Người mẹ của bệnh nhi ung thư

Từng có con mất vì ung thư, chị Phạm Nguyệt Linh đã dành trọn thời gian chăm lo cho các bệnh nhi bằng tất cả tâm nguyện, công sức

Mỗi tuần 3 lần, bếp từ thiện (còn được gọi là Bếp mẹ Như) trên đường số 10 (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP HCM) luôn đỏ lửa để cung cấp hàng trăm phần ăn miễn phí cho các bệnh nhi tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Khởi xướng và duy trì hoạt động của căn bếp này suốt 6 năm qua là chị Phạm Nguyệt Linh (42 tuổi, quê Kiên Giang), một người mẹ từng có con mất vì bệnh ung thư.

Bếp 0 đồng cho các bệnh nhi

Năm 2014, chị Nguyệt Linh đã từng chết lặng khi được tin con mình bị ung thư tuyến tụy khi chỉ vừa 3 tháng tuổi. Sau đó là những tháng ngày dài mẹ con chị đã gắn liền với bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nhiều lúc chị cũng ăn cơm từ thiện để tiết kiệm vì chi phí điều trị khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng.

Chị kể, dù đau đớn nhưng Quỳnh Như (con của chị) thường mang những thứ mình có được như bánh kẹo, đồ chơi, thú bông chia cho các bạn cùng phòng. Rồi bé cũng chia tay chị để về nơi không còn đau đớn nữa sau lần phẫu thuật cuối không thành công. Ngày đưa con về nhà trên chuyến xe 0 đồng, nhìn con thoi thóp rồi qua đời trên đôi tay mình, trái tim của người mẹ như tan nát.

Chị Nguyệt Linh đang nấu món chay cho bệnh nhi ung thư

Sau đó ít lâu, vợ chồng đường ai nấy đi. Chính khoảng thời gian một mình đối diện với nỗi đau, sự mất mát càng làm chị Linh nhớ con thật nhiều. Lúc ấy, chị được người quen rủ đi làm từ thiện ở nơi mà chị và con đã gắn bó suốt 5 năm qua.

Chị kể mình đã bật khóc khi bước vào căn phòng quen thuộc đã lưu lại nhiều kỷ niệm của đứa con gái bé bỏng. Những lần sau đó đến bệnh viện, chị như nhìn thấy hình ảnh con nơi các bé bệnh nhi.

Nói về lý do ra đời của bếp mẹ Như, chị Nguyệt Linh cho biết: "Tôi bén duyên với công việc này từ năm 2018. Sau khi con gái mất vì bệnh ung thư, tôi buồn quá nên muốn động viên cho các bé cũng bị bệnh như con mình bằng việc nấu những suất ăn.

Đồng thời đó là dịp để tôi thăm lại những nơi đã ghi dấu kỷ niệm của con mình nên mới nghĩ đến việc làm bếp cơm nấu những món ăn ngon đem vào đây. Vì suốt 5 năm gắn bó với bệnh viện ung bướu, hai mẹ con cũng đã nhận rất nhiều những phần cơm, sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm cho nên công việc này như một sự đền đáp nối tiếp. Kinh phí để hoạt động lúc ban đầu là chính số tiền tạm ứng được bệnh viện trả lại sau khi con mất. Sau đó có nhiều người chung tay ủng hộ góp sức".

Vì nấu cho người bệnh nên chị Linh luôn lựa chọn nguyên liệu tươi từ những buổi chợ sớm. Bếp đa số nấu món chay, thi thoảng thay đổi cơm sang bún bò, bún riêu, bánh canh chay và phát vào 3 buổi chiều trong tuần. Nếu có việc bận đột xuất thì chị dời lịch nấu sang ngày khác và thông báo rộng rãi trên group chat để mọi người khỏi phải trông đợi.

Tự nhận là mình không giỏi nấu ăn, chị Linh lên mạng tham khảo cách nấu, học hỏi từ những chị em đến giúp bếp, rồi rút kinh nghiệm để hợp với khẩu vị các con hơn.

Động lực tiếp bước hành trình

"Do cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu nằm xa trung tâm, khi chiều xuống gần như không còn ai buôn bán xung quanh. Muốn mua một thứ gì đó phải tốn tiền xe ôm đi rất xa. Một phần cơm tuy chỉ có giá từ 25.000-30.000 đồng nhưng với người nằm viện thời gian dài thì đó là là một con số không nhỏ bên cạnh chi phí thuốc men điều trị.

Từng ở trong hoàn cảnh có con nằm viện nhiều năm liền nên tôi rất thấm thía câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" - chị Nguyệt Linh chia sẻ.

Chị Nguyệt Linh (trái) phát thức ăn chay tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2

Theo chị, bếp mẹ Như tồn tại đến hôm nay là sự chung tay góp sức của rất nhiều người. Lúc ban đầu chị nấu trong căn phòng trọ 20 m2, khói mù mịt làm ai cũng phải sặc sụa. Người hàng xóm thương tình cho chị thuê một căn nhà ở ngay đầu hẻm rộng rãi, thông thoáng với giá 4 triệu đồng mỗi tháng để có chỗ nấu lâu dài.

Từ chỗ chỉ có 2 người làm, giờ có 5-6 người ở gần thường xuyên phụ giúp mỗi lần bếp hoạt động. Có thời điểm tưởng chừng bếp phải dừng hoạt động do cạn kiệt kinh phí sau khi dịch COVID-19 kết thúc. Vậy mà một nhà hảo tâm nào đó biết được đã âm thầm chuyển cho chị số tiền đủ để bếp hoạt động trong cả tháng trời.

Có lần chị định dừng lại vì cảm giác mệt mỏi, đơn độc trên hành trình làm từ thiện, song bất ngờ một tin nhắn từ một bệnh nhi xuất hiện trên điện thoại với nội dung: "Cơm cô Linh nấu ngon lắm. Ngày mai cô Linh ghé bệnh viện đúng không, con đợi cô nhé!" đã tiếp thêm động lực để chị bước tiếp.

Chị Linh kể, có bệnh nhi tâm sự với chị là thèm ăn nui xào bò. Chị gật đầu, định bụng sẽ nấu riêng cho con. Hôm sau, khi đưa suất ăn vào phòng bệnh thì chị mới hay cậu bé vừa mất. "Cuộc sống của các con mong manh lắm. Mới hôm qua còn nói cười, đùa giỡn vậy mà hôm nay đã không còn nữa" - chị Linh nghẹn lời.

Nhà lưu trú bệnh nhi và "Điều ước đơn giản"

Với tâm thế của người trong cuộc, xem bệnh nhi như con, đối đãi với phụ huynh như người trong nhà, đã thôi thúc chị Linh nghĩ đến những cách trợ giúp các bé nhiều hơn.

Tháng 7-2023, chị Linh khai trương nhà lưu trú cho các bệnh nhi cách cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu chừng 1 km với 21 phòng được gắn máy lạnh. Những lúc không phải lên bệnh viện để điều trị, phụ huynh cùng các bé về đây nghỉ ngơi, sinh hoạt để lấy lại sức.

"Điều trị bệnh này rất phức tạp, tốn kém và thời gian kéo dài. Những bé ở xa không những sức khỏe không tiện di chuyển, tái khám theo dõi thường xuyên. Mình xây thêm khu trọ để tiện cho việc ở lại, nghỉ ngơi của các con, mình chỉ nhận một ít tiền phục vụ tiền điện và nước" - chị Linh cho hay.

Các bệnh nhi thổi nến mừng sinh nhật

Gian bếp chung ở đây lúc nào cũng đầy đủ thực phẩm thịt, cá, trứng, rau củ quả… được chị chuẩn bị sẵn và bổ sung thêm mỗi ngày. Còn các gia đình, mỗi lúc về quê trở lên cũng góp thêm ít nhiều cây nhà lá vườn, tùy theo khả năng. Buổi sáng, các phụ huynh tự chuẩn bị phần cơm để mang theo vào bệnh viện cùng con. Chiều về mọi người cùng quây quần nấu nướng và ăn cơm chung với nhau. Chị Linh mong rằng nơi đây cũng là nơi các phụ huynh có con bị ung thư cùng nâng đỡ, chia sẻ để cùng sống lạc quan hơn trên hành trình vốn chỉ toàn nước mắt và niềm đau.

Đó còn là "Điều ước đơn giản" mà chị Linh cùng các nhà hảo tâm tổ chức hằng tháng để mừng sinh nhật các bệnh nhi từ hơn 2 năm qua. Chương trình mong muốn giúp các bé có những ngày ý nghĩa, vui chơi và quên đi đau đớn của bệnh tật với các tiết mục văn nghệ, đặc biệt còn tặng món quà tùy theo sở thích của các bạn nhỏ.

Các bé có ngày sinh nhật trong tháng sẽ được chị Linh chuẩn bị món quà theo đúng như mơ ước. Các con sẽ là nhân vật chính của buổi tiệc có đủ món mặn, bánh kem, bánh kẹo, trái cây và những chiếc bao lì xì xinh xắn. Các bé khác và phụ huynh cũng được mời tới dự tiệc, chung vui cùng các bạn.

"Đôi lúc chỉ là con gấu bông, hộp bánh thôi, đã là điều ước có ý nghĩa nhất đối với các con. Nhiều em bị bệnh chuyển nặng, chỉ mới ước hôm nay thôi, hôm sau đã không cầm cự nổi mà qua đời. Không kịp đưa món quà đến với các con, tôi thấy đau lòng lắm" - chị Linh xúc động.

Các con ở nơi xa cũng sẽ rất vui

Hiện tại, chị Nguyệt Linh cũng đã tìm được một gia đình mới. Chồng chị là ba của một trong những bệnh nhi cùng phòng với con chị trước đây. Hoàn cảnh hai người giống nhau. Anh cũng từng ly hôn vợ sau khi con mất vì bệnh ung thư.

Từ đó, cả hai đồng hành xây dựng, duy trì bếp mẹ Như, nhà lưu trú bệnh nhi và "điều ước đơn giản" ngày càng dài lâu. Chị chia sẻ: "Vợ chồng tôi sẽ cố gắng duy trì những việc này đến khi nào hết khả năng thì thôi. Các con ở nơi xa, nếu thấy những cảnh này chắc cũng sẽ rất vui".

Tuy vậy, chị vẫn đang đau đáu về chuyến xe 0 đồng để khi các bé lìa cõi tạm được tiễn đưa về quê nhà một cách trọn vẹn nhất, bởi nghĩa tử là nghĩa tận.

Mong lắm những tấm lòng gần xa cùng góp sức chung tay.

Bài và ảnh: CHUNG THANH HUY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-nguoi-me-cua-benh-nhi-ung-thu-196240202213740323.htm