Người Kurd rút quân, Mỹ 'nhường' Manbij cho Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận rút lực lượng người Kurd YPG khỏi Manbij, nhường lại thành phố thuộc tỉnh Aleppo này cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ và Thổ đồng ý về lộ trình rút YPG khỏi Manbij

Ankara và Washington đã đồng ý về một kế hoạch Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd Syria (YPG), nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) khỏi thành phố Manbij thuộc tỉnh Aleppo của Syria - phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết hôm 05/6.

"Hôm nay, Cavusoglu (Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ) và Pompeo (Ngoại trưởng Mỹ) trong cuộc họp ở Washington đã đồng ý về lộ trình rút YPG khỏi Manbij. Lịch trình, cách đảm bảo an ninh và các điều khoản rút quân đã được đặt ra" - Bozdag nói với các phóng viên.

Trước đó, cũng trong ngày 05/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã xác nhận lộ trình để đảm bảo sự ổn định tình hình ở Manbij.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp một trở ngại trong bối cảnh Ankara kịch liệt phản đối sự hỗ trợ của Mỹ với YPG, bị Ankara xem là một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), trong danh sách “tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ankara đã nhiều lần cáo buộc Washington không thực hiện lời hứa của mình liên quan đến việc rút các lực lượng của YPG, đã chiếm thành phố Manbij từ tay Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vào tháng 6 năm 2016.

Tuần trước, Washington tuyên bố rằng, nhóm công tác Mỹ-Thổ ở Syria đã gặp nhau để thảo luận về tình hình trong nước và các mối quan tâm chung khác. Ngoài ra, hai bên đã vạch ra các đường nét của một lộ trình hợp tác xa hơn, bao gồm cả vấn đề Manbij.

Trong “mối quan tâm về an ninh biên giới”, Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho nhóm vũ trang đối lập là “Quân đội Syria Tự do” (FSA) mở một chiến dịch quân sự (trái phép) mang tên “Chiến dịch Cành Ô liu” (Operation Olive Branch) ở tỉnh Aleppo, miền bắc Syria.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang lập mưu chia chác lãnh thổ phía Bắc Syria

Chiến dịch này được mở vào ngày 20/01 năm nay, nhằm vào một trong 3 Khu tự trị của người Kurd Syria ở Afrin (Tây Bắc Aleppo), với mục đích "dọn dẹp" biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, trục xuất các tay súng của YPG, cánh quân sự của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD).

Vào tháng 3, Ankara thông báo đã hoàn toàn kiểm soát được Arfin. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, hoạt động sẽ không kết thúc ở Afrin, mà mục tiêu tiếp theo sẽ là các khu vực Manbij (bắc tỉnh Aleppo) và tỉnh Idlib.

Với những động thái mới nhất này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mục đích tiếp theo trên con đường xâm chiếm một phần lãnh thổ Syria, và đây là một phần trong chiến lược mặc cả của các cường quốc trên lưng đất nước và nhân dân Syria.

Sự mặc cả của các cường quốc trên lưng Syria

Trước đây, Báo Đất Việt đã có bài viết mang tiêu đề: “Mỹ-Thổ tung hứng, chia chác lãnh thổ phía Bắc Syria”, nhận định về việc trước sau gì thì Mỹ cũng sẽ ép người Kurd phải dâng thành phố Manbij thuộc tỉnh Aleppo cho Thổ Nhĩ Kỳ, bất kể là Washington đã giả bộ tăng quân Mỹ, điều thêm quân Pháp đến Manbijj để “bảo vệ người Kurd trước sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong thời gian qua, bất chấp những phản đối của chính quyền Damascus và cộng đồng quốc tế; Washington và Ankara vẫn tiếp tục hiện diện quân sự bất hợp pháp ở Syria, ngang nhiên coi đất nước Syria như lãnh địa riêng của mình để mặc cả, ra điều kiện với nhau.

Chính quyền Ankara trong hai năm qua đã khôn khéo sử dụng Nga - đối thủ lớn nhất của Mỹ - như một công cụ để đàm phán, mặc cả với Washington. Những dự án kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã khiến Mỹ lo lắng.

Việc chung sức giải quyết vấn đề Syria giữa Moscow, Tehran, Ankara; dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, nhà máy điện hạt nhân Akkuyu; hợp đồng mua sắm hệ thống phòng không S-400, máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57 đã khiến Washington sợ Thổ Nhĩ Kỳ đi “chệch quỹ đạo”.

Vùng khoanh đen-trắng là Manbij, vùng màu xanh khoanh vàng là khu vực Thổ Nhĩ Kỳ muốn chiếm, còn vùng màu vàng là khu vực Mỹ- người Kurd chiếm đóng

Trong bối cảnh đó, Báo Đất Việt từ lâu đã nhận định rằng, Mỹ sẽ có những nhượng bộ ở Afrin, Manbij trước Thổ Nhĩ Kỳ để giữ đồng minh.

Nhận định này dược chứng minh là đúng khi Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng chiếm được Afrin, bất chấp những tuyên bố hùng hồn của người Kurd về việc “đổ máu bảo vệ quê hương” hay “khiến Thổ Nhĩ Kỳ nuốt hận trên đất Afrin”.

Và đến hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã “bất chiến tự nhiên thành” khi ép Mỹ buộc người Kurd rút quân, đoạt được Manbij không mất một viên đạn.

Mỹ mượn danh đánh “khủng bố IS” để tung quân vào Syria, nhằm hỗ trợ lực lượng người Kurd và các nhóm đối lập khác xé nát đất nước Syria thành các vùng cát cứ của nhiều thế lực chống chính quyền Damascus; Ankara mượn danh đánh “khủng bố người Kurd” mang quân vào hỗ trợ FSA chiếm phía Bắc Syria phục vụ âm mưu thành lập tỉnh 82 của Thổ Nhĩ Kỳ; các nhóm đối lập Syria vì quyền lợi riêng của mình tiếp tay cho ngoại bang chia cắt lãnh thổ, phá hoại độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Washington sẽ chẳng mất gì mà lại được lợi khi một chính quyền đối lập thân Mỹ được thành lập ở Đông Bắc Syria, một chính quyền đối lập thân Thổ được thành lập ở Tây Bắc Syria, đều phục vụ cho mục đích chung là phân rã Syria, đối đầu với chính quyền Assad.

Mỹ, Thổ và FSA, người Kurd đều có lợi trong thỏa thuận này và Washington đủ khả năng và độ tàn nhẫn để điều hòa quan hệ lợi ích giữa các đồng minh… trên lưng người dân Syria.

Vì thế những căng thẳng giữa Thổ-Mỹ, Thổ-Kurd trong thời gian qua chỉ là một màn kịch giả tạo, trên thực chất các cường quốc này đã thỏa thuận chia chác khu vực phía Bắc Syria với nhau, chỉ có đất nước và người dân Syria là bên sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguoi-kurd-rut-quan-my-nhuong-manbij-cho-tho-nhi-ky-3359469/