Người nổi tiếng nên tỉnh táo và cân nhắc khi phát ngôn trên mạng xã hội
Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những phát ngôn lệch chuẩn, lỡ lời của người nổi tiếng có thể phải trả giá bằng cả sự nghiệp, niềm tin mà khán giả đã dành trọn trong suốt nhiều năm.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn khẳng định, người nổi tiếng tỉnh táo và cân nhắc trong phát ngôn, nhất là khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội. (Ảnh: NVCC)
Trách nhiệm người nổi tiếng
Nhều ý kiến cho rằng người nổi tiếng, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông và nghệ thuật, không chỉ đại diện cho hình ảnh cá nhân mà còn phần nào phản ánh các giá trị và thái độ trong xã hội. Ông nghĩ như thế nào về nhận định này?
Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định đó. Là người công chúng, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông và nghệ thuật, những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của xã hội thì mỗi cá nhân không chỉ đơn thuần đại diện cho hình ảnh bản thân, mà còn là tấm gương phản chiếu một phần các giá trị văn hóa, thái độ sống và tinh thần của cộng đồng thời đại mình đang sống.
Trong bối cảnh ngày nay, khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và độ lan tỏa của lời nói vượt xa phạm vi cá nhân, thì người nổi tiếng có ảnh hưởng không chỉ ở mức cá nhân, mà còn trở thành “người kiến tạo dư luận”, “người dẫn dắt tâm thế xã hội”. Họ hiện diện trong từng câu chuyện hàng ngày của công chúng, định hình thị hiếu, tạo dựng các xu hướng, thậm chí có thể khơi dậy niềm tự hào dân tộc hay gieo rắc những hoài nghi xã hội tất cả chỉ từ một phát ngôn.
Vì vậy, trách nhiệm của người nổi tiếng không dừng lại ở chuyên môn nghệ thuật hay khả năng biểu đạt, mà còn là trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trong cách ứng xử với lịch sử, với các giá trị văn hóa và các vấn đề có tính biểu tượng đối với cộng đồng. Trong những thời điểm thiêng liêng như kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một dấu mốc chói sáng trong hành trình gìn giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc thì mọi phát ngôn, hành vi cần phải được cân nhắc với tất cả sự trân trọng và hiểu biết.
Khi người của công chúng ý thức được rằng mình không chỉ là người nổi bật, mà còn là người đại diện cho một phần tinh thần xã hội, thì họ sẽ hành xử cẩn trọng hơn, sâu sắc hơn. Khi đó, chúng ta không chỉ có những nghệ sĩ tài năng, mà còn có những người truyền cảm hứng tích cực, người lan tỏa những giá trị nhân văn và lòng yêu nước, điều mà xã hội Việt Nam rất cần trong tiến trình phát triển và hội nhập hiện nay.
Trong bối cảnh thời đại số, khi một phát ngôn thiếu cân nhắc có thể lan truyền rất nhanh và gây ra những hậu quả khó lường, theo ông, người nổi tiếng cần có trách nhiệm như thế nào trong từng lời nói của mình?
Trong thời đại số, khi mỗi phát ngôn có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt và vượt qua mọi giới hạn không gian, thì trách nhiệm của người nổi tiếng đối với từng lời nói của mình chưa bao giờ lớn đến thế. Chỉ một dòng trạng thái, một câu nói thiếu cân nhắc cũng có thể chạm đến hàng triệu người, gây hiểu nhầm, tổn thương, thậm chí làm lung lay những giá trị tinh thần mà xã hội đang gìn giữ.
Người nổi tiếng, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, truyền thông không còn đơn thuần là người trình diễn hay truyền tải nội dung, mà họ là người mang tiếng nói ảnh hưởng, người góp phần hình thành nhận thức và thái độ của công chúng, nhất là giới trẻ. Do đó, họ cần phải hiểu rằng mỗi lời mình nói ra không chỉ phản ánh quan điểm cá nhân, mà còn có thể tác động đến nhận thức tập thể, đến bầu không khí văn hóa, xã hội chung.
Điều quan trọng nhất chính là trách nhiệm đạo đức trong phát ngôn. Trách nhiệm ấy đòi hỏi sự tỉnh táo, hiểu biết và lòng tôn trọng - tôn trọng sự thật, tôn trọng cộng đồng, tôn trọng lịch sử và các giá trị thiêng liêng của dân tộc. Đặc biệt, trong những thời khắc mang tính biểu tượng như các ngày lễ lớn, sự kiện kỷ niệm quốc gia, những lúc mà cả dân tộc cùng hướng về một ký ức chung thì mỗi lời nói không nên là cái tôi bốc đồng, mà cần là sự sẻ chia, đồng cảm và ý thức công dân.
Người nổi tiếng cũng là con người, cũng có những lúc mệt mỏi, cảm xúc cá nhân, nhưng càng nổi tiếng thì càng cần rèn luyện sự điềm tĩnh và kiểm soát trong giao tiếp. Trong thời đại mà "mạng xã hội không quên" và công chúng ngày càng khắt khe hơn với những phát ngôn lệch chuẩn, thì một lời nói vô ý có thể phải trả giá bằng cả sự nghiệp, bằng niềm tin mà khán giả đã dành trọn trong suốt nhiều năm.
Bởi vậy, trước khi phát ngôn, hãy dừng lại một chút để suy nghĩ, không chỉ xem mình muốn nói gì, mà còn xem xã hội sẽ nghe như thế nào. Nếu có thể, hãy dùng tiếng nói của mình để lan tỏa điều tích cực, để xây dựng niềm tin, chứ không phải làm tổn thương những gì thiêng liêng và cao quý. Đó không chỉ là bổn phận, mà là sứ mệnh của người có ảnh hưởng trong kỷ nguyên số.

Chỉ một dòng trạng thái, một câu nói thiếu cân nhắc cũng có thể chạm đến hàng triệu người, gây hiểu nhầm, tổn thương. (Nguồn: Internet)
Tỉnh táo trong phát ngôn trong môi trường số
Theo ông, người nổi tiếng cần trang bị những yếu tố gì để có sự tỉnh táo và cân nhắc trong phát ngôn, đặc biệt là khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội?
Để có được sự tỉnh táo và cân nhắc trong phát ngôn, nhất là khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, người nổi tiếng cần trang bị cho mình không chỉ kỹ năng giao tiếp, mà còn là nền tảng tri thức, đạo đức nghề nghiệp và một tinh thần trách nhiệm sâu sắc với cộng đồng.
Trước hết, yếu tố quan trọng hàng đầu là kiến thức và nhận thức xã hội, đặc biệt là hiểu biết về lịch sử, văn hóa, chính trị và những vấn đề nhạy cảm trong đời sống cộng đồng. Sự thiếu hụt về nền tảng này rất dễ dẫn đến những phát ngôn hời hợt, cảm tính hoặc lệch chuẩn, không phải vì cố tình gây tranh cãi, mà đơn giản là vì không lường hết được hậu quả. Người của công chúng không thể đứng ngoài các dòng chảy lớn của xã hội, lại càng không thể tách rời khỏi các giá trị truyền thống dân tộc, nếu muốn được công chúng tin yêu lâu dài.
Thứ hai, người nổi tiếng cần có kỹ năng làm chủ cảm xúc và kiểm soát phát ngôn trong môi trường số, nơi ranh giới giữa cá nhân và công cộng gần như không còn. Mỗi phát ngôn trên mạng xã hội, dù xuất phát từ một cảm xúc rất thật cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng: nó phù hợp trong bối cảnh nào, có thể bị hiểu sai ra sao, có làm tổn thương người khác không? Sự bốc đồng có thể tạo hiệu ứng nhất thời, nhưng hậu quả thì luôn là dài hạn.
Thứ ba là đạo đức nghề nghiệp và tinh thần công dân. Người nổi tiếng không thể tách mình khỏi những chuẩn mực ứng xử của cộng đồng. Họ cần ý thức rõ rằng, danh tiếng không chỉ là hào quang, mà còn là một cam kết xã hội. Mỗi lời nói phải phản ánh sự tôn trọng công chúng, tôn trọng giá trị văn hóa và thể hiện rõ thái độ có trách nhiệm với ảnh hưởng của chính mình.
Ngoài ra, việc tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về văn hóa công dân, lịch sử dân tộc, kỹ năng truyền thông số… cũng là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng trở thành “kênh chính” để người nổi tiếng tương tác với khán giả. Không ai sinh ra đã hoàn hảo, nhưng hoàn toàn có thể học để trưởng thành hơn, sâu sắc hơn và lan tỏa giá trị tích cực một cách có trách nhiệm.
Như vậy, muốn phát ngôn tỉnh táo, phải bắt đầu từ nhận thức đúng, lòng tôn trọng thật, tinh thần trách nhiệm cao. Khi người nổi tiếng biết tự soi mình, biết lựa chọn thời điểm, cách nói và thái độ phù hợp trong từng vấn đề, họ sẽ không chỉ là nghệ sĩ, là KOL, là người dẫn chương trình mà thực sự trở thành những người truyền cảm hứng, những người gìn giữ và tiếp nối những giá trị tốt đẹp của xã hội.
Kết hợp "pháp luật cứng" và "văn hóa mềm"
Vậy các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống luật pháp hiện hành có vai trò như thế nào trong việc điều chỉnh và định hướng phát ngôn của người nổi tiếng trên không gian mạng? Cần có những điều chỉnh gì để tăng cường trách nhiệm của họ?
Các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống luật pháp hiện hành đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh, định hướng và nâng cao trách nhiệm phát ngôn của người nổi tiếng trên không gian mạng, đặc biệt trong bối cảnh môi trường truyền thông số ngày càng phát triển mạnh mẽ, phức tạp và có sức lan tỏa sâu rộng như hiện nay.
Trước hết, hệ thống pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò như “hàng rào đạo đức và pháp lý” để bảo vệ chuẩn mực xã hội, bảo vệ lợi ích công cộng, đồng thời tạo ra khuôn khổ rõ ràng để những người có ảnh hưởng thực hiện quyền tự do biểu đạt một cách có trách nhiệm. Trong môi trường số, nơi mà chỉ một phát ngôn thiếu kiểm soát cũng có thể gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị… thì việc thiết lập các giới hạn pháp lý là điều cần thiết để ngăn ngừa các hành vi lệch chuẩn, phản cảm hoặc xuyên tạc.
Hiện nay, chúng ta đã có những hành lang pháp lý như Luật An ninh mạng, Nghị định về quản lý thông tin trên mạng xã hội, các quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của người nổi tiếng, việc bổ sung, cập nhật và hoàn thiện các quy định là rất cần thiết.
Tôi cho rằng, chúng ta cần triển khai tốt hơn nữa bộ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp dành riêng cho người của công chúng bao gồm nghệ sĩ, MC, người mẫu, KOL, Influencer… đặc biệt là với các điều khoản cụ thể về phát ngôn trên mạng xã hội, ứng xử trước các vấn đề lịch sử, văn hóa, chính trị nhạy cảm.
Các đơn vị quản lý văn hóa, truyền thông như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội nghề nghiệp cần phối hợp để giám sát, nhắc nhở và nếu cần thiết, có biện pháp xử lý phù hợp với mức độ vi phạm từ cảnh báo, tạm ngưng hoạt động đến việc xem xét hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông. Đồng thời, các quy định pháp luật nên lồng ghép yếu tố giáo dục và định hướng, không chỉ xử phạt mà còn tạo cơ hội để người vi phạm sửa sai, học hỏi và hoàn thiện nhận thức, đặc biệt là những người trẻ, còn thiếu kinh nghiệm ứng xử xã hội.
Bên cạnh đó, vai trò của các nền tảng mạng xã hội cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc, khi họ chính là nơi phát ngôn được lan truyền. Các nền tảng cần có cơ chế phản hồi nhanh, lọc nội dung vi phạm và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý những trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng.
Thêm vào đó, không thể chỉ trông chờ vào luật pháp, mà cần có sự kết hợp giữa “pháp luật cứng” và “văn hóa mềm”. Tức là, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức công dân, ý thức trách nhiệm xã hội trong các ngành nghề nghệ thuật và truyền thông. Chỉ khi người nổi tiếng nhận thức rõ vai trò của mình, xã hội có những thiết chế giám sát hiệu quả, thì không gian mạng mới thật sự là nơi lan tỏa điều tử tế, thay vì trở thành nơi vô tình gây tổn thương cho những giá trị thiêng liêng của đất nước.
Tôi tin rằng, với quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của các cơ quan quản lý, các đơn vị truyền thông và chính người làm nghề, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một môi trường phát ngôn có trách nhiệm, văn minh, góp phần gìn giữ nền tảng đạo đức và văn hóa Việt trong kỷ nguyên số.