Người nổi tiếng càng nên phát ngôn cẩn trọng

Bất cứ ai phát ngôn gây sốc, sử dụng mạng xã hội để đả kích, chửi bới, gây hoang mang đều bị xử lý nghiêm

Ngày 26-2, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, cho biết đang lắng nghe, ghi nhận ý kiến của tăng, ni, Phật tử các nơi về phát ngôn của tiến sĩ Đoàn Hương. Thượng tọa Thích Tâm Hải nói sau khi lắng nghe, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM sẽ gửi các kiến nghị đến các cơ quan chức năng xem xét theo thẩm quyền.

Tạo dư luận trái chiều

Trước đó, trong một chương trình talkshow, TS Đoàn Hương nhận xét một số nhà sư "làm tiền", "sống xa hoa khiến đi tu trở thành một nghề", đền chùa "mài dao cả năm để chờ chặt chém du khách"... Ngay sau khi chương trình được phát trên YouTube, nhiều nhà sư đã lên tiếng và cho rằng phát ngôn của TS Đoàn Hương đang đi quá xa.

Cũng mới đây, hoa khôi ĐBSCL năm 2015 Nam Em "chiếm sóng mạng xã hội" với những buổi livestream về góc khuất trong showbiz. Người đẹp cho biết có nam nghệ sĩ dù công khai cầu hôn người khác nhưng vẫn qua lại với cô. Từ ám chỉ này, cư dân mạng "đoán già đoán non" và liên tục nhắc tên nghệ sĩ T.G. khiến cuộc sống, công việc của anh bị ảnh hưởng.

Công an làm việc với một thanh niên ở quận 10 vì chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook

Công an làm việc với một thanh niên ở quận 10 vì chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook

Ngoài ra, trong buổi livestream khác, Nam Em kể có nghệ sĩ được gọi là "ngọc nữ" nhưng sử dụng chất kích thích… Dù không chỉ đích danh, không nêu tên cụ thể nhưng việc Nam Em nói về những vấn đề trong giới nghệ sĩ khiến cộng đồng mạng xôn xao. Sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM cho biết đang củng cố hồ sơ, khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Một trường hợp khác, tháng 7-2023, thời điểm sau đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam, hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi liên tục có lời nói gây sốc khiến nhiều người đòi tước vương miện. Cư dân mạng cho rằng cô hời hợt, thiếu suy nghĩ. Hay Võ Quốc, một đầu bếp nổi tiếng nhưng liên tục có lời lẽ khiếm nhã. Đầu tháng 10-2023, Sở TT-TT TP HCM đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng với người này do đăng nội dung tục tĩu, xúc phạm nhà báo và nghề báo.

Không thiếu căn cứ xử lý

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, đánh giá mạng xã hội là nơi kết nối người dùng khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh điều bổ ích về công nghệ, văn hóa, tình người thì thông tin giật gân, gây sốc, tin giả, sai sự thật cũng tràn lan. Luật Công nghệ Thông tin 2006 và Luật Viễn thông năm 2009 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có những hành vi phi chuẩn mực trên.

Tại điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 cũng quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng. Tùy vào tính chất, mức độ và hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi tố hình sự.

Điều 99 của Nghị định 15/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng nếu đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Cũng nghị định này, điều 101 nêu rõ người chia sẻ thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, cổ xúy mê tín, nội dung đồi trụy, miêu tả tỉ mỉ các vụ tai nạn, rùng rợn, chia sẻ thông tin gây hoang mang... có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, tùy vào tính chất và trường hợp cụ thể, người vi phạm còn có thể bị xử lý về các tội "Làm nhục người khác", "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông", "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho biết cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thu hút người theo dõi, thu hút dư luận bằng hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, người sử dụng mạng xã hội đưa lên những thông tin tích cực, nhân văn thì môi trường internet sẽ nhận được năng lượng tích cực, còn không thì ngược lại. "Đừng ai nghĩ không gian mạng là ảo vì hậu quả luôn thật. Mỗi người phải ứng xử đúng quy định pháp luật" - ông Nguyễn Ngọc Hồi nói.

Hãy là người thông minh

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nhận xét vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, Đặng Thị Hàn Ni, luật sư Trần Văn Sỹ là ví dụ rõ ràng nhất về hậu quả những phát ngôn trên mạng xã hội.

Ông nhấn mạnh mạng xã hội là nơi để chia sẻ, tiếp nhận thông tin, kết nối và giao lưu, học hỏi. Nếu người dùng sử dụng mạng xã hội như công cụ để đả kích, chửi bới, xúc phạm, mạt sát nhau thì có thể bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. "Do vậy, hãy là một người sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn" - luật sư nêu ý kiến.

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-noi-tieng-cang-nen-phat-ngon-can-trong-196240226205403384.htm