Người trẻ yêu đàn đá

Đàn đá là một trong những nhạc cụ thuộc bộ gõ, xuất hiện từ xa xưa và có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của một số dân tộc ở nước ta cách đây hàng ngàn năm. Và trong thời đại 4.0 hiện nay, nhạc cụ này đã được công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm. Họ đã làm mới nhạc cụ này với rất nhiều hình thức khác nhau. Tất cả đã thổi một làn gió mới để tiếng đàn đá vang xa, vang mãi…

“Phải lòng” đàn đá

Đàn đá ở Bình Phước được phát hiện vào năm 1996 tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Đàn đá luôn có sức hút với người dân nơi đây. Rất nhiều phụ huynh mong muốn con em mình sẽ biết chơi nhạc cụ này. Điều này thể hiện rõ ở lớp học nhạc tại Nhà thiếu nhi huyện. Vào những ngày cuối tuần, các em thiếu nhi, cả nam và nữ được ba mẹ đưa đến đây từ sớm để học đàn. Bên cạnh đàn organ, piano, đàn đá là nhạc cụ được các em rất quan tâm. Em Nguyễn Phan Bảo Nhi ở xã Lộc Thái chia sẻ: Đàn đá học cũng dễ mà âm thanh lạ và hay. Ngoài piano, em còn đánh được đàn đá, đi biểu diễn ở trường và các hoạt động của huyện. Mỗi khi đánh xong 1 bản nhạc, được mọi người khen và khích lệ, em rất vui!

Yêu đàn đá và xây dựng được hình ảnh riêng là mong muốn mà em Nguyễn Thái Hòa ở xã Lộc Thuận đã và đang thực hiện cho riêng mình. Dù mới 12 tuổi nhưng Hòa đã làm bạn với đàn đá từ rất lâu. Với em, nhạc cụ này luôn có sức hút thần kỳ, càng chơi càng cuốn. Hòa cho biết, âm thanh của đàn đá rất đặc biệt. Vì thế, dù kết hợp với thể loại âm nhạc nào cũng tạo ra một cú “hit” rất lạ. Em có thể kết hợp đàn đá với tất cả thể loại âm nhạc, bởi em mong muốn được “làm mới” nhạc cụ này cũng như lan tỏa đến với tất cả mọi người. Đàn đá có thể ghép với nhiều thể loại nhạc, từ nhạc thiếu nhi, nhạc trẻ đến nhạc cách mạng… tất cả đều rất hay. Em mong muốn đàn đá không chỉ gắn với nhạc dân tộc, mà sẽ kết hợp và hát được với nhiều thể loại khác.

Không khí vui nhộn tại buổi đồng diễn 50 bộ đàn đá được các thầy, cô giáo và các em học sinh huyện Lộc Ninh tham gia tại Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết để chào mừng 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2025)

Không khí vui nhộn tại buổi đồng diễn 50 bộ đàn đá được các thầy, cô giáo và các em học sinh huyện Lộc Ninh tham gia tại Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết để chào mừng 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2025)

Đàn đá được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm và hiện diện ở nhiều hoạt động. Nét văn hóa này vì thế được tiếp nối, lan tỏa đến mọi người. Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lộc Ninh, nơi đây là mái nhà chung của hơn 200 học sinh với 9 thành phần dân tộc đang theo học. Với đặc thù của trường dân tộc nội trú, các em cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng vui sống trong môi trường nội trú. Từ đó, các em được thừa hưởng truyền thống văn hóa của dân tộc mình và trao truyền cho các bạn khác có cùng đam mê.

Em Lâm Thị Kim Oanh sinh ra và lớn lên ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Là người Khmer, Oanh biết chơi đàn ngũ âm, nhưng em cũng “phải lòng” và yêu thích tiếng đàn đá của người S’tiêng. Oanh cho biết: Ban đầu nhìn những phiến đá em nghĩ nó không có âm thanh gì đặc biệt, nhưng khi thử đánh thì hay vô cùng. Mỗi khi em đánh đàn, thầy cô, bạn bè khen hay. Em rất vui vì điều đó!

Gìn giữ giai điệu của đá

Âm thanh của đàn đá đặc trưng là vang xa, lúc trầm lúc bổng, tùy độ dài, ngắn của mỗi thanh đá. Nhìn thì tưởng là những phiến đá vô tri, nhưng khi kết hợp với các lời bài hát thiếu nhi, cách mạng, thậm chí là nhạc trẻ đã tạo ra một âm thanh rất riêng, rất “hồn”, rất khác cho nhạc cụ này. Anh Nguyễn Duy Thảo là giáo viên dạy âm nhạc tại Nhà thiếu nhi huyện Lộc Ninh. Những năm gần đây, các lớp dạy đàn đá dành cho thiếu nhi luôn được anh dành thời gian và hướng dẫn cụ thể. Cũng là một nghệ nhân chơi đàn đá nên anh càng hiểu vai trò của mình trong việc bảo tồn và duy trì bảo vật đàn đá. Thông qua các lớp dạy nhạc, trước là dạy để các em biết yêu âm nhạc, sau là cùng nhau thực hiện nhiều chương trình để âm thanh của đàn đá len lỏi vào cuộc sống.

Anh Nguyễn Duy Thảo hướng dẫn học sinh đánh đàn đá tại Nhà thiếu nhi huyện Lộc Ninh

Anh Nguyễn Duy Thảo hướng dẫn học sinh đánh đàn đá tại Nhà thiếu nhi huyện Lộc Ninh

“Cồng chiêng, đàn tính, hát then hay các loại hình âm nhạc khác của đồng bào dân tộc thiểu số đa phần chỉ người lớn tuổi biết và chơi, lớp trẻ gần như không có hứng thú tìm hiểu và duy trì. Vì thế, với vai trò là người đứng lớp và cũng biết chơi một số nhạc cụ dân gian, mình luôn nghiên cứu làm sao để các em yêu thích và có đam mê với các nhạc cụ này. Để dễ chơi, dễ nhớ mình tìm ra cái mới, phong cách mới để diễn tấu những bài mà các em thích. Khi các em cảm thấy thích, mình đề nghị đem “sản phẩm” đó trình diễn tại trường học hoặc các sự kiện của huyện, từ đó thu hút công chúng.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đàn đá Lộc Hòa, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND và UBMTTQVN huyện Lộc Ninh đã tích cực vận động các nguồn lực để đặt chế tác các bộ đàn đá theo phiên bản đàn đá Lộc Hòa và tổ chức biểu diễn với nhiều hoạt động phong phú. Huyện đã trao tặng 53 bộ đàn đá tại 33 trường, 16 xã, thị trấn, Nhà thiếu nhi và Trung tâm Văn hóa thông tin huyện. Gần đây nhất, buổi đồng diễn 50 bộ đàn đá tại Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết là kết quả của quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống của huyện Lộc Ninh.

Phần đông người chơi đàn đá hiện nay là những người trẻ, thậm chí rất trẻ. Nhìn cách các em sử dụng bộ gõ, phối nhạc, cách chơi đầy chất “phiêu” đã khẳng định rằng: Giữa những âm thanh sôi động của cuộc sống hiện đại, thì âm nhạc truyền thống vẫn đang được người trẻ gìn giữ và lan tỏa theo những cách làm rất riêng, rất mới. Từ đó góp phần bảo tồn nét tinh hoa văn hóa truyền thống cũng như làm phong phú thêm kho tàng nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/172478/nguoi-tre-yeu-dan-da