Người lính thợ giàu sáng kiến

Đó là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Văn An - Nhân viên Thông tin Phòng Tham mưu Lữ đoàn Pháo phòng không 573 (Quân khu 5). Đam mê tìm tòi, sáng tạo, anh đã nghiên cứu, hoàn thành nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Đồng chí Lê Văn An báo cáo sáng kiến “Robot diệt khuẩn DK-573” trước Hội đồng khoa học Lữ đoàn.

Đồng chí Lê Văn An báo cáo sáng kiến “Robot diệt khuẩn DK-573” trước Hội đồng khoa học Lữ đoàn.

Sinh trưởng ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), năm 2004, Lê Văn An lên đường nhập ngũ rồi thi vào hệ trung cấp Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vinhempich). Tốt nghiệp loại giỏi, anh về nhận công tác và gắn bó với Lữ đoàn Pháo phòng không 573 đến nay. Luôn tâm huyết, tận tụy trong công việc, nắm chắc những hỏng hóc thường gặp của vũ khí trang bị, nhất là những loại đã qua nhiều năm sử dụng, đang xuống cấp, vật tư thay thế khan hiếm, từ đó anh “thai nghén” các giải pháp khắc phục hiệu quả, mang tính đột phá cao.

Năm 2019, anh đã nghiên cứu thành công “Thiết bị bắn bán tự động pháo cao xạ 57mm” giúp quá trình bắn không phụ thuộc vào tâm lý của pháo thủ, thời gian duy trì điểm xạ được cài đặt qua 2 bộ Timer nên độ chính xác rất cao. Hiện nay, tại đơn vị, thiết bị này được trang bị cho từng khẩu đội của cùng một trận địa và được điều khiển bởi một công tắc chung; khi bắn các khẩu đội đều đồng loạt điểm xạ, hỏa lực tập trung trong cùng một thời điểm. Sáng kiến đoạt giải khuyến khích Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 19.

Cao xạ 57mm của Lữ đoàn 573 là loại pháo có tốc độ bắn nhanh nên tiêu thụ đạn nhiều. Quan sát thao tác lắp đạn do pháo thủ thực hiện bằng phương pháp thủ công, mỗi lần chỉ lắp được 1 viên, mất nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, năm 2020, anh thiết kế “Thiết bị hỗ trợ lắp đạn vào kẹp đạn pháo cao xạ 57mm”. Nhờ thao tác gọn nhẹ, dễ vận hành, một lúc có thể lắp xong một kẹp đạn gồm 4 viên, rút ngắn nửa thời gian thực hiện so với phương pháp thủ công, giải pháp đã được Cục khoa học quân sự Bộ Quốc phòng chứng nhận sáng kiến loại III, đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” lần thứ 20.

Đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, để khoanh vùng ổ dịch, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, bộ đội hóa học... phải tiến hành phun thuốc diệt khuẩn bằng nhiều phương tiện, thiết bị thủ công, đòi hỏi bộ đội phải trực tiếp vào nơi có dịch, nguy cơ lây nhiễm cao. Với mong muốn tạo ra một robot có thể thay thế hoàn toàn con người thực hiện nhiệm vụ khử khuẩn, có khả năng hoạt động trong phạm vi hẹp, nhất là trong các bệnh viện, khu cách ly, Lê Văn An đã mày mò chế tạo “Robot diệt khuẩn DK-573”. Thông qua phần mềm chuyên dụng và hệ thống camera hồng ngoại, bộ thu phát tín hiệu wifi, người sử dụng có thể ra lệnh và điều khiển robot đi phun khử khuẩn hoặc vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, sách báo từ bên ngoài vào các bệnh viện, khu cách ly, khu phong tỏa… một cách dễ dàng, thuận tiện. Sở hữu tốc độ có thể đạt tối đa 7 km/giờ, độ ổn định cao, khả năng mang vật nặng lên đến 20 kg, thời gian hoạt động liên tục lên đến 10 giờ, thiết bị đã được Lữ đoàn công nhận sáng kiến loại I và áp dụng vào thực tiễn.

Lê Văn An (bên phải) kiểm tra hoạt động của “Hệ thống kiểm tra, giám sát huấn luyện pháo thủ”.

Lê Văn An (bên phải) kiểm tra hoạt động của “Hệ thống kiểm tra, giám sát huấn luyện pháo thủ”.

Năm 2023, Lê Văn An tiếp tục cho ra mắt “Hệ thống kiểm tra, giám sát huấn luyện pháo thủ 1, 2 (Pháo phòng không 37mm và 57mm)”. Với phần mềm chuyên dụng được nghiên cứu, cài đặt, lập trình sẵn, khi thực hiện động tác “đạp cò”, toàn bộ thông tin về họ tên, đơn vị của pháo thủ và ngày giờ huấn luyện, loại điểm xạ (ngắn hay dài), thời gian duy trì điểm xạ, kết quả kiểm tra… được ghi nhận, phản ánh đầy đủ trên hệ thống màn hình led, máy tính, giúp chỉ huy Lữ đoàn và các cơ quan có thể theo dõi, kiểm tra nắm chắc trình độ, khả năng của bộ đội từ xa. Nhờ hệ thống âm thanh, ánh sáng tạo giả mô phỏng sinh động tiếng nổ, ánh sáng đầu nòng khi bắn pháo, việc “đạp cò” của các pháo thủ 1 và pháo thủ 2 cũng có “cảm giác thật” hơn trước rất nhiều. Sáng kiến này đoạt giải Ba Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” lần thứ 23.

Bên cạnh đó, khi thực hiện nhiệm vụ trực ban tại bếp ăn tập thể của đơn vị, nhận thấy khi quân số ăn tại bếp đông, lượng gạo nhiều thì việc vo gạo rất tốn thời gian, công sức, sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, anh chế tạo “Máy vo gạo tự động”, đoạt giải Nhì trong hội thao sáng tạo của Lữ đoàn.

Nhận xét về Thiếu tá QNCN Lê Văn An, Đại tá Vương Đức Vũ - Lữ đoàn trưởng dành nhiều tình cảm ngợi khen: “Là một người lính thợ lao động giỏi, lao động sáng tạo, đồng chí An biết lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu vươn lên, hoàn thành nhiều sáng kiến tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Từ năm 2019 đến năm 2023, Thiếu tá QNCN Lê Văn An 5 năm liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2022 anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và hiện nay đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Đỗ Ngọc Diệp

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguoi-linh-tho-giau-sang-kien-post298507.html