'Người đẹp Bình Dương' Thẩm Thúy Hằng và những điều chưa biết...

Một người như GS.TS Nguyễn Xuân Oánh đã chọn con đường ở lại và thuyết phục vợ mình là một nghệ sĩ nổi tiếng không bỏ nước ra đi là một sự lựa chọn nhiều trăn trở, đầy tâm tư, đồng thời phải có lý do chứ không phải ngẫu nhiên và đây là một quyết định không đơn giản.

Sau này, trên cương vị cố vấn kinh tế cho TBT Nguyễn Văn Linh rồi Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng như thành viên trong UBMT Tổ quốc Việt Nam và đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Oánh đã đóng góp công sức, tài năng của mình, đặc biệt về tư duy kinh tế, tài chính, ngân hàng trong giai đoạn khó khăn của đất nước và tất nhiên có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới những quyết sách đổi mới về kinh tế của lãnh đạo cấp cao ở thời kỳ đó. Trong lúc GS.TS Nguyễn Xuân Oánh hoạt động trong lãnh vực kinh tế, chính trị của chính quyền cách mạng thì Thẩm Thúy Hằng hoạt động trong lãnh vực văn học - nghệ thuật.

Bà trở lại với nghề nghiệp của mình, tham gia đóng rất nhiều phim của điện ảnh cách mạng như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Jung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu… Không chỉ tham gia trong lãnh vực điện ảnh mà Thẩm Thúy Hằng cũng tích cực hoạt động trong lãnh vực sân khấu, bà đã có những vai diễn gây được tiếng vang trong các vở như: Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn… và đặc biệt là vai Phồn Y trong vở Lôi vũ của Đoàn kịch Kim Cương. Đây là vai diễn cuối cùng của nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu. Trước đây nhà của Thẩm Thúy Hằng ở số 608 đường Lê Văn Duyệt (giờ là CMT8) Q.3 gần cống Bà Xếp (chứ không phải ở trong một con hẻm gần chợ Hòa Hưng như nhiều bài viết đã nhầm lẫn).

Khi ông Nguyễn Xuân Oánh nghỉ hưu và Thẩm Thúy Hằng nghỉ diễn, hai vợ chồng vẫn sống trong căn nhà này rất hạnh phúc. Bốn người con của Thẩm Thúy Hằng và ông Nguyễn Xuân Oánh hiện làm việc, sinh sống ở nước ngoài. Riêng ngôi nhà ở số 608 đường CMT8 Q.3 về sau được bán đi, hai vợ chồng bà mua một ngôi nhà khác ở Bình Quới P.28, Q. Bình Thạnh để an dưỡng tuổi già. Từ khi ông Nguyễn Xuân Oánh mất do đau tim, Thẩm Thúy Hằng sống ở đây một mình theo kiểu tu tại gia, ăn chay và làm việc từ thiện. Trong lớp nghệ sĩ tên tuổi cùng thời, Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương là người bạn gắn bó, thân thiết với Thẩm Thúy Hằng nhất. Hai người cùng hoạt động trên lãnh vực phim ảnh và sân khấu, cùng là một trong “ngũ đại mỹ nhân” của Sài Gòn trong giới nghệ sĩ (3 người còn lại là: Kiều Chinh, Thanh Nga, Mộng Tuyền).

Kỳ nữ Kim Cương đã có lần phát biểu về người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng như sau: “Giữa chúng tôi như có một sợi dây vô hình buộc chúng tôi lại với nhau. Nhưng Hằng may mắn hơn tôi, trong mái ấm gia đình còn có một người đàn ông làm trụ cột và được 4 con trai bao bọc. Còn tôi, hơn 20 năm qua vừa làm cha, vừa làm mẹ đối với con trai mình” (Theo Nam Yên - NV).

“Bé cái lầm” trong vụ sản xuất phim “Như Hạt Mưa Sa”

Lâu nay có một số bài báo khi viết về Thẩm Thúy Hằng đã nhầm lẫn cho rằng phim “Như hạt mưa sa” do Hãng phim Vilifilms của Thẩm Thúy Hằng sản xuất sau khi phim “Chiều kỷ niệm” của bà thành công vang dội. Thật ra phim “Như hạt mưa sa” Thẩm Thúy Hằng chỉ đóng vai chính nữ chứ không phải là người sản xuất, mà người sản xuất phim này là đạo diễn Bùi Sơn Duân sau ngày giải phóng đổi tên là đạo diễn Lam Sơn. Phim “Như hạt mưa sa” do đạo diễn Bùi Sơn Duân viết kịch bản, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngọc Linh và bỏ tiền ra làm phim này. Nghĩa là phim “Như hạt mưa sa” là phim 3 trong 1, vì đạo diễn Bùi Sơn Duân vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn đồng thời cũng bỏ tiền làm nhà sản xuất luôn. Trong phim này ngoài Thẩm Thúy Hằng là vai nữ chính còn có vai nam chính là Trần Quang, các vai phụ như Đoàn Châu Mậu, Trần Hoàng Ngữ… là phim đen trắng 35 ly.

Hãng phim sản xuất mang tên Việt Ảnh, công ty nằm ở số 248 đường Pasteur, Q.3. Đạo diễn Bùi Sơn Duân không phải là một cái tên xa lạ với làng điện ảnh, ông là một đạo diễn nổi tiếng trước 30/4/1975 từng làm nhiều phim, ngoài “Như hạt mưa sa” ông còn đạo diễn phim “Như giọt sương khuya” và “Hải vụ 709” là 2 phim màu màn ảnh rộng (riêng phim “Hải vụ 709”, Bùi Sơn Duân hợp tác với Thái Lan, chưa được ra rạp). Đạo diễn Bùi Sơn Duân sau giải phóng vẫn còn hoạt động trong giới điện ảnh, về sau mới đi định cư ở Mỹ và mất tại Nam Cali.

Vẫn luôn khát khao tình yêu, hạnh phúc

Tuy hiện nay “Người đẹp Bình Dương” không còn mang gương mặt xinh đẹp lộng lẫy như xưa nữa, dung nhan diễm lệ của mỹ nhân Thẩm Thúy Hằng từng là biểu tượng của nhan sắc phụ nữ một thời đã theo thời gian và hóa chất silicol tàn phá. Nhưng điều này không làm người ta quên đi sự ái mộ minh tinh Thẩm Thúy Hằng cách đây 3 thập niên kể từ khi “Người đẹp Bình Dương” xuất hiện với vai Tam Nương. Khi đi tìm tư liệu viết loạt bài này, người viết vẫn ngỡ ngàng trước những tấm ảnh Thẩm Thúy Hằng do Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu (Viễn Kính studio) chụp cách đây mấy chục năm, quả là một mỹ nhân không thể phủ nhận, một gương mặt đẹp sang trọng mà không ngoa ngoắt mà tiếng bây giờ gọi là “chảnh”.

Bởi thế nên nhân gian đã có giai thoại rằng, nhiều đàn ông con trai thời đó đã ước mơ làm sao có một người yêu, người vợ… đẹp giống như Thẩm Thúy Hằng và đã có một bài thơ “chế” nhại theo giọng thơ của TTKH trong bài “Hai sắc hoa Tigon” ví von đến chuyện này mà tác giả không biết là ai, thơ như sau: “Nếu biết rằng em đã lấy chồng Anh về lấy vợ thế là xong Vợ anh không đẹp bằng em lắm Mà chỉ tương đương… Thẩm Thúy Hằng” Bây giờ thì người đẹp năm xưa đã qua thời nhan sắc, bà hướng cả cuộc đời của mình về cửa Phật và chuyên tâm tụng kinh, làm việc thiện để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh, cần sự giúp đỡ của mọi người. Thẩm Thúy Hằng nghĩ rằng mưu cầu tình yêu, hạnh phúc cho mọi người cũng là mưu cầu tình yêu, hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Chính vì thế nên trước đây, khi còn hoạt động trên sân khấu kịch nói, mà Đoàn Bông Hồng do bà làm Trưởng đoàn đã từng dựng những vở kịch mang màu sắc đậm nét về tình yêu như “Cho tình yêu mai sau”, “Đôi mắt”… Đặc biệt là vở “Đôi mắt” được giới văn nghệ, báo chí đánh giá là một trong những vở kịch hay của Đoàn Bông Hồng. Riêng Thẩm Thúy Hằng khi được hỏi về vấn đề này thì bà cũng rất hào hứng phát biểu rằng: “Tôi muốn góp phần với các nghệ sĩ sân khấu mang đến công chúng yêu kịch những thông điệp chứa đựng giá trị nhân ái, để mọi người hiểu và nâng niu hơn hạnh phúc đang có của mình. Cuộc đời tôi đã có quá nhiều hạnh phúc…”. Và quả thật như thế, cho dù “Người đẹp Bình Dương” không còn đứng trên sân khấu, xuất hiện trong phim với các vai diễn khóc cười theo số phận của người phụ nữ luôn mưu cầu hạnh phúc dù có bị con gái từ chối nhìn mẹ, dù có gặp bao trắc trở, khổ đau, hứng chịu bao nỗi đoạn trường kể cả di chứng của “dao kéo” mà một thời bà muốn lưu giữ nhan sắc cho mình, cho đời… thì Thẩm Thúy Hằng vẫn thể hiện sự kiên tâm, bền lòng đi đến chân trời ấy. Chân trời hạnh phúc!

Võ Trí Minh Nhân / Duyên dáng Việt Nam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/nguoi-dep-binh-duong-tham-thuy-hang-va-nhung-dieu-chua-biet-45493.html