Người Việt Nam sử dụng Dương lịch từ bao giờ?
Ngày xưa, người Việt Nam sử dụng lịch âm trong mọi hoạt động; Dương lịch được đưa vào bao giờ và được sử dụng chính thức trong các hoạt động hành chính từ năm nào?
Tết Dương lịch là ngày đầu tiên trong năm theo lịch Gregorius cũng như lịch Julius của La Mã, là dịp lễ quan trọng trong năm của nhiều dân tộc và nền văn hóa trên thế giới. Còn Tết Nguyên đán theo Âm lịch được tính theo chu kỳ chuyển động của Mặt trăng, là dịp lễ quan trọng của nhiều quốc gia Á Đông như Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc.
Trả lời Báo điện tử VTC News, ThS Trần Tiến Bình, nhà nghiên cứu lịch, tác giả cuốn "Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI" cho biết Dương lịch được đưa vào Việt Nam cùng với thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Thời kỳ Pháp thuộc bắt đầu từ 1884 khi Pháp ép triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Thân cũng là khi Dương lịch bắt đầu được sử dụng tại Việt Nam bên cạnh Âm lịch truyền thống.
Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn vẫn dùng chính thức Âm lịch trong toàn quốc cho đến năm 1945. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố chính thức dùng cả Dương lịch và Âm lịch như hiện này.
Ngày 1 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 5/SL quy định sử dụng lịch Gregory (Dương lịch) trong các hoạt động hành chính. Từ đó, Dương lịch thay thế cho Âm lịch truyền thống trong giao dịch chính thức của nhà nước. Âm lịch vẫn được người dân quen sử dụng, nhất là trong các hoạt động tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống.
Cho đến trước năm 1967, người dân Việt Nam vẫn sử dụng lịch âm của Trung Quốc. Vào năm 1959, tổ soạn lịch được thành lập. Đến năm 1967, tổ soạn được 33 năm Âm lịch tính từ 1968 đến năm 2001.
Ngày 8/8/1967, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định 121/CP quy định múi giờ chính thức của nước ta là múi giờ GMT+7 và Âm lịch Việt Nam tính theo múi giờ này (lịch âm của Trung Quốc được tính theo múi giờ GMT+8). Âm lịch Việt Nam chính thức được bắt đầu sử dụng từ năm 1968.
Khi dùng lịch âm riêng, Tết Nguyên đán tại Việt Nam và Trung Quốc không phải lúc nào cũng trùng khớp. Đơn cử như năm 1968, Việt Nam ăn Tết Nguyên đán trước Trung Quốc 1 ngày vì năm đó tháng Chạp của lịch Việt Nam chỉ có ngày 29 ngày, ít hơn một ngày so với nước bạn.
Năm 1979, Phòng Vật lý khí quyển và Thiên văn cùng bộ phận tính lịch chuyển về Viện Khoa học Việt Nam, và tiếp tục tính toán những năm âm lịch sau.
Vậy chúng ta có thể kết luận rằng, Việt Nam chính thức sử dụng Dương lịch và có Tết Dương lịch từ ngày 1/1/1946 và chính thức sử dụng Âm lịch riêng và có Tết Nguyên đán vào năm 1968.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-viet-nam-su-dung-duong-lich-tu-bao-gio-ar912623.html