Người dùng điện thoại tiền tỉ đời cũ phản ứng ra sao khi sắp đến ngày tắt sóng 2G?
Chỉ còn khoảng một tuần nữa những chiếc điện thoại 2G sẽ chính thức trở thành 'cục gạch', kể cả dòng Signature S xa xỉ của Vertu khi nhà mạng tắt sóng 2G.
Điện thoại tiền tỉ có nguy cơ trở thành “cục gạch” khi tắt sóng 2G
Theo lộ trình, việc tắt sóng 2G sẽ được thực hiện từ ngày 16-9 theo hai đợt, cụ thể là dừng phục vụ thuê bao sử dụng điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) từ tháng 9-2024, và đợt 2 là dừng hệ thống 2G vào tháng 9-2026.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, các nhà mạng còn mở rộng vùng phủ sóng 4G, tăng dung lượng mạng lưới thêm 20% giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng. Mục tiêu đến năm 2025, vùng phủ 4G sẽ tương đương 2G đạt hơn 98% dân số.
Ngoài các mẫu điện thoại 2G giá rẻ, trên thị trường hiện vẫn còn nhiều mẫu điện thoại “siêu sang”, có giá lên tới vài trăm triệu đồng, cũng có nguy cơ bị vô hiệu hóa khi nhà mạng tắt sóng 2G, đơn cử như dòng máy Vertu Signature S.
Đa số các mẫu điện thoại “siêu sang” trên thị trường như Vertu, Goldvish hay Gresso… đều được bán dưới dạng xách tay. Một phần trong số này chỉ hỗ trợ sóng 2G, trong khi các mẫu máy chính hãng đã chuyển sang công nghệ 4G. Do đó, nguy cơ điện thoại siêu sang biến thành “cục gạch” hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo chia sẻ của đơn vị phân phối Vertu chính hãng tại Việt Nam, lượng khách nâng cấp từ máy Vertu 2G lên 4G/5G đã tăng khoảng 25% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 9-2024. Trong đó, model được quan tâm và đặt hàng nhiều nhất là Signature V 4G, phiên bản nâng cấp của dòng Signature S.
Đại diện Vertu Việt Nam cho biết: “Đây là thời điểm chúng tôi đang trả máy cho những khách hàng đặt từ 1-2 tháng trước. Lượng khách mới của chúng tôi có tăng, phần lớn là người dùng tiếp cận thông tin tắt sóng 2G muộn hoặc người dùng từng gặp các rủi ro khi mua qua các bên thứ 3, mua phải máy là hàng dựng, hàng trôi nổi và bị hãng khóa máy vĩnh viễn”.
Khi các nhà mạng bắt đầu tắt bớt các trạm phát 2G, một số người dùng Vertu thế hệ cũ đã gặp tình trạng sóng yếu, chập chờn hoặc bị khóa máy vì mua nhầm điện thoại 2G “đội lốt” 4G với mức giá cao. Đặc biệt, dòng điện thoại phím bấm cổ điển Signature lại có ngoại hình giống nhau 100% giữa đời cũ (2G) và đời mới (4G) nên rất khó phân biệt.
Cách phân biệt điện thoại 4G và 2G để tránh mất tiền oan uổng
Tình trạng lừa đảo bán điện thoại 2G nhưng quảng cáo là điện thoại 4G đang trở nên phổ biến hơn khi ngày tắt sóng 2G (16-9-2024) đang đến gần. Những kẻ lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để bán các thiết bị cũ kém chất lượng, đánh lừa họ rằng các thiết bị này có thể kết nối với mạng 4G.
Kiểm tra số IMEI trên điện thoại
Trước khi bắt đầu, bạn cần phải kiểm tra số IMEI bằng cách mở ứng dụng Phone (điện thoại), gõ *#06# và nhấn nút gọi, lúc này màn hình sẽ hiển thị 2 dãy số IMEI (sao chép một trong hai dãy số).
Cách phân biệt điện thoại 4G và 2G
- VinaPhone: Soạn tin nhắn với cú pháp 2G hoặc TC2G gửi đến số 888 (miễn phí). Kết quả trả về sẽ bao gồm thông tin loại điện thoại, và yêu cầu nâng cấp máy trong trường hợp điện thoại bạn đang sử dụng chỉ hỗ trợ 2G.
- Viettel: Soạn tin nhắn theo cú pháp KTDT IMEI và gửi đến đầu số 191. Ví dụ: KTDT 357056987358359 gửi 191. Tổng đài sẽ phản hồi lại trong các trường hợp sau:
• Nếu là điện thoại 2G, bạn sẽ nhận được thông báo: “Thông tin quý khách vừa kiểm tra là IMEI của máy điện thoại 2G. Trân trọng”.
• Nếu là điện thoại 4G/5G, bạn sẽ nhận được thông báo: “Thông tin quý khách vừa kiểm tra là IMEI của máy điện thoại có hỗ trợ 4G. Trân trọng”.
• Nếu không xác định được thông tin IMEI, bạn sẽ nhận được thông báo: “Xin lỗi, thông tin IMEI của quý khách hiện không kiểm tra được. Quý khách liên hệ 198 (0 đồng) để được hỗ trợ. Trân trọng”.
- MobiFone: Nếu đang sử dụng mạng MobiFone, bạn có thể gọi lên tổng đài 18001090 để được hỗ trợ.
Để tránh rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo, người tiêu dùng nên cẩn trọng hơn khi mua điện thoại, đặc biệt là qua các kênh không chính thống. Hãy kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, và ưu tiên mua hàng tại các cửa hàng uy tín hoặc các nhà phân phối chính thức.