Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ, xung quanh cây cối phủ bóng xanh mát, khu tưởng niệm khoảng 300m2 trước đây từng là nghĩa trang, nơi an nghỉ của 14 phi công, sỹ quan Triều Tiên đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc của Việt Nam.
Những năm 1960, quân đội Triều Tiên từng cử nhiều sĩ quan, quân nhân sang Việt Nam học tập, công tác và tham gia chiến đầu bảo về Việt Nam trước sự xâm lăng của kẻ địch. 14 sỹ quan, chiến sĩ trong số đó đã hy sinh và nằm lại tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).
Năm 1968, nơi dây trở thành nghĩa trang liệt sĩ Triều Tiên. Bắt đầu từ năm 1998, ông Dậu tiếp quản, trông coi khu nghĩa trang này.
Đến năm 2002, khi các hài cốt liệt sĩ Triều Tiên được cất bốc về nước, tỉnh Bắc Giang đã tôn tạo nơi đây thành khu tưởng niệm các liệt sĩ quân đội Triều Tiên. Từ đó, chế độ dành cho việc trông nom, chăm sóc cho nghĩa trang của Nhà nước cũng không còn. Tuy nhiên, ông Dậu vẫn tận tâm chăm sóc khu tưởng niệm vì "trách nhiệm, vì tình cảm với đồng đội".
Công việc thường xuyên của ông Dậu là quét dọn khu tưởng niệm, lau từng tấm bia khắc tên các liệt sĩ. Thắp nhang tưởng nhớ các liệt sĩ Triều Tiên đã hy sinh vì Việt Nam.
Toàn bộ công việc đều do ông tự nguyện thực hiện, với nguồn kinh phí tự túc.
"Họ đã hy sinh xương máu mà không tiếc, thì mình có gì để mà phải tiếc nữa mà không trông nom, không gìn giữ nơi này”, ông Dậu nói về lý do tình nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ Triều Tiên suốt 20 năm qua.
“Là một người lính, một thương binh, tôi nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với các liệt sĩ. Đây là đồng đội của tôi, mà đã là đồng đội thì là người Triều Tiên cũng như người Việt Nam", ông Dậu nói.
14 tấm bia khắc tên, tuổi, năm hy sinh của các liệt sĩ. Người trẻ nhất sinh năm 1945, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1929.
Mặt sau khắc tên, tuổi các liệt sĩ bằng tiếng Việt.
Ngoài ông Dậu, nhiều người dân tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang cũng thường lui đến chăm lo, quét dọn khu tưởng niệm này. Trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọ, người thường xuyên phụ giúp ông Dậu chăm sóc khu tưởng niệm.
Mong muốn lớn nhất của ông Dậu lúc này với khu tưởng niệm là Nhà nước quan tâm, đầu tư nâng cấp đài tưởng niệm, để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã ngã xuống vì tổ quốc Việt Nam. Bản thân ông cho biết, ông sẽ còn làm công việc này đến lúc nào "không thể làm được nữa".