Người Hà Nhì ở Lao Chải đón Tết giữa mùa hè

Lao Chải là tên một thôn của người dân tộc Hà Nhì sinh sống thuộc xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Những thửa ruộng bậc thang trong thung lũng chính là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho cư dân Hà Nhì. Mùa hạ, nơi những nóc nhà của người Hà Nhì ở Lao Chải thật lạ, cái lạnh nhẹ nhàng buông xuống bản làng...

Ấn tượng vùng đất Lao Chải và con người Hà Nhì

Đầu giờ chiều, con đường từ Ngải Thầu về Lao Chải giống như một bức màn trắng mờ. Ngựa là phương tiện đi lại thuận lợi nhất, vì hầu hết những con đường ở đây khá dốc.

Thời điểm đầu giờ chiều tháng 6 Âm lịch hàng năm là lúc không gian làng xóm vắng vẻ nhất. Vẻ tĩnh lặng của thung lũng nhỏ như đặc quánh với sương và khói bếp.

Buổi chiều ở Lao Chải

Ở cách đó không xa, không khí nhộn nhịp khác hẳn trên những thửa ruộng trải dài theo triền núi. Thời điểm này trong năm là lúc những gióng lúa vươn cao nhất.

Giống lúa nương của người Hà Nhì sắp bước vào giai đoạn trổ đòng, cũng báo hiệu Tết Khô già già sắp đến với họ. Cùng với lễ xuống đồng và lễ cúng rừng, Tết Khô già già là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm theo phong tục từ xa xưa của tộc người này.

Khí hậu ẩm và lạnh quanh năm với sương muối bao đời đã tự chọn lọc loại lúa nương đặc trưng cho những cư dân Hà Nhì.

Tập quán sống của người Hà Nhì thường gắn với những vùng núi cao phía Bắc Việt Nam. Ngoài Bát Xát, Lào Cai, người Hà Nhì còn sống quần cư ở nhiều vùng khác như Lai Châu, Sơn La, nhưng đều có chung đặc điểm là lựa chọn các thung lũng trên núi cao để sinh sống.

Thời điểm lúa trổ đòng buộc người dân phải có mặt trên ruộng từ sáng. Tuy nhiên, công việc đồng áng không nặng nhọc và vất vả như giai đoạn gieo cấy.

Những thửa ruộng trải dài theo triền núi

Khi những mái rạ trên ngôi nhà đất người Hà Nhì phủ dày lớp sương cuối chiều, thì cũng là lúc bếp lò trong những ngôi nhà của họ bắt đầu đỏ lửa.

Người đàn ông và các con ở Lao Chải đảm nhiệm mọi công việc đồng áng và bếp núc trong nhà. Người phụ nữ Hà Nhì quán xuyến công việc nhiều hơn ở những nơi khác, kể cả những phần việc nặng nhọc bên ngoài. Do vậy, người đàn ông Hà Nhì lại khá quen thuộc với công việc, bếp núc hậu cần trong gia đình.

Ngô là một loại lương thực dự phòng hữu hiệu, những bắp ngô đen bóng bởi bồ hóng từ khói bếp là kho dự trữ phòng cho những khi sản lượng lúa nương gặp thiên tai, không thu hoạch đúng như dự định.

Tập quán sử dụng ngô thay gạo được hình thành từ trong truyền thống canh tác của người Hà Nhì từ xa xưa. Khi mà phần lớn thời gian dành cho tìm kiếm thực phẩm không cho phép họ chăm sóc giống lúa như sau này.

Ngô là một loại lương thực dự phòng hữu hiệu

Theo phong tục của người Hà Nhì thì việc để bếp lụi lửa cũng đáng xấu hổ như lười lao động vậy.

Người Hà Nhì dường như không có thời khắc nào nghỉ ngơi, họ chỉ dừng tay mỗi khi vào lễ.

Sau khi gặt lúa, họ còn phải làm rất nhiều công việc vất vả khác. Lúa sau khi gặt được sàng qua cho hết rơm vụn, rồi đưa vào cối giã. Tất cả những cối giã ở Lao Chải 1 đều lợi dụng triệt để điều kiện tự nhiên, những con suối chạy ngang dọc qua làng xóm trở nên cực kỳ hữu dụng khi giã khá đều lượng thóc lớn. Khi giã xong những hạt gạo lẫn trấu sẽ được sàng lại. Những hạt gạo nương giờ đây đã có thể sử dụng được.

Hầu hết những hoạt động thường nhật của người Hà Nhì đều diễn ra trong khoang bếp. Khoang bếp ngoài chức năng nấu nướng còn là phòng khách, cũng được sử dụng để chứa rất nhiều đồ gia dụng phục vụ đời sống.

Từ những thảm gốm đựng thóc, ngô dự trữ cho đến những đồ vật để lao động, đều được để trong bếp hoặc cài trên vách bếp.

Một phương tiện làm đẹp đặc trưng của người phụ nữ Hà Nhì - bộ tóc giả dày được bện từ len thô. Sau khi làm lễ trưởng thành và lập gia đình, đồ vật này được sử dụng thường xuyên hơn.

Mái tóc dài của những người phụ nữ Hà Nhì không được cắt ngắn đi từ khi họ lập gia đình. Cứ mỗi khi đi xa hoặc lên chợ xã người phụ nữ thường dành thời gian để trang điểm lại mái tóc của mình, giống như một nghi thức bắt buộc. Cùng với đặc điểm hoa văn và sắc màu của trang phục, mái tóc chính là một tiêu chí để nhận biết tộc người này.

Mái tóc chính là một tiêu chí để nhận biết tộc người này

Trong khoang bếp, ngoài những đồ vật gia dụng thì ở bất kể gia đình Hà Nhì nào cũng đều có 1 đến 2 chiếc mâm tre được chế tác khá tinh vi và có tính thẩm mỹ cao. Chiếc mâm được đan bằng tre cật già, càng dùng lâu càng lên màu khói thì nó lại càng chắc chắn.

Mâm khá cao vì có hệ chân đan, bề mặt được ken kín bằng tre dày to bản, ở cạnh mâm được đan vít khá chặt, ngoài việc cạp mép còn có vai trò trang trí cho cả chiếc mâm. Việc đan mâm thường tiến hành vào mùa hè, vì còn phải trải qua thời gian phơi và ngâm. Trước khi cạp mép mâm, bề mặt cần được kích chặt để đề phòng co ngót khi sử dụng được một thời gian. Sau đó, toàn bộ sản phẩm thô được ngâm dưới nước suối vài ngày, rồi phơi khô mới làm tiếp.

Toàn bộ nước sinh hoạt hàng ngày và phục vụ sản xuất của người Hà Nhì ở Lao Chải đều được lấy từ hệ thống suối đan cài ngang dọc bản làng. Bù lại cho cái khắc nghiệt về địa hình và điều kiện sinh sống, lượng nước cung cấp cho đời sống của tộc người này khá phong phú và thuận tiện.

Từ trên thượng nguồn, nước đổ về theo những con suối lớn nhỏ men theo triền núi đá. Sau khi tập trung lại ở một vài hõm nước tự nhiên, nước suối được phân chia theo lạch nhỏ, chảy qua đầu hồi từng khóm nhà, và do đó người Hà Nhì có được điều kiện sử dụng nước khá thuận lợi.

Sự hùng vĩ của thiên nhiên cũng phần nào giúp ích cho việc tổ chức cuộc sống và lao động đồng áng cho người dân Hà Nhì.

Sự hùng vĩ của thiên nhiên ở Lao Chải

Những nghi lễ đậm bản sắc dân tộc

Một ngày lại trôi qua, chiều xuống là lúc những người phụ nữ đi chợ xã đã về đến con dốc đầu làng. Khác với lúc đi, trong quẩy tấu trên lưng họ là khá nhiều đồ dùng phục vụ cuộc sống và đặc biệt là những thứ chuẩn bị cho cái Tết lớn nhất của họ.

Tuy trời đã về chiều, nhưng hoạt động trong thôn lại nhộn nhịp khác thường. Một vài người đàn ông đang đẽo khúc chày mới cho cối giã lớn ở ngoài sân. Không khí nhộn nhịp đó diễn ra cho đến khi mặt trời lặn xuống hẳn như nghỉ ngơi trong ngày quan trọng hôm sau.

Sớm hôm sau, khi trời còn tối đen, người phụ nữ đã nổi lửa trong khoang bếp nhà mình. Để chuẩn bị cho công việc sẽ diễn ra trong ngày, họ phải nấu một lượng cơm nếp rất nhiều. Mãi đến lúc trời nhập nhoạng, công việc nấu nướng mới hoàn thành. Khoảng thời gian giữa tháng Âm lịch, trời sáng sớm hơn mọi khi, dường như để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nên hầu hết mọi người trong thôn đều đã thức giấc. Cơm nếp vừa nấu xong được những thiếu nữ Hà Nhì giã bằng những chiếc cối được chuẩn bị sẵn.

Ngày hôm sau sẽ là Tết Khô già già của người Hà Nhì, đây là Tết cúng Thần Lúa vào thời điểm lúa bắt đầu trổ đòng, để cầu xin mùa màng thuận lợi. Do đó, nhiệm vụ của những người phụ nữ trong thôn là phải làm xong những loại bánh truyền thống để sử dụng trong lễ này.

Những phụ nữ cao tuổi và trung niên đảm trách việc nấu cơm nếp để làm bánh, sau đó số cơm nếp nương này được giã nhuyễn ra với sự góp sức của các thiếu nữ trẻ. Cối giã được sử dụng như một tài sản chung của thôn. Ngoài Tết Khô già già, chiếc cối còn được sử dụng trong những lễ khác như lễ Xuống Đồng hay lễ Cúng Rừng.

Mọi việc tiến triển có vẻ thuận lợi, toàn bộ lượng cơm nếp đã được giã nhuyễn để dễ dàng chế biến món bánh dày truyền thống. Tất cả những công đoạn này chỉ có người phụ nữ thực hiện. Đống bột nhuyễn được chia nhỏ thành từng nắm. Họ trộn thêm muối và lạc giã nhỏ, để nắm thành những chiếc bánh giống như bánh dày.

Mỗi nắm nhỏ như vậy được cán mỏng ra với hình tròn. Có 2 loại bánh dày như vậy, một loại được chế biến từ cơm nếp trắng, khi nặn bẹt có rắc thêm chút lạc vụn rồi bọc lá bên ngoài. Loại thứ 2 cũng được nắm từ cơm nếp, nhưng là từ loại nếp nấu cùng đậu đen. Hai loại bánh này theo phong tục của người Hà Nhì là dành cho các vị thần linh, tổ tiên dòng họ hay những người thân đã qua đời.

Một loại bánh giày giành cho buổi lễ

Lúc này trời đã sáng hẳn, tại nguồn nước chung của làng, những người phụ nữ đang rửa sạch chiếc quẩy tấu để gùi đồ ăn, dụng cụ nấu ăn và chế biến để chuẩn bị cho buổi lễ.

Theo tục lệ của người Hà Nhì, việc tiến hành lễ cúng ở mỗi nhà đều phải thực hiện xong trước những thủ tục chung của cả làng nên họ tỏ ra rất tất bật.

Cũng lúc này, đám thanh niên trai tráng của làng đang tập trung đầy đủ ở khu vực công viên để chuyển ngôi nhà gỗ vào vị trí trung tâm. Nhưng dường như công việc của họ không suôn sẻ như những người phụ nữ, có những mâu thuẫn về vị trí chôn cột hành lễ, vẻ lo lắng hiện lên nét mặt của những vị đứng đầu làng.

Mọi việc tạm thời ngưng lại, việc tìm vị trí đẹp để chôn cột hành lễ rất quan trọng cho buổi lễ sẽ tiến hành vào ngày hôm sau. Bởi tại đó, họ sẽ làm Lễ đâm trâu rồi cúng Thần Lúa cho cả làng. Nếu không chọn được vị trí tốt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đồng áng vào năm tiếp theo.

Cuối cùng mọi chuyện đã được quyết định, họ đào hố chôn cột. Những phiến đá lớn được vần tới chèn sát chân cột, vừa để chắc chắn lại vừa là nơi hành lễ.

Ngôi nhà gỗ chỉ được sử dụng vào những lễ hội chính thức trong năm, nên thanh niên trong làng phải lập lại mới có thể đưa vào sử dụng. Sau khi ngôi nhà được chỉnh trang, đó cũng là nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động thủ tục tín ngưỡng của buổi lễ.

Phần việc còn lại tuy không vất vả nhưng cũng rất quan trọng cho việc chuẩn bị đón Tết Khô già già chính là con trâu.

Những người cao tuổi trong làng cùng với chính quyền sở tại sẽ chọn lựa ra con trâu đực khỏe mạnh và to lớn nhất để làm vật tế Thần Lúa.

Tuy canh tác ruộng nương là chính và di chuyển lại cần ngựa hơn là sức kéo của trâu, nhưng số lượng các thớt trâu ở Lao Chải cũng không ít. Chúng có thể tăng sức kéo cho những cối giã gạo mỗi khi sức nước kém đi. Hơn nữa, trong tất cả những lễ nghi quan trọng trong năm, người Hà Nhì đều cần có trâu làm vật tế thần.

Phong tục của người Hà Nhì quy định, thời điểm Tết Khô già già diễn ra thì mọi trai làng đều phải có mặt hoặc đóng góp một phần lễ cho Thần Thổ Địa và Thần Lúa. Mỗi gia đình sẽ tổ chức tại nhà mình trước khi những thầy cúng làm lý cho cả làng.

Rượu được rót vào rồi chút ra khỉ ống đúng 3 lần

Đích thân người đàn ông lớn tuổi nhất nhà phải tiến hành các thủ tục của buổi lễ tại gia đình. Họ sẽ truyền lại những thủ tục và bài khấn cho các con trai của mình khi chúng lần lượt trưởng thành và ở riêng.

Đồ cúng gồm có gạo ngâm nước trong ống tre, thịt trâu, thịt lợn đã nấu chín, rượu được rót vào rồi chút ra khỉ ống đúng 3 lần, cùng với 2 loại bánh dày mà những người phụ nữ đã hoàn tất buổi sáng.

Bệ thờ được đặt trên góc cao ngay trong khoang bếp. Thủ tục diễn ra khá đơn giản, chỉ sau bài khấn ngắn, mâm lễ được hạ xuống. Những miếng thịt và mẩu bánh đầu tiên được người phụ nữ đặt lên những góc bếp lò, những đầu rau bếp củi, cầu mong cho Thần Bếp phù hộ để quanh năm đỏ lửa. Có như vậy thì gia đình mới không thiếu cái ăn. Sau đó, một phần lễ nhỏ hơn giống như vậy được đưa ra bên ngoài. Tại đây, thủ tục tế thần Thổ Công được tiến hành ngay bậc cửa ra vào. Những món đồ lễ được đặt tượng trưng nhưng đây đủ tại đó.

Sau khi tiến hành xong những thủ tục với thần linh, đến lượt những thành viên trong gia đình thụ lễ. Đầu tiên là bậc cha, mẹ, sau đó mới là con trai, con gái trong gia đình. Những miếng thịt, miếng bánh cũng được chia đều đúng theo trình tự như vậy.

Lúc này, các gia đình khác cũng đã xong thủ tục tại nhà. Những người đàn ông trong làng lại tập trung chuẩn bị Lễ đâm trâu. Người cầm dao đâm trâu là một thầy cúng. Phong tục đâm trâu ở đây diễn ra đơn giản và gọn nhẹ.

Người ta chỉ cần chú ý đến những thao tác thật hiệu quả, để con trâu chết thật nhanh, chứ không hành lễ trước khi đâm. Độ đậm và màu sắc của huyết trâu sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới vụ mùa. Bởi theo phong tục, nếu Thần Lúa ưng ý với vật tế thần, màu huyết trâu sẽ có màu đỏ tươi. Con trâu nhanh chóng được xả thịt.

Đối với người Hà Nhì, việc tham gia vào những hoạt động cộng đồng, đặc biệt là những hoạt động tín ngưỡng là một nghĩa vụ quan trọng. Nó vừa gắn kết các mối quan hệ lại vừa biểu thị những quy ước tinh thần.

Các gia đình tập trung chuẩn bị Lễ đâm trâu

Những tảng thịt đầu tiên từ con trâu được đưa vào đặt trên sàn nhà gỗ. Ở đây, họ sẽ chia lượng thịt thành nhiều miếng nhỏ đều nhau.

Trưởng thôn được tín nhiệm giao thực hiện công việc này. Ngày hôm sau mới đúng là ngày Tỵ của tháng 6 Âm lịch, tức là ngày lễ chính của Tết Khô già già, nên mọi việc phải được chuẩn bị xong trong ngày hôm nay. Con trâu đã được xả thịt gần xong, một phần của bộ xương được bồi dưỡng cho đám trai làng vào bữa trưa. Huyết trâu được chia đều cho các hộ, chất lượng của huyết khá tốt nên vẻ mặt của mọi người khá mãn nguyện. Tất cả những bộ phận của con trâu đều được chia công bằng cho các hộ gia đình trong làng.

Người trong gia đình mang đồ về nhà

Các hộ gia đình ở Lao Chải đều có một phần giống nhau, từ thịt nạc, thịt mỡ, huyết trâu, cho tới xương các loại đều được cân bằng nhau. Lần lượt từng đại diện gia đình mang đồ về nhà, cũng là lúc những công việc chuẩn bị chính thức đã kết thúc.

Hôm sau sẽ là cái Tết lớn nhất trong năm của họ, báo hiệu mùa hè ngắn ngủi sắp kết thúc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-ha-nhi-o-lao-chai-don-tet-giua-mua-he-post559229.antd