Người dân Hà Nội lo ngại chất lượng không khí

Liên tục trong những ngày gần đây, hệ thống cảnh báo chất lượng không khí của Hà Nội hiển thị ở mức 'kém', 'xấu'. Chỉ số bụi mịn PM 2.5 AQI cũng hiển thị ở mức ảnh hưởng đến những người nhạy cảm về sức khỏe như trẻ em, người già và mắc các bệnh hô hấp.

Theo hệ thống Quan trắc tự động cập nhật tại Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, lúc 11g ngày 15-12, chỉ số chất lượng không khí toàn TP trung bình là AQI=132 (mức cảnh báo chất lượng “kém”, màu cam-có ảnh hưởng đến những người nhạy cảm về sức khỏe). Tại Công viên Hòa Bình, chỉ số AQI=152, mức “xấu” với màu đỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe những người bình thường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nhạy cảm về sức khỏe.

Đặc biệt, theo hệ thống cảnh báo của ứng dụng Air Visual thì chất lượng không khí tại Hà Nội còn chạm ngưỡng “rất xấu” và “nguy hại”. Cụ thể, vào 6g ngày 12-12, ứng dụng Air Visual ghi nhận mức chỉ số AQI tại Hà Nội lên tới ngưỡng 246 (mức màu tím-nguy hại cho sức khỏe con người). Đến 6g15 ngày 13-12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu (mức cực nguy hại) với AQI = 361.

“Sa Pa trong lòng Hà Nội” lúc 7g ngày 14-12 tại đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: V.H

Trong các ngày 13 đến 15-12, người dân khi đi ngoài đường cũng cảm nhận được mức độ bao phủ dày đặc của bụi mịn khiến toàn TP như được bao phủ trong màn sương mù mờ ảo. Nhiều người ví von cảnh tượng đó như thể “Sa Pa giữa lòng Hà Nội” và cũng không khỏi lo lắng cho sức khỏe của gia đình.

Chị Hoàng Linh ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, nhà có con nhỏ nên chị đã phải mua ngay một máy lọc không khí đặt trong nhà với hi vọng ngăn được những “thảm” bụi mịn tấn công vào đường hô hấp của con. Chị cho rằng, những gia đình có trẻ nhỏ hay ốm, mắc bệnh hô hấp, đặc biệt người bệnh hen thì nên dùng máy lọc không khí để lọc cả các loại khói bụi khác.

Buổi sáng anh Tuấn ở quận Nam Từ Liêm có thói quen dậy sớm chạy bộ tập thể dục. Tuy nhiên, từ khi có cảnh báo chất lượng không khí ô nhiễm anh đành bỏ thói quen này. “Chạy bộ ngoài trời, hít thở không khí dễ chịu hơn nhưng không khí ô nhiễm thế này cũng đành chịu”, lời anh Tuấn.

Trước thực tế trên, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cùng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam xây dựng, hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, TP.

Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt); Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ…

Đồng thời, mọi người cần thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga; trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý: Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn, hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời; tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-ha-noi-lo-ngai-chat-luong-khong-khi-173726.html