Ngứa mũi là bệnh gì, có cần phải điều trị không?
Cảm giác ngứa mũi, nhột nhột, gây hắt hơi thường xuyên rất khó chịu. Ngứa mũi kéo dài không biến mất có thể do một số nguyên nhân như nhiễm virus, dị ứng và polyp mũi.
Ngứa mũi là bệnh gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa mũi. Điển hình như:
Nhiễm virus
Cảm giác ngứa lỗ mũi có thể do virus như virus cảm lạnh gây ra. Mặc dù cảm lạnh phổ biến nhất vào mùa đông và mùa xuân nhưng bạn có thể mắc bệnh vào bất cứ lúc nào trong năm. Trên thực tế, hầu hết người lớn bị 2 hoặc 3 lần cảm lạnh mỗi năm, và trẻ em sẽ bị nhiều hơn.
Khi vi trùng gây cảm lạnh lây nhiễm vào mũi và xoang, mũi sẽ cố gắng tống chúng ra ngoài bằng cách tiết chất nhầy. Hắt hơi là một cách khác để cơ thể tống vi trùng ra ngoài.
Virus gây cảm lạnh có thể là nguyên nhân bị ngứa mũi
Bị dị ứng
Dị ứng xảy ra khi cơ thể có phản ứng miễn dịch với một thứ gì đó trong môi trường sống xung quanh. Khi bị dị ứng, cơ thể sẽ coi các tác nhân gây dị ứng như một kẻ xâm lược bên ngoài. Điều này sẽ gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh. Nhiều người bị dị ứng với lông thú cưng, phấn hoa, mạt bụi…
Dị ứng có thể theo mùa hoặc kéo dài cả năm. Chúng thường gây ra tình trạng viêm khó chịu trong mũi, gây cảm giác ngứa ngáy, nhột nhột.
Viêm xoang
Viêm xoang cấp tính (kéo dài trong thời gian ngắn) hoặc mạn tính (kéo dài trong thời gian dài) cũng gây ngứa mũi. Nếu cảm thấy nhột trong mũi hơn một vài tuần cùng với các triệu chứng khác, bạn có thể bị viêm xoang mạn tính.
Viêm xoang mạn tính là một tình trạng phổ biến xảy ra khi các lỗ thông bị viêm và sưng tấy. Nó kéo dài ít nhất 12 tuần gồm một số triệu chứng sau:
- Khó thở bằng mũi
- Mệt mỏi
- Đau và nhức quanh mắt
Polyp mũi
Polyp mũi thường xuất hiện ở những người bị viêm xoang mạn tính. Chúng là những khối u nhỏ, mềm, không phải ung thư bám xuống niêm mạc mũi. Sự phát triển lớn hơn của polyp mũi có thể gây khó chịu và dẫn đến các vấn đề về hô hấp và mất khứu giác.
Dùng máy CPAP
Nếu bạn sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) để điều trị ngưng thở khi ngủ, có thể bị ngứa mũi. Ngứa mũi là một trong những phàn nàn phổ biến nhất của những người mới sử dụng CPAP, cảm giác giống như nhện hoặc lông trong mũi.
Khô mũi
Khi đường mũi bị khô cũng có thể gây ngứa mũi. Mũi khô thường do xì mũi quá nhiều, tác dụng phụ của một số loại thuốc trị dị ứng và cảm lạnh.
Khối u
Các khối u ở mũi và cạnh mũi là những khối u hình thành trong và xung quanh đường mũi. Những khối u này có thể là ung thư (ác tính) hoặc không phải ung thư (lành tính). Ung thư đường mũi hiếm gặp và thường không có triệu chứng. Các dấu hiệu có thể là mất khứu giác, nghẹt mũi, ngứa mũi, lở loét bên trong mũi và nhiễm trùng xoang thường xuyên.
Cách điều trị ngứa mũi tại nhà
Có một số cách bạn có thể làm để điều trị ngứa mũi tại nhà:
Tránh xa các tác nhân gây dị ứng như lông thú, phấn hoa, bụi, hoặc chất gây kích ứng từ môi trường như khói, nước hoa, hóa chất.
Dùng thuốc dị ứng không kê đơn: Thuốc có thể giúp chữa dị ứng theo mùa và trong nhà.
Hạn chế xì mũi: Xì mũi nhiều lần có thể gây tổn thương, khô và kích ứng mũi.
Không dùng tay hoặc sử dụng các vật dụng sắc nhọn để ngoáy mũi.
Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm có thể bổ sung độ ẩm cho không khí mùa đông khô, giúp mũi đỡ khô, nghẹt, giảm ngứa mũi.
Uống nhiều nước: Uống các chất lỏng như nước và trà khi bị ốm giúp bạn đủ nước trong khi cơ thể chống lại nhiễm trùng hoặc virus.
Xịt rửa mũi bằng dung dịch nước muối là cách tốt để loại bỏ chất nhờn dư thừa và các chất gây kích ứng trong mũi, mang lại cảm giác thông thoáng, sạch sẽ.
Khi nào nên đi khám?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cảm giác ngứa mũi. Hầu hết có thể được giải quyết bằng các biện pháp khắc phục tại nhà và các bệnh do virus thường tự khỏi sau 7-10 ngày. Cảm giác nhột nhột ở mũi hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng, nhưng bạn nên đi khám nếu các triệu chứng không cải thiện.