Người nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn lao đao trong 'cơn bão' dịch Covid-19

Năm 2020 người nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn lại lâm vào cảnh khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Người dân Vân Đồn thu hoạch nhuyễn thể cầm chừng vì không có đầu ra.

Khó khăn chồng chất

Những ngày này, Cảng Cái Rồng, một trong những điểm thu mua, trung chuyển toàn bộ nhuyễn thể (ngao hai cùi, hàu, tù hài…) của người dân Vân Đồn đi các nơi tiêu thụ khá vắng lặng. Trước đây, gần như cả ngày, khu vực này tấp nập cảnh người bán, mua với cả trăm chiếc xe đông lạnh, xe thồ lần lượt vào nhận hàng chở đi khắp nơi tiêu thụ thì nay thưa thớt bóng xe, bóng người thu mua. Anh Vũ Ngọc Tiêu, một trong những người nuôi nhuyễn thể, đồng thời là đầu mối tiêu thụ tại thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn), tâm sự: "Buồn lắm, trước khi chưa có dịch Covid-19, người dân ai cũng vui mừng phấn khởi vì mấy năm nay không có bão gió, nhuyễn thể được mùa. Nay đùng một cái, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nguồn tiêu thụ lớn nhuyễn thể của người dân. Lo phòng, chống dịch bệnh là một chuyện, đằng này còn lo việc cả một đống tiền đổ xuống biển mà không thể nào cứu vớt được, trong khi hàng tháng vẫn cứ phải chạy đôn, chạy đáo để lo tiền trả lãi ngân hàng...".

Số lượng thu mua nhuyễn thể tại cảng Cái Rồng hiện chỉ chiếm từ 20-30 tấn/ngày.

Không chỉ anh Tiêu, mà gần như toàn bộ số hộ nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn đều có chung nỗi lo. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.000 hộ nuôi nhuyễn thể, với diện tích lên đến chục ngàn ha. Hộ nuôi nhiều có đến hơn 20.000 lồng ngao, 450 dây hàu; nuôi ít cũng từ 500-1.000 lồng ngao, 20 dây hàu, với sản lượng đến kỳ thu hoạch ngao hai cùi khoảng 10.000 tấn, hàu từ 15.000-20.000 tấn, thậm chí sang tháng 5 sẽ lên đến 30.000-40.000 tấn hàu vì vào chính vụ. Nếu như không bán được, số ngao, hàu này sẽ chết dần dưới biển.

Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Chu kỳ sinh trưởng, phát triển của nhuyễn thể chỉ kéo dài từ 15-16 tháng. Sau thời gian trên sẽ chết dần. Hiện có rất nhiều hộ nuôi đã quá thời gian, khi kiểm tra lồng có 1/3 số con đã chết, gây tổn thất lớn kinh tế cho gia đình.

Số lượng ngao chết được người nuôi tại Vân Đồn chọn lọc, loại ra ngoài.

Nếu như trước đây, giá ngao của người dân bán ra trung bình từ 50.000-60.000 đồng/kg, hàu từ 15.000-20.000 đồng/kg, thì hiện nay giá bán của ngao chỉ còn 20.000 đồng/kg, hàu loại to 12.000 đồng/kg, thậm chí không có người thu mua. Tại khu vực Cảng Cái Rồng, trước đây mỗi ngày thương lái thu mua 100 tấn hàu, trên 70 tấn ngao, thì nay chỉ còn 30 tấn hàu, từ 5-6 tấn ngao. Với giá bán như hiện nay, mỗi hộ gia đình bị thua lỗ đến hơn nửa số vốn bỏ ra cho một lồng nuôi ngao và một dây nuôi hàu.

Qua tìm hiểu được biết, đa số hộ nuôi nhuyễn thể trên địa bàn Vân Đồn những năm gần đây đều phải thế chấp tài sản tại ngân hàng để có vốn nuôi nhuyễn thể. Anh Nguyễn Văn Thành (khu 7, thị trấn Cái Rồng), tâm sự: "Để có tiền đầu tư nuôi nhuyễn thể, gia đình tôi đã phải thế chấp vay ngân hàng trên 2 tỷ đồng. Với 20.000 lồng nuôi ngao và vài ha nuôi hàu đang trong kỳ thu hoạch, nếu vào năm trước, tôi chẳng phải lo lắng gì, nhưng nay nhuyễn thể không bán được, gia đình tôi đang lao đao vì trả lãi ngân hàng và trả lương công nhân lao động...".

Cần sớm có giải pháp hỗ trợ

Huyện Vân Đồn xác định, nghề nuôi nhuyễn thể là một trong lĩnh vực chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Thực tế, từ nghề nuôi này, trung bình mỗi ngày giải quyết việc làm ổn định cho từ 1.500-2.000 lao động tại địa phương và vùng lân cận, với mức thu nhập 300.000 đồng/người/ngày; các hộ nuôi có số lượng lớn ngao, hàu, trừ chi phí cũng lãi từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm, nuôi ít cũng lãi từ 200-300 triệu đồng/năm.

Công ty Than Quanh Hanh hỗ trợ tiêu thụ 1,8 tấn nhuyễn thể cho người dân Vân Đồn trong tháng 3/2020. Ảnh: Phạm Tăng

Trước những khó khăn của người dân nuôi nhuyễn thể, huyện Vân Đồn đã báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đề xuất giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nhuyễn thể cho người dân Vân Đồn trong thời kỳ dịch Covid-19. Rất nhiều cuộc họp đã được UBND tỉnh triển khai, chỉ đạo các sở, ngành chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân Quảng Ninh nói chung, nhuyễn thể của Vân Đồn nói riêng.

Mặc dù đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ thu mua, tiêu thụ giúp người dân Vân Đồn, nhưng số lượng hàng ngày không đáng kể. Nếu như trước đây, người dân tiêu thụ đến 200 tấn nhuyễn thể/ngày, nay có khoảng 20-30 tấn được tiêu thụ trong ngày, với giá bán chỉ bằng một nửa so với trước. Như vậy không đảm bảo tiêu thụ hết số lượng nhuyễn thể đang trong kỳ thu hoạch.

Từ những khó khăn trên, rất nhiều hộ dân nuôi nhuyễn thể mong, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương có sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân không chỉ bằng việc thu mua trong thời điểm hiện tại, mà sớm có chính sách giảm lãi suất tiền vay, giãn nợ, giảm thuế để mở lối thoát cho người dân có thêm thời gian, chờ dịch bệnh kết thúc để tiêu thụ sản phẩm.

Về lâu dài, hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ; kết nối sản xuất thủy sản theo chuỗi “nuôi trồng - chế biến - tiêu thụ”, hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ để chế biến sâu, xuất khẩu nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm để người dân an tâm lao động, sản xuất.

Có trên 1.000 hộ dân nuôi nhuyễn thể tại vùng biển Vân Đồn.

Bởi ở thời điểm hiện tại, toàn bộ hộ dân nuôi nhuyễn thể tại huyện Vân Đồn đều là tự phát, thậm chí nuôi trồng ngoài phạm vi quy hoạch, không theo một quy trình khép kín và không có sự bảo hộ của đơn vị có chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời cũng rất ít có sự liên doanh, liên kết trong nuôi trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần có đánh giá một cách tổng thể về định hướng phát triển nghề nuôi nhuyễn thể, từ đó thực hiện tốt hơn công tác quản lý diện tích nuôi, tránh tình trạng người dân nuôi ồ ạt với diện tích lớn, dẫn đến cung vượt quá cầu.

Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 như hiện tại, nhiều khả năng giá trị, sản lượng nhuyễn thể của người dân Vân Đồn vẫn tiếp tục bị đình trệ, thậm chí mất trắng vì nhuyễn thể sẽ chết dần do hết chu kỳ phát triển và bước vào mùa nắng nóng.

Hiếu Dân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/nguoi-nuoi-nhuyen-the-o-van-don-lao-dao-trong-con-bao-dich-covid-19-2475771/