Người dân Hà Nội được quan tâm kịp thời sau cơn lũ

Hai ngày sau khi cơn lũ bất thường xảy ra tại một số điểm trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khiến một đoạn nhỏ tuyến đê phụ sông Bùi 2 thuộc địa bàn 2 xã Hoàng Văn Thụ và xã Nam Phương Tiến bị sạt lở, cuộc sống của người dân tại khu vực này đã bị đảo lộn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều khu vực vẫn còn chìm trong nước, nhưng tâm lý người dân đã ổn định và sẵn sàng chuẩn bị công tác khắc phục các sự cố cũng như thiệt hại sau lũ.

Nước tràn qua đê gây ngập nặng tại một số xã ở xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội)

Qua ghi nhận thực tế tại khu vực sạt lở tuyến đê phụ sông Bùi 2 sau sự cố ngày 12/10, khiến một số điểm tại khu vực xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến (Chương Mỹ) ngập trong nước. Đến thời này, khu vực tuyến đê phụ sông Bùi 2, cụ thể ngay khu vực tuyến đê phụ bị sạt lở, lực lượng Phòng chống thiên tại và các cơ quan chức năng đã chuẩn bị đầy đủ phương án dự phòng, trong đó, đá hộc và máy xúc luôn sẵn sàng ứng trực nếu sự cố bất thường xảy ra. Tuy nhiên, trong những ngày qua do mưa lớn khiến lưu lượng nước đổ về khu vực sông Bùi 2 lớn khiến mực nước dâng cao và tràn qua mặt đê, gây ảnh hưởng đến khu vực trang trại chăn nuôi của người dân…

Trước diễn biến bất thường tại tuyến đê phụ sông Bùi 2 vừa qua, nhiều người dân ở đây cho biết, mặc dù họ thường xuyên được cảnh báo phòng chống thiên tai và chủ động bảo vệ tài sản nếu sự cố xảy ra, nhưng vì chủ quan nên một số vùng khi lũ đến đã không kịp di dời. Chị Trần Thị Tĩnh – người dân có trang trại chăn nuôi ngay khu vực tuyến đê phụ sông Bùi 2 – xã Hoàng Văn Thụ cho biết, trước khi sự cố tràn đê và sạt lở đê xảy ra, chúng tôi đã nhận được cảnh báo của chính quyền xã về công tác phòng chống thiên tai; thời điểm đó xã cũng liên tục phát thông báo và yêu cầu người dân di dời, nhưng còn chút chủ quan nên nhiều gia đình đã không kịp trở tay khi lũ đến.

“Nhà tôi cũng chỉ chạy được 10 con lợn nái, trong khi đó hơn 1 nghìn con vịt, cùng hơn chục ha ao thả cá đã bị lũ cuốn đi. Ngay sau lũ, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời khắc phục sự cố. Ngoài ra, họ còn đến các xã và các hộ bị thiệt hại để động viên, thăm hỏi rất chu đáo. Đồng thời, đã có lực lượng thống kê thiệt hại tại sản cho người dân, đó là điều rất mừng. Sau cơn lũ này, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong việc hỗ trợ kinh tế, để gia đình tôi cũng như bà con tại các xã bị thiệt hại khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống”, chị Tĩnh bộc bạch.

Một số gia đình đã kịp thời di chuyển tài sản, gia xúc, gia cầm khi có lệnh cảnh báo nên bảo toàn được tài sản

Trước sự cố bất thường tại khu vực tuyến đê sông Bùi 2, ông Trần Ngọc Thông – Chánh Văn Phòng UBND huyện Chương Mỹ cho biết, ngay khi sự cố xảy ra Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai huyện đã chỉ đạo cho đóng cọc tre phía thượng lưu, đồng thời thả đá hộc để cản dòng chảy nhằm khống chế không cho đoạn sạt lở mở rộng. Đến 16h00’ ngày 12/10/2017 sự cố cơ bản đã được xử lý an toàn, hiện nay mực nước trong và ngoài đồng đã cân bằng.

Trước sự kiện bất thường có thể xảy ra tại khu vực tuyến đê sông Bùi, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng ứng cứu, sơ tán dân từ khu vực vùng thấp lên khu cao. Kết quả đã sơ tán được 642 hộ với 5.672 nhân khẩu. Cũng theo ông Thống, thống kê đến thời điểm hiện tại, số diện tích lúa chưa thu hoạt bị ngập ước tính là 102,8ha; diện tích cây vụ đông bị hư hỏng do mưa lớn là 919,8ha; diện tích cây ăn quả bị ngập 92,4ha; diện tích thủy sản bị thiệt hại ước tính 676,9ha. Ngoài ra, số gia súc bị chết vào khoảng 444 con, gia cầm là 87.648 con; tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng là 7m (thôn Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ); các tuyến khác đang bị ngập nước ước tính khoảng 15km…

Ông Thông cũng cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp cùng với chính quyền địa tăng cường công tác ứng trực, xử lý giải tỏa các điểm ùn tắc về giao thông; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tuần tra kiểm soát, không để xảy ra tình trạng trộm cắp trong quá trình di dời người dân và tài sản.

Một số hộ dân không kịp di tản gia xúc, gia cầm đành dựng tạm lán trên đê để bảo vệ

Ngoài ra, phân công cán bộ trực 24/24h; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết mưa, lũ, ngập úng; thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến xảy ra khi có bão; duy trì nghiêm chế độ thôn tin báo cáo. Bên cạnh đó, tiếp tục thông kế thiệt hại về tài sản, hoa màu, đề điều, hồ đập và các công trình thủy lợi để có phương án khắc phục…

Trước đó, tối ngày 11/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội đã phát đi lệnh báo động lũ cấp II trên sông Nhuệ và sông Tích, địa phận các xã ven đê; báo động cấp III trên sông Bùi...Đêm 11/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi thị sát, kiểm tra công tác phòng chống lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ngay trong đêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung di dời người dân nếu trong đêm có xảy ra vỡ đê, hay nước lũ tràn qua đê vào khu vực dân cư sinh sống tập trung. Bộ tư lệnh Thủ đô cùng các lực lượng dân quân, nhân dân túc trực thường xuyên, sử dụng bao cát gia cố mặt đê; chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ để hướng dẫn người dân đến nơi tạm trú an toàn..

Sau cơn lũ, các cơ quan ban ngành TP Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ và các địa phương đã kịp thời ứng cứu cho người dân khu vực bị ngập lụt

Trong sáng ngày, 12/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã trực tiếp tới địa phương này, chỉ đạo việc khắc phục sự cố đê điều và thăm hỏi một số hộ dân bị ảnh hưởng. Sau khi trực tiếp thị sát, kiểm tra tại cơ sở, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Chương Mỹ, các xã trong vùng ngập lụt và các cơ quan thành phố đã tập trung mọi sức lực để khắc phục thiệt hại do mưa lũ, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Ngay sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bám sát dự báo thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, cần thực hiện khẩn cấp các biện pháp khắc phục sự cố đê ở xã Hoàng Văn Thụ, tập trung xử lý đoạn đê 20m ở đê Bùi 2 bị sạt lở. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát chặt chẽ tình hình dân cư, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nắm chắc tình hình sức khoẻ, cung cấp nước sạch cho người dân, với tinh thần là “lấy sự an toàn của người dân là số một”.

Nhóm phóng viên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-dan-ha-noi-duoc-quan-tam-kip-thoi-sau-con-lu-62093.html