Người gom nhặt những mảnh ghép giá trị

Đại tá, Nhà báo Đậu Kỷ Luật sinh năm 1935, ở phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An nguyên là phóng viên Báo Quân khu 4. Mặc dù đã bước sang tuổi 86, nhưng ông vẫn không ngừng nghỉ nghiệp viết mà còn đều tay gom nhặt những mảnh ghép giá trị cho ra nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn lôi cuốn độc giả.

Đại tá, Nhà báo Đậu Kỷ Luật luôn say sưa nghiên cứu, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có giá trị.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đậu Kỷ Luật tình nguyện lên đường nhập ngũ đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Với năng khiếu viết báo, ông sớm trở thành cây bút chủ lực của Tờ tin Quân khu Bốn (nay là Báo Quân khu 4). Cái duyên và niềm đam mê là động lực để ông cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị, kịp thời động viên bộ đội chiến đấu. Ông lăn lộn chiến đấu, đi rộng, viết nhiều nên rất am hiểu phong tục tập quán, văn hóa vùng miền của các dân tộc thiểu số…

Năm 1955 khi đến công tác tại Tiểu đoàn Công binh 25A, Quân khu 4 mở đường Trường Sơn, nghe bộ đội kể chuyện gặp “ma rừng”, ông tìm hiểu thì mới hay đó là cô gái Lào bị bệnh phong, lở loét khắp người tên là Xao-Đi. Xao-Đi bị dân làng xa lánh đuổi ra khỏi bản vì nghĩ cô là ma rừng. Cô làm chòi ở tạm trong rừng sâu, sống qua ngày bằng hái lượm. Nhờ bộ đội thuyết phục đưa về chữa bệnh hơn 6 tháng ròng Xao-Đi khỏi bệnh. Sau này cô trở thành cán bộ dân vận của nước bạn Lào. Dưới ngòi bút của ông, câu chuyện nghĩa tình của bộ đội Việt Nam với cô gái Lào càng trở nên xúc động, nhân văn...

Với chiếc xe đạp Thống nhất, ông mải miết đi, mải miết viết. Từ ngã ba Đồng Lộc, cầu Bến Thủy, cầu Phương Tích, Truông Bồn, Khe Gát đến nơi máy bay Mỹ vừa ném bom hay một chiến dịch đang mở... ông viết đủ thể loại từ phóng sự, bút ký, truyện ký, truyện ngắn đăng tải trên Báo Quân khu 4, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… “Năm 1972, tôi được phân công các đơn vị cao xạ để tuyên truyền. Sau nhiều năm chưa “săn” được máy bay Mỹ, Tiểu đoàn 14 Nguyễn Viết Xuân làm trận địa giả ở đồi Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho 3 xe ô tô ngụy trang kéo pháo để “nhử” máy bay địch. Đến ngày thứ 3 thì địch “vào tròng”, chiếc máy bay AD-6 bị bắn rơi tại chỗ… Tôi mừng quá liền vác một mảnh máy bay về sở chỉ huy thì được chỉ huy chiến dịch Nguyễn Cận hoan nghênh, khen ngợi. Trưa hôm đó, quên cả đói, tôi liền viết bài và đọc nội dung chuyển ra Phát thanh Quân đội về chiến công của bộ đội cao xạ…”, ông Luật nhớ lại.

Với phóng viên Báo Quân khu 4, ông như “Kho từ điển sống”, khi gặp vấn đề gì khúc mắc về nghề báo, phóng viên, biên tập viên đến gặp ông đều được giải đáp tận tình, sâu sắc. Ông Luật tâm sự, muốn tác phẩm của mình được bộ đội đón nhận thì phải xả thân, tâm huyết với từng trang viết của mình, phải đọc thật nhiều, đi thật nhiều để làm giàu cảm xúc, kiến thức, kinh nghiệm sống, vốn từ ngữ, văn phong. Chẳng thế mà ông cứ ám ảnh mãi “màu nắng đất Lào vàng rực như màu áo cà sa”, hay “những ngôi nhà như những hộp diêm” của người Mông nơi chót vót đỉnh trời, rồi nỗi niềm “cái que đuổi lợn” của đồng bào nơi biên cương heo hút… Không chỉ có những tác phẩm báo chí ấn tượng, các tác phẩm thơ, văn của ông như “Suối thì thầm”, “Quảng đường vắng”, “Câu chuyện con đom đóm”… của ông như ánh lửa cháy bừng trong đêm ra trận.

Về với cuộc sống đời thường, Đại tá, Nhà báo Đậu kỷ Luật vẫn gắn bó với người lính, ông được mời tham gia công tác Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, được coi như “Tổng Biên tập” kiêm chủ bút Tờ Cựu chiến binh Nghệ An 12 năm liền. Như “cá gặp nước”, ông lại đi và viết, cần cù gom nhặt những mảnh ghép có giá trị và chứng tích thời gian của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ đồng đội, ông còn lên với đồng bào heo hút mây mù, về với bà con vùng biển đầy nắng, đầy sóng. Ông vừa viết, vừa “cài cắm” cộng tác viên ở cơ sở rồi biên tập, in ấn. Lắm khi như hóa vào từng con chữ nên hễ ai đọc là nhận ra văn phong của ông, một văn phong thấm đẫm tình người, chất lính.

Ở tuổi gần 90 xưa nay hiếm nhưng ông đang hoàn thiện các tác phẩm về nghề như “Hồn của lúa”, “Con người đạo học và khoa học”, “Một số nét về tộc người ở Nghệ An”… Ông xúc động, chia sẻ: “Mình yêu nghề báo vô cùng nhưng quỹ thời gian chẳng còn bao nhiêu nữa. Nhiều khi ngồi một mình, đối diện với mình, ngẫm nghĩ về được, mất, thiệt, hơn … về nghề làm báo nhiều lắm! Cái được lớn nhất là hạnh phúc cầm bút viết về người lính; những đồng đội của mình, người gánh vác trên vai nhiều gian khổ, hi sinh nhất, những người vì nhân dân quên mình dấu viết cả cuộc đời cũng không sao hết được. Còn sống ngày nào mình còn viết ngày đó"./.

Bài, ảnh: Hoàng Trung

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nguoi-gom-nhat-nhung-manh-ghep-gia-tri-557228.html