Người H'Mông cúng hồn ngựa

Với đồng bào H'Mông ở khu vực Tây Bắc, ngựa là con vật đặc biệt quan trọng trong đời sống vì ngựa giúp người H'Mông thồ hàng, đi những đoạn đường xa. Vì thế, vào dịp cuối năm, một số dòng họ hay thôn bản người H'Mông ở huyện Sa Pa (Lào Cai) lại tổ chức lễ cúng hồn ngựa để tri ân với loài vật thân quen này.

Xung quan ban thờ hồn ngựa, người H'Mông treo những thanh gươm bằng gỗ. Người tham gia phục vụ lễ cúng đi quanh những thanh gươm gỗ hò hét để hồn ngựa không đi theo người về nhà và quấy phá cuộc sống của họ.

Người H’Mông quan niệm, vận vật hữu linh, loài ngựa cũng có linh hồn. Vì thế, những con ngựa đã chết trong sứ mệnh phục vụ con người cũng có linh hồn, cũng cần được thờ tự. Lễ cúng hồn ngựa thường được diễn ra khi năm đó, gia đình, dòng họ hoặc thôn bản người H’Mông có nhiều ngựa bị chết. Có giả thiết cho rằng, món thắng cố nổi tiếng của người H’Mông là một hình thức thực táng theo kiểu cổ xưa còn lưu lại.

Lễ cúng hồn ngựa ở xã San Sả Hồ được tổ chức cuối năm bởi đầu năm nay Sa Pa có băng tuyết làm nhiều con ngựa chết lạnh.

Để thờ hồn ngựa, người H'Mông lập bàn thờ giữa bản gồm có vàng mã, tù và và cắt giấy những hình chú ngựa dán lên.

Theo phong tục, thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng hồn ngựa phải dùng giấy che mặt. Người H'Mông quan niệm, ngựa cũng như người, cũng biết yêu thương và thù ghét. Trong quá trình thầy cúng gọi hồn ngựa về để ngựa không nhận diện được, hồn ngựa không theo thầy cúng để quấy phá.

Người tham gia phục vụ lễ cúng phải là nam giới và phải đeo dải tua giấy lên người. Dải tua giấy tượng trưng cho vật trừ tà trong đời sống tâm linh của người H'Mông.

Thầy cúng dùng chiêng để gọi linh hồn những chú ngựa đã chết trong năm qua.

Thầy cúng nói lời cảm ơn hồn ngựa trước ban thờ.

Kết thúc buổi lễ, thầy cúng thông báo rằng, hồn ngựa đã nghe lời thỉnh cầu của dân bản, hồn ngựa sẽ không về quấy phá cuộc sống của người dân và luôn phù hộ cho gia chủ năm tới mùa màng tốt tươi, chăn nuôi thuận lợi.

trịnh thông thiện

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nguoi-hmong-cung-hon-ngua-648952.ldo