Người Mỹ cũng lo sốt vó với tình trạng triều cường
Shellie Habel là nhà địa chất ven biển và nhà thủy văn học của Đại học Hawaii , đồng thời cũng là người lập mô hình lũ lụt do mực nước biển dâng ở Honolulu. Habel có bài viết nêu nỗi lo về tình trạng triều cường tại Mỹ.
Khi mọi người nghĩ về mực nước biển dâng, nhiều kịch bản được hình dung như bờ biển ngập lụt ở Florida hoặc Bangladesh, và những ngôi nhà ven biển không thể chống chọi với tình trạng xói mòn. Nhưng một số mối đe dọa đáng kể nhất đối với cộng đồng của chúng ta đang diễn ra dưới lòng đất, không được chú ý nhiều.
Đại dương tiếp xúc trực tiếp với nước ngầm ven biển. Nếu bạn đã từng xây lâu đài cát trên bãi biển hay đào một con hào chứa đầy nước ở bờ biển thì bạn đã trực tiếp trải nghiệm điều này. Khi mực nước biển dâng cao, mực nước ngầm ven biển cũng tăng theo.
Các thành phố dù là duyên hải cũng phải có mạng lưới cơ sở hạ tầng ngầm quan trọng, gồm đường ống nước, hệ thống thoát nước, cống thoát nước mưa, đường dây điện và cáp quang cũng như các công trình hỗ trợ cho hạ tầng giao thông và các tòa nhà. Khi nước ngầm ven biển dâng cao trong các đô thị, nó có thể làm ngập mạng lưới ngầm này. Thông thường, nước đó có vị mặn và tính ăn mòn cao.
Sự cố cơ sở hạ tầng do nước ngầm dâng cao đã xảy ra ở nhiều nơi, đòi hỏi phải có sự quan tâm và quản lý kịp thời. Các khu vực bị ảnh hưởng đang chứng kiến cảnh những tầng hầm bị ngập nước, hư hại cấu trúc nền móng, cốt thép bị ăn mòn, số vụ vỡ đường ống nước chính gia tăng và các nhà máy xử lý nước thải rơi vào quá tải. Chúng ta cũng phải hứng chịu hiện tượng lún và ổ gà quá mức trên đường khi các lớp nền hỗ trợ dưới lòng đất trở bị ăn mòn. Có lẽ đáng lo ngại hơn cả là các chất ô nhiễm bị chôn vùi bị đẩy lên bề mặt khi nước dâng cao tương tác với cơ sở hạ tầng nước thải.
Máy đo thủy triều ở Honolulu đã chứng kiến mực nước biển dâng hơn 20 cm kể từ trước Thế chiến thứ nhất. Mực nước ngầm cũng đang tăng dần. Ví dụ, vào năm 2017, các sự kiện liên quan đến kiểu khí hậu được gọi là El Ninõ đã nâng mực nước biển lên tới 30 cm so với dự đoán của biểu đồ thủy triều trên quần đảo Hawaii. Mực nước ngầm ở Honolulu cũng tăng gần 30 cm. Mặc dù điều này không gây ngạc nhiên cho các nhà thủy văn, nhưng nó lại khiến người dân địa phương ngạc nhiên khi nước thấm lên bề mặt cách bờ biển hơn một km. Trên toàn cầu, mực nước biển dự kiến sẽ tăng khoảng một mét vào năm 2100.
Honolulu đang đi đầu trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao đến nước ngầm; các nhà nghiên cứu ở đây đã công bố một trong những nghiên cứu sớm nhất về chủ đề này vào năm 2012. Ngày nay, Công ty Cấp nước Hawaii đang sử dụng chương trình phần mềm dự báo mực nước ngầm để giúp duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Và Sở Y tế Tiểu bang Hawaii đang theo dõi tình trạng ô nhiễm.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2020 cho thấy rằng gần 90% các hầm chứa đang hoạt động của Honolulu đã bị xâm mặn khi thủy triều lên. Sở y tế cũng lo ngại về sự rò rỉ chì và hydrocarbon ngày càng tăng, cũng như khả năng xảy ra vụ nổ dưới lòng đất do khí mê-tan gây ra. Mặc dù điều sau nghe có vẻ khó tin nhưng đó là mối lo ngại chính đáng. Khi dầu mỏ rò rỉ từ các vụ tràn dầu trước đây được ngâm trong nước ngầm dâng cao, vi khuẩn kỵ khí sẽ phân hủy nó, dẫn đến thải khí mê-tan. Sở y tế Hawaii đang tích cực theo dõi các vụ nổ dưới lòng đất không rõ nguyên nhân ở Honolulu được cho là có liên quan đến hiện tượng này.
Honolulu đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước ngầm dâng cao do nhiều khu vực của thành phố được xây dựng trên vùng đất ngập nước: Trong các dự án cải tạo đất hồi nửa đầu thế kỷ 20, khu vực này được lấp đầy một lớp đất mỏng để phát triển đô thị. Cơ sở hạ tầng ngầm của Honolulu nằm bên trên lớp vỏ mỏng và xốp này. Nhưng Honolulu không phải là nơi duy nhất ở Mỹ xây lâu đài trên cát; nhiều thành phố lớn ven biển ở Mỹ cũng được mở rộng trên vùng đất bồi lấp như thế, gồm cả San Francisco, Boston, New York, Los Angeles. Trên thế giới, có rất nhiều nơi chung hoàn cảnh như Tokyo, Osaka, Mumbai, Hong Kong, Singapore, Amsterdam và nhiều thành phố khác.
Trong một bài viết đánh giá về vấn đề này, Habel và các đồng nghiệp đã xác định được 1.546 khu vực đô thị ven biển trên khắp thế giới có nước ngầm “cực kỳ cạn”, tức là chỉ dưới bề mặt từ 1,5 mét trở xuống - độ sâu được coi là có thể gây hư hại cho cơ sở hạ tầng ngầm. Khoảng 1,42 tỉ người sống ở những khu vực này.
Bất chấp thực tế đó, một cuộc khảo sát gần đây với quan chức ở Hawaii cho thấy rằng trong khi hầu hết đều lo ngại về mực nước biển và mực nước ngầm dâng cao, chỉ có 9% đặt vấn đề này làm ưu tiên hàng đầu của họ. Ở Mỹ, các lĩnh vực giám sát cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và quản lý nước thải thiếu các nguồn lực cần thiết để bảo trì cơ bản, chưa nói đến việc giải quyết các thách thức trong tương lai. Nhiều thành phố ven biển ở vùng trũng trên thế giới thậm chí còn có ít tài lực hơn và do đó phải đối mặt với tình trạng cơ sở hạ tầng quan trọng ngày càng xuống cấp.
Ngập nước ngầm có khả năng gây ra thiệt hại nặng nề và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội. Habel kêu gọi cần chủ động giải quyết hàng loạt vấn đề hiện tại và sắp xảy ra.