Người Việt thuộc top 3 thế giới về mức độ tin tưởng AI
Theo kết quả vừa được công bố trong Bảng Chỉ số AI thế giới, Việt Nam ghi dấu ấn khi xếp hạng thứ 6 trên tổng số 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
"Chỉ số AI thế giới" do Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu ( Worldwide Independent Network of Market Research) hực hiện, nhằm đo lường mức độ nhận thức, sử dụng, tin tưởng và lo ngại của người dân tại 40 quốc gia thuộc 5 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương) đối với trí tuệ nhân tạo (AI).
Chỉ số AI thế giới được đánh giá dựa trên 7 chỉ số thành phần: Mức độ chấp nhận AI; "Mức độ tin tưởng AI"; "Khả năng sử dụng AI"; "Mức độ hiệu quả của AI"; "Mức độ quan tâm đến AI"; "Mức độ thoải mái với AI" và "Mức độ sử dụng AI".
Kết quả cho thấy, Việt Nam lọt vào top 10 của gần như tất cả các chỉ số, ngoại trừ chỉ số về sử dụng AI. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về "Mức độ tin tưởng" (65,6 điểm) và thứ 5 về "Mức độ chấp nhận AI" (71,6 điểm).
Việt Nam cũng lọt vào top 10 của các chỉ số như "Mức độ thoải mái với AI" trong đời sống. Tất cả các chỉ số AI này của Việt Nam đều vượt xa mức trung bình toàn cầu.
Tuy nhiên, mức độ sử dụng thực tế còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 37,6 điểm, xếp thứ 17 trong tổng số 40 quốc gia. Đây cũng là chỉ số mà Việt Nam nhận được mức xếp hạng thấp nhất. Dữ liệu khảo sát tại Việt Nam do Indochina Research Vietnam thực hiện tại 4 thành phố lớn cho thấy có khoảng 60% người đã từng sử dụng công nghệ AI, nhưng chỉ 3% sử dụng hằng ngày.
Chung cuộc, Việt Nam xếp hạng thứ 6 với 59,2 trên thang điểm 100.

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về "Mức độ tin tưởng AI".
Một số kết quả cũng cho thấy, nhóm người dùng AI chủ yếu là người trẻ từ 18 - 34 tuổi, đặc biệt là những người đang sinh sống tại hai trung tâm đô thị lớn là TP. HCM và Hà Nội.
Trong khi đó, người dân tại Đà Nẵng và Cần Thơ có tỷ lệ sử dụng AI thấp hơn đáng kể, phản ánh sự chênh lệch về khả năng tiếp cận công nghệ giữa các đô thị trung tâm và khu vực cấp hai.
Trong nhóm tuổi trẻ nhất được khảo sát (18 - 24 tuổi), khoảng 9/10 người tại Hà Nội (89%) và TP. Hồ Chí Minh (87%) cho biết họ đã từng chủ động sử dụng công nghệ AI. Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng thấp nhất được ghi nhận ở nhóm người từ 55 - 64 tuổi sống tại Đà Nẵng, với chỉ 1/10 người từng có trải nghiệm với AI.
Tại Việt Nam, cũng như các nước châu Á - Thái Bình Dương khác, quyền riêng tư dữ liệu là mối lo ngại lớn nhất, với 52% người được khảo sát bày tỏ sự lo lắng về cách AI thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân.
Tiếp theo đó là nỗi lo AI có thể thay thế con người trong công việc, được chia sẻ bởi 48% người tham gia khảo sát. Đây là một quan ngại phổ biến ở cả các nước đang phát triển và các nước phát triển.
Đáng chú ý, trong khi nỗi lo về thông tin sai lệch (deepfake, thao túng dư luận) được xem là mối quan ngại hàng đầu tại nhiều quốc gia phát triển, thì tại Việt Nam, chỉ có 36% người được khảo sát bày tỏ lo lắng về vấn đề này - mức thấp nhất trong số các mối quan ngại với người Việt.
Sự chênh lệch này phản ánh khác biệt rõ nét trong nhận thức giữa người dân Việt Nam và người dân tại các quốc gia châu Âu hoặc châu Mỹ, nơi mà lo ngại về thông tin sai lệch thường được đặt lên hàng đầu.