Người phi công với hơn 16.000 giờ bay an toàn
Hơn 16.000 giờ bay an toàn trong suốt gần 40 năm công tác là con số ấn tượng của Đại tá Vũ Văn Khánh, Phi công trưởng Đội bay 2, Công ty Trực thăng miền Nam (VNHS), Binh đoàn 18 (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam). Đáng quý khi tuổi đã xấp xỉ lục tuần, người phi công này vẫn là một trong những cánh bay chủ lực của VNHS.
Chiều muộn, chiếc trực thăng EC-225 bay về từ hướng biển rồi hạ cánh xuống Sân bay Vũng Tàu. Bước ra khỏi buồng lái, Đại tá Vũ Văn Khánh nở nụ cười tươi, vẫy tay chào mọi người trong tiếng động cơ giòn tan. Phía sân bay, nhiều đồng đội vỗ tay chúc mừng anh Khánh vừa hoàn thành nhiệm vụ từ Sân bay Tân Sơn Nhất trở về.
Đến với nghề bay rất tình cờ, khi 19 tuổi (năm 1978), chàng trai trẻ Vũ Văn Khánh trở thành học viên lái máy bay trực thăng của Trường Sĩ quan Không quân. Những năm tháng huấn luyện đã tôi luyện anh trở thành phi công lái Mi-8, rồi Mi-17 (của Trung đoàn Không quân Trực thăng 916), rồi trở thành phi công bay chuyên cơ (phi công cấp 1).
Đại tá Vũ Văn Khánh bên chiếc EC225 vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Năm 1988, Vũ Văn Khánh được điều động thực hiện nhiệm vụ bay dịch vụ dầu khí tại Công ty Dịch vụ trực thăng Việt Nam (nay là Công ty Trực thăng miền Nam-VNHS). Công việc của anh là chở người và hàng hóa, làm cầu nối giữa căn cứ trên bờ với các giàn khoan, tàu chứa dầu và các công trình ngoài khơi xa. Khách hàng lúc ấy chủ yếu là Vietsovpetro, việc vận chuyển được thực hiện bằng các máy bay Mi do Nga sản xuất. Không lâu sau, khi đất nước mở cửa, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đến Việt Nam tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trên biển. Họ sử dụng hệ máy bay sản xuất tại châu Âu, với yêu cầu tiêu chuẩn an toàn phục vụ rất cao. Vì vậy, một số hãng trực thăng lớn trên thế giới, như: Helicopter Service HS của Na Uy, Bristow của Anh, Heli Union của Pháp đưa máy bay sang Việt Nam phục vụ.
Không thể để thị trường bay dịch vụ yếu thế trên “sân nhà”, VNHS tổ chức học tập tiếng Anh, mua máy bay mới, huấn luyện cho đội ngũ phi công, thợ máy và đội ngũ chỉ huy, nhân viên phục vụ mặt đất. “Đầu tiên phải vượt qua rào cản ngôn ngữ mới có chìa khóa để đi vào kiến thức. Khi đó, chúng tôi đều đã qua cái tuổi để bắt đầu "abc", vậy mà phải cặm cụi hơn 3 năm học tiếng Anh. Vất vả lắm, nhưng ai cũng cố gắng để thành công”, anh Khánh chia sẻ.
Và rồi nỗ lực vượt khó của Vũ Văn Khánh cũng được đền đáp bằng khóa huấn luyện chuyên ngành hàng không dân dụng tại Học viện Hàng không Việt Nam với chứng chỉ loại giỏi. Sau đó, anh được cử đi huấn luyện tại Pháp. Giai đoạn đầu tham gia bay cùng đội ngũ phi công nước ngoài, anh vừa làm vừa tiếp thu kinh nghiệm của bạn, đồng thời hoàn thiện phương thức hoạt động tiêu chuẩn. Cùng với sự phát triển chung, VNHS được trang bị các loại máy bay mới là Super Puma L2, EC155, EC225, AW189. Từ đây, đội ngũ phi công của công ty từng bước trưởng thành. Đóng góp vào thành tích chung đó, Vũ Văn Khánh với vai trò là giáo viên bay trên các loại máy bay: Puma SA 330J, Super Puma L2, EC155, EC225... đã đào tạo nhiều thế hệ phi công cho công ty và toàn tổng công ty.
Đại tá Nguyễn Xuân Bội, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc VNHS, nhận xét: "Là một cán bộ, phi công, giáo viên bay giàu kinh nghiệm đã có hơn 16.000 giờ bay an toàn, đồng chí Khánh luôn được lãnh đạo công ty tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Không chỉ vậy, đồng chí Khánh còn là hạt nhân đoàn kết, gắn bó đồng chí, đồng đội, tích cực hướng dẫn và giúp đỡ nhiều phi công trẻ phát triển, trưởng thành.
Dù trải qua nhiều cương vị công tác, như: Trưởng Trung tâm huấn luyện, Trưởng phòng Tham mưu kế hoạch của VNHS; Phó trưởng phòng Huấn luyện của Binh đoàn 18... nhưng công việc yêu thích nhất của Đại tá Vũ Văn Khánh vẫn là được cùng đồng đội bay trên bầu trời Tổ quốc, bởi ở đó, anh được trải nghiệm niềm đam mê công tác và hiện thực hóa khát vọng cống hiến của chính mình.
Bài và ảnh: THU HÀ