn hóa quốc tế...