Người thầy nổi danh hiến kế giúp vua Quang Trung đại phá quân Thanh
Ông không phải nhà quân sự đích thực nhưng đã góp phần quan trọng giúp vua Quang Trung củng cố niềm tin chắc thắng, đánh tan quân Thanh xâm lược.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 mãi mãi là một trong những trang sử hào hùng của dân tộc.
Chiến công lịch sử đó có sự đóng góp không nhỏ của những nhà tri thức đương thời. Một trong số đó là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Vài nhận định ngắn ngủi nhưng chuẩn xác của ông giúp vua Quang Trung củng cố niềm tin chắc thắng, xông thẳng tới chiến trường, tiêu diệt hoàn toàn đội quân xâm lược.
Ba lần từ chối lời mời ra làm quan
Nguyễn Thiếp (1723-1804), là danh sĩ, nhà giáo nổi tiếng giai đoạn cuối thế kỳ XVIII, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sau khi đỗ thủ khoa trong kỳ thi hương ở Nghệ An, ông ra làm một số chức quan nhỏ rồi sau đó về ở ẩn, làm nghề dạy học. Cùng với Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông được môn sinh suy tôn là “phu tử”.
Không chỉ học trò, ông còn nhận được sự kính trọng rất lớn từ danh sĩ, trí thức và cả vua Quang Trung. Nguyễn Huệ đã 4 lần mời ông ra giúp nước với lời lẽ hết sức thắm thiết. Tới lần thứ tư, ông mới nhận lời.
Tranh vẽ Nguyễn Thiếp hội ngộ vua Quang Trung. Ảnh tư liệu.
Năm 1791, vua Quang Trung thành lập Viện Sùng ngay tại nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn và mời ông làm viện trưởng với nhiệm vụ biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Đây chính là thư viện đầu tiên của nước ta.
Nguyễn Thiếp đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như Tiểu học, Tứ thư, Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch… để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.
Khi bàn về quan điểm giáo dục, ông cho rằng nên lấy Tiểu học làm gốc, từ đó mở rộng dạy Tứ thư, Ngũ kinh, các bộ sử. "Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính và thiên hạ trị".
La Sơn phu tử cũng chính là người khuyên vua Quang Trung dời đô về vùng núi Dũng Quyết của thành phố Vinh, Nghệ An, ngày nay. Sau khi được vua đồng ý, Nguyễn Thiếp cùng quan trấn thủ Nghệ An bắt tay vào xây dựng kinh đô mới với tên gọi Phượng Hoàng Trung Đô. Tiếc là, cái chết đột ngột của vua Quang Trung khiến những ý tưởng của ông phải bỏ.
Hiến kế giúp vua Quang Trung đại phá quân Thanh
Cuối năm 1788, theo lời cầu khẩn của Lê Chiêu Thống, hoàng đế nhà Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang tới 290.000 quân xâm lược nước ta. Dù đánh đâu thắng đó, khi tranh thủ tuyển quân ở Nghệ An, vua Quang Trung mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tới hội kiến, bàn kế đánh giặc.
Quang Trung đại phá quân Thanh mùng 5 Tết Kỷ Dậu.
Ông đã hiến những mưu kế, giúp vua Quang Trung có cái nhìn đúng đắn về tình hình quân địch, cũng như chiến lược đại phá quân Thanh. Theo một số tài liệu lịch sử, vua Quang Trung hỏi: "Hay tin vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, phu tử nghĩ thế nào?".
Ông trả lời: "Bây giờ, trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc. Chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào. Quân lính phân vân không biết sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê".
Nguyễn Thiếp nhận định số quân của vua Quang Trung kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh lính thì thời gian không cho phép. Vậy, vua phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, "vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hảo hán cũng nhiều".
Bàn về chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp cho rằng: "Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút khó lòng mà được".
Những ý kiến của Nguyễn Thiếp đều được vua Quang Trung đánh giá cao, với khẳng định “lời tiên sinh nói rất hợp ý trẫm”. Những ý kiến nhận xét của La Sơn phu tử giúp vua Quang Trung củng cố niềm tin chắc thắng vào chiến thuật đánh thần tốc của mình.
Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung, nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp. Chỉ trong 6 ngày, quân Tây Sơn đánh tan 290.000 quân Thanh. Đúng trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự vui mừng chào đón của nhân dân.
Quang Trung đại phá quân Thanh Chiến thuật tránh nơi mạnh, đánh chỗ yếu, dương đông kích tây, bất ngờ thể hiện tài năng quân sự đỉnh cao của Quang Trung.
Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh vẫn ngỏ ý mời Nguyễn Thiếp ra giúp triều Nguyễn, nhưng ông khước từ. Ông về quê ở ẩn tại núi Thiên Nhẫn (Can Lộc, Hà Tĩnh) và mất năm 1804.
Nguyễn Thanh Điệp