Người lưu giữ lịch sử trong từng bức ảnh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết, sinh năm 1930, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông nguyên là phóng viên ảnh của Báo Tiền phong, là hội viên sáng lập của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Hơn 60 năm lăn lộn trong nghề nhiếp ảnh, ông đã khẳng định được vị thế của mình bằng những tác phẩm để đời, mà minh chứng rõ nhất chính là Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt V (2016) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017) cho chùm ảnh đặc sắc 'Hậu phương thời chiến'.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết (ở giữa) tại lễ khai mạc triển lãm ảnh với chuyên đề “Hậu phương thời chiến giữa thế kỷ XX”. Ảnh: Quang Long

Năm 1950, người thanh niên Mầu Hoàng Thiết tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào. Ông cùng đơn vị chiến đấu ở hạ Lào từ năm 1950 đến 1954. Hòa bình lập lại ở Đông Dương, đội quân tình nguyện về nước ban đầu tập kết ở Thanh Hóa, ông được điều làm cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn 335 với nghiệp vụ nhiếp ảnh. Từ năm 1962, ông chuyển về công tác tại Báo Tiền phong với vai trò phóng viên ảnh và nghỉ hưu vào năm 1987.

Trước khi trở thành hội viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và gần 26 năm làm phóng viên ảnh của Báo Tiền phong, Mầu Hoàng Thiết đã là một chiến sĩ Quân đội, trải qua những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ, đầy thử thách.

Ngay từ ngày đầu đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc nước ta bằng không quân và hải quân, phóng viên ảnh Mầu Hoàng Thiết cũng như các nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước, xung phong đến các điểm nóng nơi diễn ra cuộc đối đầu để ghi lại những tội ác của giặc Mỹ gây ra, ghi lại những chiến công anh dũng của quân đội và nhân dân ta. Cũng như biết bao người con ưu tú của Việt Nam thời kỳ đó, ông sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.

Ngoài những hình ảnh về cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trước kẻ thù, ông còn ghi lại những khoảng khắc nhân dân miền Bắc thi đua lao động sản xuất, thể hiện tinh thần đoàn kết, mong muốn hòa bình của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm của Mầu Hoàng Thiết vào thời kỳ đó đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, được ông lưu giữ đến ngày hôm nay.

Năm 2005, ông cho xuất bản tập sách ảnh “Tuổi trẻ thời kháng Mỹ”. Những năm tháng vô cùng gian khổ, đầy thử thách mà tuổi trẻ của ông đã từng trải qua được thể hiện khá rõ nét trong tập sách ảnh này với hơn 100 tác phẩm ảnh được chọn từ hàng ngàn bức ảnh ông chụp trong suốt chặng đường 10 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1965 đến 1975.

Qua từng bức ảnh, chúng ta không chỉ thấy một Mầu Hoàng Thiết dũng cảm, xông xáo, đầy nhiệt huyết, có mặt ở khắp mọi nơi trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mà còn thấy được cả không khí của quân và dân ta trong những năm bom rơi, đạn lửa. Có thể nói rằng, tập sách ảnh “Tuổi trẻ thời kháng Mỹ” như một cuốn sử bằng ảnh, làm sống lại bao ngày tháng vinh quang mà tuổi trẻ Việt Nam đã trải qua.

Từ khi cầm máy ảnh đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết luôn tâm niệm, nhà nhiếp ảnh phải thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghề nghiệp, chụp ảnh phải rõ mục đích, ảnh phải hàm chứa nội dung xã hội và có sức hấp dẫn người xem. Từ nhận thức đúng đắn này, cầm máy ảnh đi vào cuộc sống, ông đã có những tác phẩm để đời, trở thành phóng viên ảnh nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh của Việt Nam.

Tác phẩm “Mế Mường, hợp tác xã Ao Kênh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tiễn bộ đội ra chiến trường, năm 1971” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết. Ảnh: TL

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), nhằm tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa và tôn vinh những giá trị lịch sử trong đời sống xã hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giúp công chúng hiểu hơn về cuộc sống bình dị, đời thường của nhân dân miền Bắc, về hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của một dân tộc bất khuất kiên cường, khát khao và yêu chuộng hòa bình, triển lãm ảnh với chuyên đề “Hậu phương thời chiến giữa thế kỷ XX” đã được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Triển lãm giới thiệu hơn 100 tác phẩm của ông về hậu phương miền Bắc hỗ trợ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, tay cày, tay súng, nhân dân miền Bắc khi đó mà lực lượng chủ yếu là phụ nữ đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, hăng hái lao động sản xuất để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975.

Ngày 27-2-2019, tại Hà Nội, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết đã trao tặng hơn 1.000 tác phẩm ảnh (bao gồm hơn 700 phim gốc và hơn 300 file scan chuyển từ phim, ảnh giấy cũ sang dạng kỹ thuật số) cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ. Đơn vị tiếp nhận kho tư liệu quý này là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV được quyền sử dụng, bảo quản, lưu trữ cho thế hệ mai sau biết về một thời oanh liệt của cha ông ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-luu-giu-lich-su-trong-tung-buc-anh/