Người lưu giữ hồn quê

Ông sinh ra và lớn lên từ miền núi thuộc huyện Bình Gia. Cha mẹ cho ông hình hài và trí tuệ. Nước nguồn xứ sở tắm mát tâm hồn ông. Để rồi khi lớn lên ông trở thành một thanh niên trí thức, lịch lãm, hiểu biết, thành công trong sự nghiệp. Ông trải qua nhiều lĩnh vực và nhiều cương vị công tác nhưng tựu chung là thuộc mảng văn hóa xã hội. Ở vị trí nào ông cũng tận tụy, tâm huyết và gặt hái thành công. Người mà tôi đang nói đến chính là nhà thơ, nhà văn hóa Vi Hồng Nhân, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, Giám đốc Nhà xuất bản văn hóa dân tộc, Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn.

Tác giả Vi Hồng Nhân chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân nhân dịp ra mắt tập thơ song ngữ mới

Những chức vụ đó đến nay ông đã thôi hoàn toàn. Tuy nhiên, dấu ấn để lại sau mỗi giai đoạn công tác của ông thì còn rất rõ. Đặc biệt, một chức vị khá đặc biệt, nguyên Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn, một tổ chức hội được ông khai lập, quản lý, tổ chức thực hiện khi ông đã nghỉ hưu nhưng lại tạo ra nhiều đóng góp thiết thực với quê hương Xứ Lạng. Đóng góp của ông Vi Hồng Nhân trong việc lưu giữ hồn cốt văn hóa quê hương trên nhiều phương diện. Trong đó, hai phương diện chủ yếu là ông đã tạo ra hoàn cảnh và không gian diễn xướng để cho người dân được hát dân ca, để đời sống dân ca tái hồi trở lại với cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ông sáng tác thơ ca bằng tiếng Tày, Nùng theo thể sli, then, lượn… nhằm gìn giữ tiếng nói, chữ viết, lời ca trong nhân dân. Cả hai phương diện ấy ông đều đạt được hiệu quả tích cực. Để rồi, chúng ta thấy có một chiều rộng và một chiều sâu trong đóng góp về văn hóa, văn học nghệ thuật của ông đối với quê hương xứ sở.

Chúng ta đều biết, Xứ Lạng là miền văn hóa với những nét văn hóa rất đặc trưng. Theo đó, một nền dân ca trong đó có sli, then, lượn, quan làng… rất tiêu biểu. Những loại hình dân ca này chứa đựng một thế giới tinh thần phong phú của người dân. Một không gian cuộc sống rất độc đáo của đồng bào gắn liền với hoàn cảnh diễn sướng các loại hình dân ca ấy. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, dân ca nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung dần bị thu hẹp và có nguy cơ bị mai một. Có những giai đoạn, người dân chỉ còn nhớ lại trong kí ức. Ông Vi Hồng Nhân tựa như người thắp lửa đêm đông, đưa dân ca Xứ Lạng tái hồi với một sức sống khá kỳ diệu. Những năm gần đây, người dân Xứ Lạng được sống lại không gian, cảm xúc của những năm 1980, khi hoàn cảnh diễn xướng của những làn điệu dân ca xứ sở được sống lại. Hàng trăm câu lạc bộ hát sli, then được thành lập từ các bản làng; hàng nghìn người dân cùng hát sli, then tại các chợ phiên, lễ hội, ngày tết. Một phần bản sắc văn hóa Xứ Lạng được phục hồi đúng nghĩa. Công lao đó thuộc về nhiều người, của chính người dân, nhưng vai trò thắp lửa, khơi gợi, tập hợp, nuôi dưỡng phong trào thì không ai khác chính là ông Vi Hồng Nhân làm cốt lõi.

Năm 2023, vào một ngày giữa Thu, văn nghệ sĩ Xứ Lạng nhận được lời mời ấm áp từ bậc gạo cội đáng kính Vi Hồng Nhân về việc tham dự buổi công bố, giới thiệu tác phẩm mới của ông, tập thơ song ngữ “Tâm điếp vạ quẳn slim” – “Đất thương và nỗi niềm”. Tất cả chúng tôi đều chờ đợi sớm đến ngày đó để có mặt chung vui cùng nhà thơ. Hôm ấy, trời Thu trong xanh, nắng vàng óng ả, gió hiu hiu nhẹ, mây trắng lững lờ trôi. Là ông chọn đúng ngày Thu phân, mùng 10 tháng 8 (âm lịch). Mà mùa thu Xứ Lạng thật mát mẻ, nên thơ biết nhường nào, có lẽ đất trời dành cho nơi biên ải này một mùa thu rất riêng, một mùa thu miền biên viễn thanh bình đến lạ. Có hàng trăm khách mời đến dự cuộc gặp mặt ra mắt tác phẩm của ông. Nhà thơ Vi Hồng Nhân điềm tĩnh bắt tay từng người với nụ cười thân thiện trên môi. Dường như những người từng trải và có độ chín như ông đều có phong thái ung dung, tự tại như vậy. Không gian buổi gặp mặt được thiết kế theo ý tưởng của tác giả, vừa trang trọng vừa ấm áp. Không gian và màu sắc tạo thêm sự nồng nàn, ấm áp cho văn chương và tình người. Những điệu hát sli, then, lượn ngân lên. Điệu sli tha thiết đưa con người về với thế giới nội tâm; điệu lượn nặng lòng gợi thương gợi nhớ; điệu then dâng dâng nguồn cội. Một không gian đậm nét văn hóa Xứ Lạng phút chốc được đánh thức, tràn ngập nơi mạn đàm thơ. Nhà thơ Vi Hồng Nhân bước lên khán đài phát biểu, hình như ông muốn tự mình làm nhiều việc mặc dù đã có người dẫn chương trình là con gái ông. Giọng ông rưng rưng khi nói lý do buổi gặp mặt “Quê hương là mảnh đất thiêng liêng đã cho tôi nhiều tình cảm và nỗi niềm. Khi còn trẻ bận công tác tôi chưa có dịp trải lòng, nay nghỉ hưu rồi, có thời gian, có con chữ, có tấm lòng, tôi chỉ còn biết viết và viết. Tôi đã viết những trang sách, bài thơ về quê hương mình. Khi viết được những trang sách, những bài thơ ấy, lòng tôi nhẹ nhàng, thanh thản. Nhưng viết rồi thì lại cần đến bạn đọc, mà trước hết là bạn văn nghệ sĩ. Đó cũng là lý do tôi tổ chức buổi gặp mặt hôm nay”.

Tôi thực sự đồng cảm và trân quý tấm lòng của nhà văn hóa, nhà thơ Vi Hồng Nhân. Tấm lòng của ông chính là sự quý trọng đối với văn chương và những người bạn văn nghệ sĩ. Rồi ông đọc bài dẫn luận khái quát giới thiệu về sự nghiệp hoạt động văn hóa văn nghệ của ông. Tôi thiết nghĩ, trong thực tế, người dân Lạng Sơn nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng có mấy ai không biết đến ông Vi Hồng Nhân kể từ khi ông công tác tại Lạng Sơn đến khi về thủ đô Hà Nội công tác rồi nghỉ hưu trở về quê hương tiếp tục hoạt động văn hóa văn nghệ. Thế rồi, cho dù thế, chính bản thân tôi cũng rất bất ngờ và nể phục khi hôm nay mới biết ông đã xuất bản đến 7 tập thơ. Tập thơ “Tâm điếp vạ quẳn slim” – “Đất thương và nỗi niềm” là tập thơ thứ 7, mới xuất bản vào quý 2/2023. Thơ ông đậm hồn quê, chữ quê, nét quê: “Bjoóc mặn bjoóc tào fông slí coóc/ Quá vằn lắt lí nộc khăn xày/ Tâm héo vỉ răng nhằng fông bjoóc/ Rự là tâm điếp đuổi boong hây”? (Dịch: Mận xanh đào thắm quanh vườn/ Sớm chiều chim hót líu lo sân nhà/ Đất nghèo mà vẫn nở hoa/ Ờ sao thế nhỉ, hay là đất thương? (Tâm điếp – Đất thương); “Tời cần pền lốc nặm/ Pắn quá vằn pi bươn/ Thồng nà đo lồng nặm/ Thâng slì khẩu slúc lương. ( Dịch: Đời người như guồng nước/ Quay suốt tháng suốt năm/ Cánh đồng no đủ nước/ Đến khi lúa chín vàng” ( Lôc nặm – Guồng nước).

Mùa xuân nghĩ về nét đẹp quê hương, tôi bỗng nghĩ nhiều hơn tới những người làm công tác văn hóa văn nghệ. Với nhà thơ Vi Hồng Nhân, đó còn là câu chuyện về một cuộc đời, một cách sống, một trách nhiệm đóng góp và một cách lan tỏa… Chúng ta xin kính chúc ông nhiều sức khỏe, nhiều năng lượng để có thêm nhiều năm tháng sống tươi đẹp và tiếp tục đóng góp cho quê hương xứ sở và đất nước.

LỘC BÍCH KIỆM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/643190-nguoi-luu-giu-hon-que.html