Người nặng lòng với nhạc xưa!

Người đam mê nhạc xưa không phải ít, nhưng mê đến độ 'ăn ngủ cùng nhạc xưa' như anh Phương Chánh Hùng (số 9 Cổ Loa, TP. Nha Trang) quả là xưa nay hiếm.

Từ duyên nhạc xưa đến… bộ sưu tập đồ sộ

Sáng sớm, anh Phương Chánh Hùng thức dậy pha ấm trà, với tay bật chiếc đầu máy Studer A812. Từ đầu máy cũ, những ca khúc quen thuộc trong băng nhạc Sơn Ca 7 - Tiếng hát Khánh Ly và Ca khúc Trịnh Công Sơn vang lên như mời gọi về một thời đã xa. Trong tiết lạnh cuối đông, những âm thanh mộc mạc tưởng chừng xưa cũ ấy có sức mê hoặc đến lạ kỳ với những người có tính hoài cổ. “Ngày xưa, ba má tôi có mở tiệm chè rất lớn ở cạnh rạp Tân Tiến, TP. Nha Trang. Khi ấy, trong tiệm có 2 dàn máy Teac mở nhạc phục vụ khách. Tôi thường giúp ba má chọn nhạc, đặc biệt là những ca khúc tiền chiến, trữ tình... nên yêu nhạc, mê nhạc xưa từ lúc nào không hay”, anh Hùng khởi chuyện.

Anh Hùng bên chiếc máy nghe nhạc Studer.

Dòng đời đưa đẩy, lớn lên, anh Hùng theo anh trai buôn bán đồ điện tử. Dân buôn đồ này phải có tai thẩm âm để thử máy, loa nên riết càng sành nghe nhạc. Khoảng những năm cuối thập niên 90, nhiều người bắt đầu vứt bỏ những máy nghe băng cối, anh thấy tiếc nên chú ý sưu tầm đầu máy, băng với mong muốn giữ lại những thanh âm xưa cũ của một thời. “Những ngày đó, cứ nghe bạn bè mách ở đâu có đầu máy, băng cối, tôi lại lần tìm đến hỏi mua. Dấu chân tôi in khắp các vùng trong và ngoài tỉnh. Thời cao điểm những năm 2003 - 2004, tôi có hơn 200 đầu máy và khoảng 6.000 băng cối. Sau này, tôi bán bớt, chọn lọc giữ lại những băng có giá trị”, anh Hùng kể.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ là lần anh đến nhà một thầy giáo già ở đường Hát Giang, TP. Nha Trang để mua chiếc đầu máy hiệu Sony. Anh thuyết phục đủ cách nhưng ông giáo vẫn kiên quyết không bán vì đó là vật kỷ niệm. Hiểu được tình ý của chủ nhân, anh từ bỏ ý định. “Bất ngờ, khoảng 10 năm sau, ông cụ tìm đến tiệm của tôi, nói tôi đến nhà chở chiếc đầu máy về. Cụ nói cụ không sống được bao lâu nữa nên chỗ tôi là “địa chỉ” tốt nhất để cái máy này có thể tiếp tục “sống”. Cụ còn tặng thêm cho tôi 20 - 30 cuộn băng cối, toàn những băng nhạc quý”, anh Hùng xúc động nhớ lại.

Đến nhà anh Hùng bây giờ, khách được chiêm ngưỡng hàng trăm đầu máy chạy băng cối của các hãng Akai, Teac, Aiwa, Sony, Studer, Revoх, Tandberg, Uher, Telefunken, Saha… Đặc biệt, anh còn bộ sưu tập hơn 400 băng master và băng gốc của các hãng băng đĩa: Việt Nam, Shotguns, Asia - Sóng Nhạc, Trường Sơn, Sơn Ca... sản xuất trước năm 1975 với đầy đủ giọng hát của các danh ca trước năm 1975. Ngoài ra, anh có khoảng 1.000 đĩa than thu âm các giọng ca nổi tiếng từ trước năm 1975; 1.500 tờ nhạc xưa được anh sưu tập từ hơn 30 năm qua. Bộ sưu tập ấy cũng đang được bồi đắp thêm, bởi anh đang muốn sẽ thành lập bảo tàng nhạc xưa.

Theo anh Hùng, người chơi nhạc xưa có thể chơi băng cối hoặc đĩa than. Tuy nhiên, giới chơi nhạc xưa vẫn thích nghe băng cối hơn bởi ngoài được nghe âm thanh analog rất chân thực, người nghe còn dõi theo vòng quay của băng rất “đã” mắt. Hiện tại, cộng đồng nghe nhạc băng cối ở Nha Trang không nhiều bởi số tiền đầu tư dàn máy (đầu máy, âm ly, loa) khá lớn. Việc kiếm băng để nghe cũng rất khó vì thời nay các hãng ghi âm không ra băng mới, tiền sao chép băng cũng không rẻ… Dẫu vậy, anh vẫn tin rằng, thú chơi băng cối sẽ còn kéo dài, bởi khi đã đam mê thứ âm thanh chân thực, đặc trưng của băng cối thì rất khó bỏ. Anh bảo, cái âm thanh trầm trầm, xưa cũ ấy đã lấy đi của anh rất nhiều thời gian, tiền bạc nhưng cũng đã “cho” anh rất nhiều.

Một số băng nhạc quý của anh Hùng.

Thâm tình với nghệ sĩ

Nhờ chơi nhạc xưa, anh Hùng có mối quan hệ rất thân tình với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như: Từ Công Phụng, Trần Quang Lộc, Giao Tiên, Đài Phương Trang, Nguyễn Vũ, Khánh Ly, Phương Dung… Mỗi lần có dịp đến Nha Trang, họ đều ghé thăm anh để tìm lại kỷ niệm cũ qua các bản nhạc xưa anh đang lưu giữ; để hàn huyên, đàm đạo về nhạc xưa. Cũng nhờ vậy, anh lưu giữ được rất nhiều bút tích của các nghệ sĩ ký lên băng, đĩa, tờ nhạc. Giao tình thân thiết đến mức anh được nhạc sĩ Từ Công Phụng ở Mỹ gửi tặng các tập nhạc đã phát hành; con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gửi tặng bản scan các bản nhạc viết tay của nhạc sĩ tài danh này. Đặc biệt, năm 2020, nhạc sĩ Mai Anh Việt đã tặng 12 ca khúc và anh đang là chủ sở hữu quyền tác giả.

Không chỉ là nhà sưu tập, anh Hùng còn rất nặng lòng với các bậc tài danh, anh em văn nghệ sĩ. Anh đã kết nối để nhiều nhạc sĩ, ca sĩ gặp nhau. Chính anh là người kết nối giới thiệu nhạc sĩ Trần Quang Lộc cho chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” để ban biên tập phỏng vấn, thu, dựng các ca khúc: Về đây nghe em, Có phải em mùa thu Hà Nội… Rồi từ đó, nhạc sĩ Nguyễn Quang tổ chức ngay đêm nhạc Trần Quang Lộc tại phòng trà Nguyễn Ánh 9 (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) để mọi người ủng hộ tinh thần, vật chất giúp đỡ nhạc sĩ chữa bệnh (đã mất tháng 6-2020). Nhiều nghệ sĩ ở hải ngoại cũng thông qua anh để giúp đỡ nhạc sĩ Giao Tiên có tiền nuôi vợ đang chạy thận…

Chia tay, anh hé lộ, sắp tới đây, con gái và cháu ngoại của nhạc sĩ Y Vân từ Mỹ trở về sẽ ghé thăm để ghi hình tư liệu. Những tơ duyên âm nhạc đang tiếp tục được kết nối, mở rộng để dư âm xưa còn mãi với thời gian.

Đầu băng cối (magnetophon) là một thiết bị phát nhạc analog, xuất hiện từ những năm 1930. Máy nghe nhạc này sử dụng băng magnetic hay còn gọi là băng cối. Tại Việt Nam, đầu băng cối của hãng Akai (Nhật Bản) phổ biến nhất nên nhiều người gọi chung các máy nghe nhạc magnetophon là đầu Akai hoặc đầu băng cối…

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202301/nguoi-nang-long-voi-nhac-xua-8274679/