Người 'thắp lửa' phong trào thi đua làm kinh tế ở Yên Thượng

BHG - Với tinh thần “Nói đi đôi với làm”, anh Nguyễn Xuân Nhất, Trưởng thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) không chỉ là điển hình làm kinh tế giỏi mà còn phát huy vai trò của người cán bộ thôn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế để xây dựng đời sống no ấm, văn minh.

Anh Nguyễn Xuân Nhất (phải), Trưởng thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà Lai hồ. Ảnh: MỘC LAN

Là người dám nghĩ, dám làm, anh Nhất được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Yên Thượng đã 3 năm nay. Để xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân, ngoài nhiệm vụ, trọng trách của Trưởng thôn, anh luôn trăn trở tìm cho mình hướng đi phát triển kinh tế vững chắc. Sau nhiều năm chăn nuôi nhỏ lẻ, khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định và không tích lũy được đồng vốn, anh đã mạnh dạn chuyển hướng làm kinh tế mới. Năm 2020, anh xây dựng chuồng trại khép kín, áp dụng hệ thống cho ăn, uống nước tự động để nuôi gà Lai hồ quy mô lên đến 4.000 con và gần 100 con lợn.

Cùng thời điểm trên, anh thành lập HTX Nông nghiệp Gia Phát, gồm 7 thành viên cùng sở thích chăn nuôi gà. Nhờ vậy, từ con giống cho đến đầu ra sản phẩm đều mang tính liên kết, không phải qua khâu trung gian nên giảm chi phí chăn nuôi. Năm nay, đứng trước khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, anh vẫn duy trì đàn và tiêu thụ gà, lợn ổn định. Anh Nhất cho biết: “Tầm 10 ngày nữa tôi bán khoảng 6 tấn gà; đàn kế tiếp còn 1.500 con; giá bán đạt 55.000 - 60.000 đồng/kg. Đối với đàn lợn, chủ yếu tôi nuôi lợn nái để chủ động con giống và cung cấp giống cho thị trường. Chăn nuôi với số lượng lớn, tôi luôn quan tâm, chú trọng tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm theo quy trình, dùng chế phẩm sinh học để vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát”.

Thôn Yên Thượng có 170 hộ, 700 khẩu, chủ yếu là người gốc Nam Định lên khai hoang, lập nghiệp trên vùng kinh tế mới từ những năm 1960. Từ xưa đến nay, bà con trong vùng luôn chăm chỉ, gắn bó trên ruộng đồng, hầu như chưa bao giờ để đất trống. Vì thế, anh Nhất tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 3 năm trở lại đây, đa số các hộ dân chuyển từ cấy lúa nước sang trồng rau, dưa quanh năm. Thực tế cho thấy, các loại cây hoa màu ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao gấp đôi so với cây lúa. Một số nơi trồng dưa Chuột bao tử, đang bắt đầu có sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Vĩ Thượng, Yên Thượng là thôn tiên phong, có nhiều đổi mới trong trào làm kinh tế, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên hơn 40 triệu đồng, thôn chỉ còn 5 hộ cận nghèo và 4 hộ nghèo. Sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và cách tiếp cận làm nông nghiệp hiện đại của người dân có đóng góp không nhỏ của Trưởng thôn Nguyễn Xuân Nhất. Qua đây, cấp ủy, chính quyền xã tin tưởng anh Nhất sẽ luôn cố gắng hết mình để phát huy vai trò “đầu tàu” gương mẫu, thực sự là nòng cốt nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua trong nhân dân.

MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202107/nguoi-thap-lua-phong-trao-thi-dua-lam-kinh-te-o-yen-thuong-779364/