Ngồi ở Dinh Độc Lập đọc nhật ký chiến trường của anh hùng Hoàng Kim Lếnh

Vô tình một cách kỳ lạ, khi trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, tôi gặp một đồng nghiệp, đồng hương và anh đã cho tôi xem cuốn nhật ký chiến trường của người bác ruột mình - anh hùng Hoàng Kim Lếnh.

Cuốn nhật ký đã úa màu thời gian, nhưng những dòng chữ và tranh minh họa còn sắc nét, được ông Hoàng Kim Lếnh ghi chép tỉ mỉ từ tháng 7/1967. Trong ảnh: Ông Hoàng Kim Mười đọc cuốn nhất ký của anh trai - liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh

Cuốn nhật ký đã úa màu thời gian, nhưng những dòng chữ và tranh minh họa còn sắc nét, được ông Hoàng Kim Lếnh ghi chép tỉ mỉ từ tháng 7/1967. Trong ảnh: Ông Hoàng Kim Mười đọc cuốn nhất ký của anh trai - liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh

Khói lửa trong từng trang nhật ký

Tại một quán cà phê nhỏ trong khuôn viên phía sau Dinh Độc Lập, anh Hoàng Kim Ngự nhẹ nhàng mở chiếc hộp nhỏ đặt trước mặt tôi cuốn nhật ký chiến trường của liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh.

Anh Ngự là họa sĩ trình bày của Báo Công an TP Hồ Chí Minh. Anh mang theo cuốn nhật ký này đã gần 20 năm qua, kể từ khi vào miền Nam công tác.

Cuốn nhật ký đã úa màu thời gian, nhưng những dòng chữ và tranh minh họa còn sắc nét, được ông Hoàng Kim Lếnh ghi chép tỉ mỉ từ tháng 7/1967, thời điểm ông từ biệt gia đình lên đường nhập ngũ cho đến trước ngày nằm lại chiến trường Quảng Đà (tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng ngày nay).

Tuổi 20 khi hướng đời đã thấy/ Thì nguy nan biết mấy cũng lên đường... là những dòng chữ đầu tiên ông Lếnh nắn nót ghi vào cuốn nhật ký như còn vương mùi thuốc súng ở chiến trường Quảng Đà đầy mưa bom, bão đạn.

"Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" được liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh ghi lại trong cuốn nhật ký chiến trường

"Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" được liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh ghi lại trong cuốn nhật ký chiến trường

Về cuốn nhật ký này, cựu chiến binh Hoàng Kim Mười, em ruột liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh kể, ngày 2/8/1974, trước lúc được đưa vào trạm tiểu phẫu tiền phương để cắt bỏ toàn bộ chân phải do bị thương nặng, ông Lếnh đã trao lại nhật ký và quân tư trang cho bạn chiến đấu là ông Đào Xuân Đán ở thôn Đoàn Khê, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) và dặn khi nào giải phóng thì mang về trao lại cho gia đình.

Tháng 6/1968, ông Lếnh cùng đơn vị vào đến Quảng Nam, chiến đấu ở mặt trận Quảng Đà, là Tiểu đội phó, rồi Tiểu đội trưởng, làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, đánh địch càn quét tại vùng Đại Lộc, Duy Xuyên.

"Tình hình ngày càng căng, cả ngày chỉ 2 bữa, mỗi bữa 1 bát cơm, có ngày 2 bát cháo. Biệt kích lên núi nhiều, đơn vị tôi được phân công tuần tra cảnh giới và chốt giữ khu vực dốc Ông Thủ. Khu vực này suốt ngày bom tọa độ và pháo bầy. Trước kia, cây cối mọc um tùm, người đông vui nhưng nay đổ nát tiêu điều, trơ trụi, bốc nắm đất ít nhất cũng có 1/3 là sắt thép... Chúng tôi ăn Tết tại doanh trại khu Dốc Gió. Đêm giao thừa, tất cả ngồi quây quần ở một chiếc hầm trâu. Bữa cơm cuối năm là 1 chén bắp hầm. Khi anh Thép Đại đội phó nói chuyện ngày Tết, chúng tôi nhớ quê, có đồng chí rớt nước mất. Vì quá đói và mệt, tôi ngủ thiếp mà không biết giao thừa đã đi qua lúc nào...", nhật ký ghi cuối năm 1969.

Theo ghi chép từ cuốn nhật ký, địa bàn trú chân của ông Lếnh và đồng đội là xóm Châu Ký. "Châu Ký là xóm nhỏ của xã Xuyên Hòa, tỉnh Quảng Đà, xung quanh bao bọc bởi những đồng nước ngập. Nơi đây địch có thể dùng để không chế vùng giải phóng của 2 xã Xuyên Khương và Xuyên Hòa nên chúng mưu toan chiếm vị trí này".

Ngày 29/1/1973, sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, ông Lếnh viết: "Địch đóng bên ngoài và giở trò ngừng bắn. Tôi ra gặp nói chuyện với chúng, khi tôi vừa ra tới công sự thì hàng loạt cối + pháo bắn cấp tập. Ngớt pháo, chúng lăm lăm súng đi vào. Cách 20m, tôi nổ súng. Chúng chống trả yếu ớt, số mang xác đồng bọn ra, số còn lại lợi dụng bờ cao tránh đạn. 11 giờ, chúng tăng viện. Khi địch đến gần, Hiệp nổ B40, một số tên bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy và gọi pháo bắn vào trận địa. 2 giờ chiều, Hiệp và Ngân bị thương...".

"... Ngày 1/2, pháo bắn như mưa vào trận địa. 7 chiếc M113 chở đầy lính tiến vào. Chúng tôi chiến đấu nhiều tiếng liên tục, đạn gần hết, mỗi người chỉ còn 1 băng, súng chống tăng B40 đã hết mà địch vẫn còn. Lúc này tôi chỉ còn 1 băng đạn và 4 quả lựu đạn. Thấy thế địch tiến tới, súng chỉ còn 5 viên, tôi đưa cho Sáu 2 trái lựu đạn, nói cậu ra cảnh giới phía đó, tôi cảnh giới hướng này, nếu xe đến ta thà hy sinh chứ không để chúng làm nhục thân thế. Tôi liền bắn chếch 1 quả pháo hiệu về hướng cơ quan chỉ huy. Địch tưởng đã làm chủ hoàn toàn, thằng đi trước súng xách tay, mắt nhấc nháo. Tôi ngắm kỹ, bóp từng viên. Bị bất ngờ, chúng ùa nhau chạy và tôi cũng vừa hết đạn. Lợi dụng lúc địch lúng túng và cối của cấp trên chi viện, chúng tôi vượt đồng nước rút lui về vùng 7 Xuyên Khương. Đạn xe của địch đuổi theo líu chíu. Giữ chốt 4 ngày ròng rã, chúng tôi đã về đơn vị, bây giờ mới biết còn sống...".

Trận chiến cuối cùng

Ông Đào Xuân Đán là người chiến đấu với liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh cho đến những giờ phút cuối cùng trước lúc ông Lếnh nằm lại chiến trường.

Cuốn nhật ký úa màu thời gian được gia đình liệt sĩ trân trọng lưu giữ

Cuốn nhật ký úa màu thời gian được gia đình liệt sĩ trân trọng lưu giữ

Ông Đán kể, ông Lếnh gầy yếu nhưng luôn giành phần mang vác cho đồng đội yếu hơn. Có lần vác đạn ĐKB cho Trung đoàn Pháo binh 575, 577, ông Lếnh vừa vác thân pháo vừa gùi đạn, vừa đi vừa chỉ huy đánh địch. Có đợt cao điểm, Lếnh gùi bình quân mỗi tháng từ 2-2,5 tấn đạn và thực phẩm.

Tháng 6/1968, Đại đội 7, H7 của ông và Lếnh được bổ sung vào Tiểu đoàn 140 mặt trận 44 Quảng Đà vận tải vũ khí từ hậu cứ xuống đồng bằng vùng B Đại Lộc và chiến đấu bảo vệ hành lang hậu cứ. Trong trận đánh tháng 9/1969, Tiểu đội 6 do Hoàng Kim Lếnh chỉ huy chốt điểm chống địch đổ bộ lên hậu cứ và kho vũ khí tại Thành Mỹ đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ an toàn các vị trí. Mình Tiểu đội trưởng Lếnh tiêu diệt 15 tên Mỹ và được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1...

Ngày 26/7/1974, ông Lếnh làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường, trinh sát, lên sa bàn luyện tập để tiêu diệt cứ điểm Giáng La.

Đúng 2 giờ sáng, đơn vị nổ súng nhưng địch chống trả quyết liệt làm toàn bộ Đại đội 3 hy sinh. Hoàng Kim Lếnh bắn pháo hiệu xin chi viện. Chính trị viên phó Đại đội 1 Đào Xuân Đán cùng một đồng đội đến tăng cường, dùng mìn định hướng và bộc phá mở cửa, đánh thẳng vào trung tâm. Đến 5 giờ sáng, số người ít ỏi của ta đã làm chủ cứ điểm Giáng La. Ông Lếnh bị thương nặng vào đầu, bụng và đùi và rút được về trạm tiểu phẫu tiền phương. Y tá cho biết, vết thương nghiêm trọng phải cắt bỏ chân mới mong cứu sống. Đầu tiên tháo khớp gối, bị nhiễm trùng, cưa "sống" rối lại bị nhiễm trùng, các bác sĩ quyết định tháo toàn bộ chân phải.

Không chỉ ghi chép tỉ mỉ, nhiều trang nhật ký được liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh vẽ minh họa miêu tả về từng trận chiến

Không chỉ ghi chép tỉ mỉ, nhiều trang nhật ký được liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh vẽ minh họa miêu tả về từng trận chiến

Dường như biết mình sẽ không qua khỏi, ông Lếnh gọi ông Đán vào dặn: "Mình sẽ không sống được. Đán ở lại. Mình nhờ Đán một việc, đến ngày thống nhất, Đán mang hộ mình quyển nhật ký này cùng quân tư trang của mình về quê.

Đến khoảng 8 giờ ngày 2/8/1974, trạm tiểu phẫu bắt đầu cắt bỏ chân ông Lếnh. Ông Đán nhớ lại, ngồi ngoài lều chỉ nghe ông Lếnh hét lên rất to "Đán ơi", rồi im bặt. Ông Đán biết ông Lếnh đã hy sinh khi chỉ còn vài tháng nữa, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Tháng 9/1975, ông Đán tìm về gia đình liệt sĩ trao kỷ vật. Khi ấy, em trai liệt sĩ là ông Hoàng Kim Mười đang chiến đấu ở Lào về phép đã giấu biệt gia đình về việc anh cả đã hy sinh. Mãi đến tháng 8/1976, khi giấy báo từ được gửi về thì gia đình mới biết.

Tròn 40 năm sau, ông Đán cùng gia đình ông Lếnh mới có điều kiện vào Quảng Nam và may mắn tìm được hài cốt liệt sĩ.

Năm 2012, Ban Liên lạc Cựu chiến binh V25 đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Quốc phòng và Chủ tịch nước truy tặng liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh, sinh năm 1949 ở thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Đến nay, ông Lếnh là người duy nhất ở huyện Cẩm Giàng được truy tặng danh hiệu cao quý này. Được biết, địa phương đã từng đưa ra ý kiến đặt tên anh hùng Hoàng Kim Lếnh cho một ngôi trường hoặc tuyến đường của huyện.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ngoi-o-dinh-doc-lap-doc-nhat-ky-chien-truong-cua-anh-hung-hoang-kim-lenh-410585.html